1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

9 sự kiện "nóng" nhất của nền kinh tế Việt năm 2012

(Dân trí) - 2012 là một năm chứng kiến quá nhiều biến động và thách thức đối với nền kinh tế. Dân trí điểm lại 9 sự kiện "nóng" nhất, với nhiều gam màu xen cài trong bức tranh kinh tế đa sắc, đa diện và đa quan điểm của 365 ngày qua.

1. Xuất siêu lần đầu sau 20 năm
 
9 sự kiện nóng nhất của nền kinh tế Việt năm 2012

Theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, trong năm 2012, cả nước ước xuất siêu khoảng 284 triệu USD sau khi nhập siêu tới gần 10 tỷ USD hồi năm ngoái. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu cả nước trong năm nay ước hơn 114,6 tỷ USD, tăng 18,3% so cùng kỳ, trong khi tổng kim ngạch nhập khẩu ước 114,3 tỷ USD, tăng 7,1%.

Như vậy, nền kinh tế đã hoàn thành ngoài mong đợi so mục tiêu đặt ra của Chính phủ hồi đầu năm là giữ nhập siêu khoảng 11 - 12% trên tổng kim ngạch xuất khẩu và trong điều kiện cho phép, phấn đấu giảm nhập siêu xuống dưới 10%.

Nếu đi sâu vào cơ cấu đóng góp cho thành tự này thì hoạt động xuất siêu của cả nước vẫn đang còn phụ thuộc chủ yếu vào khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI).

Trong khi, khối doanh nghiệp trong nước vẫn nhập siêu gần 11,68 tỷ USD thì khối FDI xuất siêu tới 11,96 tỷ USD, và nhờ vậy cán cân thương mại của cả nước mới có thặng dư.

Đây, dù vậy, vẫn được coi là con số rất đáng ghi nhận của nền kinh tế Việt Nam trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn và một số ngành quan trọng trong nước bộc lộ nhiều khiếm khuyết, yếu kém.

2. Xuất khẩu gạo vượt mốc 7 triệu tấn
 
9 sự kiện nóng nhất của nền kinh tế Việt năm 2012

Theo thông tin mới nhất của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) lũy kế xuất khẩu từ ngày 01/01 đến ngày 13/12/2011 đạt 7,335 triệu tấn, trị giá FOB 3,271 tỷ USD, trị giá CIF 3,362 tỷ USD.

Trong tháng trong tháng 11, VFA căn cứ vào lượng hợp đồng đã ký và khả năng giao hàng từ nay đến cuối năm, cho rằng Việt Nam hoàn toàn có khả năng cán đích 7,7 triệu tấn gạo xuất khẩu cả năm 2012. Đây được coi là mức xuất khẩu gạo cao nhất từ trước đến nay và vượt lên Thái Lan đứng đầu thế giới về xuất khẩu mặt hàng lương thực chủ lực này. Tuy nhiên, theo báo cáo mới nhất từ Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Ấn Độ mới có khả năng là quốc gia xuất khẩu gạo số 1 thế giới trong năm 2012. Báo cáo cho rằng, xuất khẩu gạo của Ấn Độ năm nay sẽ đạt mức 9,75 triệu tấn, còn của Thái Lan sẽ ở mức 6,5 triệu tấn.

3. Bầu Kiên và hàng loạt lãnh đạo ngân hàng ACB bị khởi tố
 
9 sự kiện nóng nhất của nền kinh tế Việt năm 2012

Ngày 21/8/2012, giới tài chính Việt Nam chấn động với thông tin ông Nguyễn Đức Kiên (thường gọi là “bầu” Kiên) bị bắt để điều tra các hoạt động kinh tế. Cũng liên quan tới vụ án này, cơ quan điều tra đã khởi tố nhiều lãnh đạo cao cấp của Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), trong đó có Tổng Giám đốc Lý Xuân Hải, Chủ tịch HĐQT Trần Xuân Giá và nhiều vị Phó và nguyên Phó Chủ tịch HĐQT ACB về hành vi "cố ý làm trái...".

Sau khi hoàn tất điều tra vụ “siêu lừa” Huỳnh Thị Huyền Như và đồng bọn lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại TP.HCM và Hà Nội, cơ quan điều tra đã quyết định tách vụ án “bầu” Kiên điều tra riêng. Hiện chưa rõ mức độ vi phạm của các bị can tới đâu, song đây có thể coi là cú sốc lớn nhất đối với giới ngân hàng và thị trường chứng khoán trong năm 2012.

4. Độc quyền vàng miếng và tình trạng “vàng hai giá”
 
9 sự kiện nóng nhất của nền kinh tế Việt năm 2012

Nghị định 24 của Chính phủ quy định, kể từ ngày 25/5/2012, Nhà nước độc quyền sản xuất vàng miếng, xuất khẩu vàng nguyên liệu và nhập khẩu vàng nguyên liệu để sản xuất vàng miếng. Ngân hàng Nhà nước là cơ quan thay mặt Chính phủ thống nhất quản lý các hoạt động kinh doanh vàng theo quy định.

Theo đó, Ngân hàng Nhà nước đã chọn thương hiệu SJC là thương hiệu vàng Quốc gia. SJC cũng là đơn vị duy nhất được phép dập, gia công vàng miếng. Nhà nước áp dụng chính sách độc quyền vàng miếng để chống đầu cơ vàng miếng và vàng hóa nền kinh tế, nhưng nỗ lực này chưa phát huy hiệu quả. Hệ lụy của độc quyền vàng miếng chính là giá vàng SJC thường cao hơn vàng thế giới từ 4 đến 5 triệu đồng/lượng; nạn vàng giả, vàng nhái SJC xuất hiện, đến nay vẫn chưa thể xử lý triệt để. Tuy nhiên, theo Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình, hiện thị trường vàng không ảnh hưởng tới kinh tế vĩ mô, và giá vàng do cung - cầu thị trường quyết định nên không cần thiết bình ổn giá vàng.

5. Mô hình lừa đảo đa cấp núp bóng thương mại điện tử bị đánh sập
 
9 sự kiện nóng nhất của nền kinh tế Việt năm 2012

Điểm khởi đầu của sự sụp đổ này chính là Muaban24, công ty “siêu lừa” chỉ trong hơn một năm đã phát triển tới hơn 50 chi nhánh ở 32 tỉnh thành, thu hút khoảng 130.000 người tham gia và chiếm đoạt khoảng 700 tỷ đồng.

Song song với những bài báo đầu tiên của Dân trí như “Những “trò ma” hư trương thanh thế của Muaban24” hay “Muaban24 là “sàn thương mại điện tử” vô thừa nhận” vạch trần bản chất gian dối, núp bóng thương mại điện tử để chiếm đoạt tiền một cách bất chính, Công an tỉnh Phú Thọ đã khởi tố vụ án trốn thuế, mở đầu cho chiến dịch lớn của Bộ Công An (trực tiếp là Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm Công nghệ cao - C50) và Phòng CSĐT tội phạm về TTXH (PC45) Công an TP Hà Nội khởi tố, bắt giam hàng loạt nhân vật “đầu não” của Muaban24.

Sau Muaban24, cơ quan điều tra tiếp tục đánh sập nhiều “tập đoàn” có mô hình hoạt động tương tự, trong đó có thể kể đến mạng Cộng đồng Việt, Tâm Mặt Trời…

6. Cuộc thanh lọc trên thị trường viễn thông di động
 
9 sự kiện nóng nhất của nền kinh tế Việt năm 2012

Năm 2012 chứng kiến sự khốc liệt của thị trường viễn thông di động, khi Vimpelcom quyết định rút vốn khỏi Gtel Mobile, mang theo thương hiệu Beeline rời Việt Nam sau 3 năm xuất hiện. Trong khi EVN Telecom được Viettel mua lại thì một "tiểu gia" di động khác là S-fone lâm vào cảnh "chết lâm sàng".

Thách thức đối với các nhà mạng nhỏ phần nào vẽ lên bức tranh bão hòa của thị trường viễn thông di động Việt Nam, sau nhiều năm phát triển rực rỡ. Ngay doanh nghiệp nắm nhà mạng lớn như VNPT cũng bị sụt giảm doanh thu nghiêm trọng và đã đến lúc cần tái cấu trúc. Tuy nhiên, câu chuyện tái cấu trúc VNPT và phương án cơ cấu MobiFone sẽ còn là đề tài quan tâm của năm 2013, khi ý tưởng sáp nhập MobiFone với VinaPhone không nhận được sự ủng hộ vì nhiều nguyên nhân.

Mới đây, Bộ trưởng Bộ TT-TT Nguyễn Bắc Son cho biết, hoạt động tái cơ cấu VNPT sẽ còn phải chờ ý kiến Thanh tra Chính phủ, sau khi có kết luận thanh tra, Bộ mới chính thức có văn bản thẩm định tái cơ cấu Tập đoàn này.

7. Biến động tại các ngân hàng
 
9 sự kiện nóng nhất của nền kinh tế Việt năm 2012

Sau sự kiện Bầu Kiên bị bắt ngày 20/8 thì có lẽ việc ông Đặng Văn Thành từ nhiệm Chủ tịch HĐQT NHTMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) là cú sốc gây chấn động mạnh nhất đến thị trường chứng khoán Việt Nam.

Thêm vào đó, thế vào chiếc ghế Chủ tịch của người sáng lập Sacombank chính là “người cũ” Eximbank: nguyên Phó Chủ tịch Phạm Hữu Phú. Sự xáo trộn nhân sự cấp cao này được biết đã nảy sinh từ đầu tháng 7, khi NHNN vào cuộc thanh tra nghi án thâu tóm.

Bên cạnh đó, giới tài chính cũng chứng kiến vụ sáp nhập tự nguyện đầu tiên trong lịch sử ngành, khi chiều 7/8, Ngân hàng Nhà nước ký quyết định chính thức chấp thuận sáp nhập Ngân hàng TMCP Nhà Hà Nội (Habubank) vào Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Hà Nội (SHB), xóa sổ cái tên Habubank - ngân hàng TMCP đầu tiên tại Hà Nội - sau 20 năm hoạt động không còn tồn tại.

Cuộc cải tổ tại nhiều ngân hàng yếu kém vẫn đang tiếp tục, và những cái tên được nhắc tới hiện nay là Navibank, WesternBank, TrustBank, GP Bank...

8. Tổng lực "giải cứu" thị trường bất động sản
 
9 sự kiện nóng nhất của nền kinh tế Việt năm 2012

Theo Báo cáo Bộ Xây dựng,  tổng hợp số liệu của 58/63 địa phương cho thấy cả nước còn tồn 20.851 căn hộ chung cư, 5.176 căn thấp tầng, 1.890.667 m2 đất nền, 64.847m2 sàn văn phòng cho thuê, tổng giá trị ước tính là 52.542 tỷ đồng.

Để tháo gỡ hàng chục nghìn tỷ đồng hàng tồn bất động sản này, hàng loạt các bộ ngành như bộ Xây dựng, Tài chính, Ngân hàng Nhà nước đưa ra những giải pháp giải cứu. Thống nhất với chủ trương cứu thị trường bất động sản bằng cách làm ấm dần lên từng phân khúc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định ngay trong đầu năm sau sẽ có Nghị quyết chuyên đề của Chính phủ để cứu bất động sản.

Mặc dù còn nhiều ý kiến lo ngại rằng Chính phủ đang "giải cứu" giới giàu, và khi qua cơn thì thị trường nhà đất sẽ lại tiếp tục "tạo sóng" mới, nhưng cũng không ít ý kiến hài hòa hơn cho rằng việc giải cứu thị trường này là điều thiết yếu với nền kinh tế, và người dân sẽ được mua nhà với mức giá hợp lý hơn. Những ý kiến trung dung cho rằng giải cứu chính là mở cửa cho người mua nhà, thay vì tâm lý chờ đợi "bắt đáy" và chứng kiến sự trả giá của các "đại gia" đã một thời ăn to miếng.

9. Con tàu Vinalines và sự trốn chạy bất thành của Dương Chí Dũng
 
9 sự kiện nóng nhất của nền kinh tế Việt năm 2012

Tháng 5/2012, kết luận của Thanh tra Chính phủ về những sai phạm nghiêm trọng tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) được công bố, theo đó Vinalines đã dùng hàng trăm triệu USD để mua tàu cũ, ụ nổi quá tuổi, đầu tư tràn lan không hiệu quả. Ngoài ra, Tổng công ty này cũng sử dụng nguồn vốn sai mục đích, quản lý vốn và nợ chưa tốt, khiến số nợ kéo dài khó thu hồi lên tới trên 23.000 tỷ đồng.

Liên quan đến những sai phạm này, các ông Dương Chí Dũng (đương kim Cục trưởng Cục Hàng hải tại thời điểm tháng 5/2012, nguyên Chủ tịch Vinalines) và Mai Văn Phúc (Vụ phó Vụ Vận tải - Bộ GTVT, nguyên Tổng Giám đốc) đã bị khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về hành vi "cố ý làm trái...".

Sau nhiều nỗ lực của các cơ quan chức năng, Dương Chí Dũng đã bị bắt sau thời gian bỏ trốn khỏi Việt Nam, hiện vụ án tại Vinalines đang tiếp tục được làm rõ, và những nhân vật tiếp tay cho Dương Chí Dũng bỏ trốn cũng dần lộ diện.
 
Dân trí