9 tháng đầu năm, FE CREDIT đạt 3.200 tỷ đồng lợi nhuận

Trường Thịnh

(Dân trí) - Mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn bởi tác động nặng nề của dịch Covid-19, nhưng FE CREDIT tiếp tục ghi nhận kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2020 tích cực, thị phần tiếp tục ổn định và vượt xa doanh nghiệp cùng ngành.

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong 9 tháng đầu năm 2020, số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường tăng đột biến cho thấy sự ảnh hưởng lâu dài của dịch bệnh đến cộng đồng doanh nghiệp và người lao động, bất chấp những kết quả tích cực trong công tác phòng, chống dịch của Việt Nam.

Tính riêng tháng 9, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn là 3.269 doanh nghiệp tăng 114,9% so với cùng kỳ năm 2019, số doanh nghiệp tạm ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể là 4.097 doanh nghiệp, tăng 50,8% so với cùng kỳ năm 2019.

Điều này kéo theo việc ngành tài chính ngân hàng tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch, trong đó mảng tài chính tiêu dùng chịu tác động lớn nhất và là điều khó tránh khỏi bởi các công ty tài chính chuyên cung cấp các khoản vay dành cho người có thu nhập trung bình và dễ bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế. Theo số liệu của FiinGroup (Tổ chức thu thập và phân tích số liệu), con số thiệt hại ở mảng tài chính tiêu dùng trên thế giới bởi dịch Covid-19 vô cùng lớn khi doanh thu ghi nhận giảm 25%, nợ xấu tăng 100% dẫn đến lợi nhuận giảm gần 200%.

Đứng trước những khó khăn như vậy, kết quả kinh doanh của FE CREDIT trong thời gian qua vẫn tiếp tục tích cực khi lợi nhuận trước thuế 9 tháng đạt gần 3.200 tỷ đồng, tiếp tục đứng đầu toàn ngành tài chính tiêu dùng đặc biệt trong bối cảnh công ty tập trung vào nhóm khách hàng ít rủi ro hơn, tăng bán chéo và tìm cách kiểm soát rủi ro. Trong đó, thu nhập từ nợ đã xử lý rủi ro ghi nhận tăng trưởng đột phá với mức tăng 30,3% so với cùng kỳ 2019.

9 tháng đầu năm, FE CREDIT đạt 3.200 tỷ đồng lợi nhuận - 1

Đáng chú ý, lượng khách hàng đến với FE CREDIT ngày càng tăng khi đạt hơn 11 triệu khách hàng nên tổng dư nợ 9 tháng đầu năm tiếp tục tăng 6,4% lên 64.000 tỷ đồng. Mặt khác, hệ số an toàn vốn của công ty (CAR) đạt 17,4%, tăng 1,8% so với cùng kỳ năm trước cùng với tỷ lệ nợ xấu vẫn ở ngưỡng an toàn, đây là mức tăng trưởng ổn định so với bối cảnh chung toàn thị trường đang bị tác động bởi dịch Covid-19 từ đầu năm tới nay.

Kiểm soát tốt và tối ưu hóa các quy trình và chi phí hoạt động tiếp tục đóng vai trò quan trọng, củng cố sự tăng trưởng ổn định của FE CREDIT khi hệ số CIR quý 3 giảm mạnh xuống 28,4%, mức thấp nhất trong 6 quý vừa qua. Điều này cho thấy công ty đã bảo vệ thành công danh mục đầu tư đồng thời đảm bảo tính thanh khoản, tối ưu hóa chi phí và kiểm soát tận gốc các vấn đề, rủi ro trong tương lại. Nhờ vậy, hiệu quả kinh doanh tiếp tục được duy trì ở mức cao hơn so với trung bình ngành khi hệ số sinh lời ROA và ROE 9 tháng đầu năm lần lượt đạt tương ứng 4,8% và 34%.

Tiếp tục giữ vững thị phần

Có thể coi Covid-19 là cơ hội để thay đổi cục diện ngành Tài chính tiêu dùng khi nó tạo ra sự thay đổi trong xu hướng tiêu dùng của khách hàng, thúc đẩy sự phát triển của hành vi thanh toán không tiền mặt như Thẻ tín dụng và tích hợp mô hình của các công ty tài chính với nền tảng trực tuyến.

Để giữ chân khách hàng cũng như tăng trưởng thị phần, FE CREDIT đã không ngừng tập trung đẩy mạnh danh mục đầu tư nhằm thu hút khách hàng hiện hữu và giảm thiểu rủi ro trên tập khách hàng mới. Công ty cũng tối ưu hóa chi phí thông qua việc tăng tốc triển khai các công nghệ tiên tiến như Chữ ký điện tử, Trí tuệ nhân tạo (AI).

Trong đó, FE CREDIT đặc biệt chú trọng đến các ứng dụng kỹ thuật số trên cả dịch vụ front-end và back-end của công ty. Việc áp dụng công nghệ nhận diện khách hàng (e-KYC) cũng đang được công ty điều chỉnh phù hợp với quy trình duyệt vay; đồng thời áp dụng AI đàm thoại vào dịch vụ khách hàng. Tất cả những nỗ lực này nhằm tiếp cận khách hàng nhanh và hiệu quả hơn.

Theo số liệu báo cáo mới nhất của Fiingroup, bức tranh thị phần ngành tài chính cho vay tiêu dùng trong nửa đầu năm 2020 không có nhiều biến động. Dẫn đầu vẫn thuộc về FE CREDIT chiếm hơn 50% thị phần, duy trì vị thế ổn định từ năm 2018 đến nay.

Tính đến ngày 30/9/2020, tổng giá trị khoản vay của FE CREDIT đã tăng thêm 6,44% so với cùng kỳ. Hiện quy mô dư nợ cho vay của FE CREDIT đã tăng gấp 3 lần so với Home Credit và ngày càng vượt xa các doanh nghiệp tài chính tiêu dùng trên thị trường.

9 tháng đầu năm, FE CREDIT đạt 3.200 tỷ đồng lợi nhuận - 2

Đóng góp đáng kể vào lợi nhuận VPBank

Trong hệ thống VPBank, FE CREDIT tiếp tục là đơn vị có đóng góp lợi nhuận đáng kể hàng năm. Trong 9 tháng đầu năm 2020, lợi nhuận trước thuế của FE CREDIT đạt gần 3.200 tỷ đồng, đóng góp hơn 34% vào tổng lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank.

Trong đó, thu nhập từ nợ tăng đột phá 30% lên 812 tỷ đồng đã giúp VPBank ghi nhận chỉ tiêu này với con số hợp nhất tuyệt đối sau 9 tháng đạt 1.500 tỷ đồng, tăng 24% so với cùng kỳ.

Ngoài ra, tỷ lệ CIR ở ngân hàng hợp nhất giảm mạnh so với cùng kỳ từ 34,7% xuống còn 30,4% cũng nhờ vào sự đóng góp tích cực đến từ FE CREDIT bằng việc tối ưu hóa chi phí.

Với sự chuyển dịch theo hướng thực chất và bền vững hơn, FE CREDIT đang tiếp tục gia tăng sức cạnh tranh trước sự biến đổi thị trường và nhu cầu đa dạng của khách hàng, đón đầu triển vọng phục hồi mạnh mẽ của lĩnh vực tài chính tiêu dùng nội địa trong những tháng cuối năm 2020.