8 hiệp hội kiến nghị Thủ tướng chia 2 giai đoạn mở cửa, thích ứng với Covid

Việt Đức

(Dân trí) - Theo kiến nghị của các hiệp hội doanh nghiệp, trong giai đoạn chuyển tiếp đến khi cả nước có tỷ lệ tiêm chủng cao, cần tách 2 vùng theo tình hình dịch để có biện pháp quản lý phù hợp.

Trước thời điểm diễn ra Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương bàn về giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19, 8 hiệp hội doanh nghiệp đại diện cho nhiều ngành hàng đã đồng ký tên vào đơn kiến nghị gửi Thủ tướng trước về cụ thể hóa những quy định, điều kiện liên quan đến dự thảo hướng dẫn "Thích ứng an toàn với Covid-19". 

Các hiệp hội này đề xuất kế hoạch "Áp dụng linh hoạt 2 chiến lược để kiểm soát dịch và phục hồi kinh tế". Trong đó, với giai đoạn chuyển tiếp từ nay đến đầu quý I/2022, cần tách thành 2 vùng theo tình hình dịch, khu vực nào được phủ vắc xin sớm hơn sẽ được mở cửa sớm hơn. 

Với những vùng đang bùng phát dịch, các hiệp hội mong muốn người đã tiêm đủ vắc xin, F0 đã khỏi được đi làm. Các biện pháp áp dụng mức độ giãn cách điều chỉnh phù hợp, tùy theo cấp độ dịch, tỷ lệ lấp đầy giường bệnh, mức độ tiêm vắc xin. Nếu tỷ lệ lấp đầy giường bệnh trên 75%, cần tăng cường các biện pháp phòng ngừa, để đảm bảo có đủ giường điều trị, giảm tỷ lệ tử vong còn nếu vượt ngưỡng 90% phải nâng lên một cấp độ dịch. 

8 hiệp hội kiến nghị Thủ tướng chia 2 giai đoạn mở cửa, thích ứng với Covid - 1

TPHCM đã tiêm vắc xin ít nhất một mũi cho hơn 95% người trưởng thành và đủ 2 mũi cho hơn 30% dân số từ 18 tuổi (Ảnh: Nguyễn Quang).

Theo đại diện các doanh nghiệp, cần bỏ các quy định hạn chế đi lại với những người đã tiêm đủ vắc xin hoặc F0 đã khỏi bệnh, bỏ các quy định hạn chế các hoạt động kinh tế, cho phép F0 điều trị tại nhà, không đóng cửa cơ sở sản xuất, kinh doanh nếu có F0, có thì đi chữa hoặc tự cách ly, cơ sở khử trùng rồi hoạt động tiếp.

Với những vùng dịch đang lây lan chậm, hiệp hội kiến nghị cần áp dụng giai đoạn chuyển tiếp 3-5 tháng đến khi tiêm đủ vắc xin. Tuy nhiên, cần phòng chống dịch theo điểm, không phong tỏa diện rộng.

Nếu mức lây nhiễm ở các khu vực này tăng lên trên 0,7 ca mắc mới/100.000 dân/ngày trong một tuần liên tiếp và có xu hướng tăng, cần nâng mức cảnh báo nhưng không phong tỏa diện rộng. Bản kiến nghị đề xuất cân nhắc áp dụng giới nghiêm ở các phường xã có nhiều F0, ngưng các hoạt động không thiết yếu ở các khu dân cư giáp ranh với các vùng dịch hay có nguy cơ cao về dịch tễ để sản xuất kinh doanh và đời sống người dân ít bị ảnh hưởng nhất mà vẫn kiểm soát được dịch. 

Vùng nào tiêm đủ vắc xin sớm theo các tiêu chí thì sẽ chuyển thẳng sang bình thường mới, bỏ toàn bộ các biện pháp phong tỏa, chỉ thực hiện cách ly tại nhà, truy vết, và quản lý theo mức độ dịch. 

Trong giai đoạn tiếp theo sống chung với virus từ giữa quý I/2022 trở đi, các hiệp hội doanh nghiệp đề nghị mở cửa từng vùng và toàn bộ cả nước khi đã tiêm vắc xin cho ít nhất 70% dân số từ 18 tuổi trở lên và trên 80% người từ 50 tuổi trở lên tiêm đủ vắc xin. 

8 hiệp hội kiến nghị Thủ tướng chia 2 giai đoạn mở cửa, thích ứng với Covid - 2

TPHCM đã trải qua gần 120 giãn cách xã hội các cấp độ từ 31/5 (Ảnh: Nguyễn Quang).

Lúc này, cần giãn cách phù hợp theo cấp độ dịch nhưng có điều chỉnh nới rộng. Sản xuất, kinh doanh, giao thông công cộng được phép mở lại 100% ở tất cả các cấp độ dịch. Các giới hạn số người hội họp, tham gia sự kiện được giảm một cấp độ dịch so với giai đoạn chuyển tiếp. 

Khi đã chuyển sang giai đoạn mới với tỷ lệ bao phủ vắc xin cao, các hiệp hội kiến nghị bỏ toàn bộ các giới hạn đi lại giữa các vùng, bao gồm cả người và xe vận tải (không cần luồng xanh), bỏ cách ly F1, bỏ cách ly người từ vùng khác đến, bỏ xét nghiệm diện rộng, cho phép F0 điều trị tại nhà, triển khai tiêm vắc xin cho trẻ em và tiêm tăng cường cho người lớn.

8 hiệp hội doanh nghiệp vừa có đơn kiến nghị gửi Thủ tướng gồm: Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam (JCCI), Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Hiệp hội Nhựa Việt Nam, Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TPHCM, Hội Lương thực Thực phẩm TPHCM, Hiệp hội Thực phẩm Minh Bạch.