Thủ tướng: Không vì khó khăn mà chúng ta bi quan, hoang mang, lo sợ
(Dân trí) - Thủ tướng cho biết khó khăn mà cả nước gặp phải đến từ nguyên nhân khách quan là dịch bệnh. Quan điểm hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro, không vì khó khăn mà bi quan, hoang mang, lo sợ được nhấn mạnh.
Thông điệp trên được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nêu ra tại Hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương bàn về giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch Covid-19, sáng 26/9. Đây là lần thứ hai kể từ đầu tháng 8, Thủ tướng đối thoại cùng cộng đồng doanh nghiệp cả nước.
Cùng dự hội nghị tại điểm cầu trụ sở Chính phủ có các Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, lãnh đạo Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Hội nghị cũng có sự tham gia của lãnh đạo Ban Kinh tế Trung ương, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội, Ban Chỉ đạo Đổi mới và Phát triển doanh nghiệp, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Liên minh Hợp tác xã Việt Nam. Bên cạnh đó, 36 đại biểu đại diện các hiệp hội doanh nghiệp, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế, cũng tham gia.
Lấy khó khăn, thách thức làm động lực vươn lên, thực hiện thay đổi
Tại hội nghị hôm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, từ đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 tới nay, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc gặp với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp có yêu cầu, đề xuất gì, Chính phủ cố gắng đáp ứng trong điều kiện tốt nhất có thể.
Tuy nhiên, khó khăn mà cả nước gặp phải đến từ nguyên nhân khách quan là dịch bệnh. Khó khăn này không chỉ của Việt Nam mà cũng là khó khăn chung của nhiều nước trên thế giới. Do đó, Thủ tướng nhấn mạnh quan điểm hài hòa lợi ích, chia sẻ rủi ro và khẳng định không vì khó khăn mà chúng ta bi quan, hoang mang, lo sợ.
Người đứng đầu Chính phủ nêu, tình hình càng khó khăn, phức tạp thì càng phải đoàn kết, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhau, lấy khó khăn, thách thức làm động lực vươn lên, khẳng định mình, đưa đất nước phát triển và lấy khó khăn để thực hiện sự thay đổi, như chuyển đổi số.
Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ cho rằng sau một thời gian phòng chống dịch hết sức quyết liệt, quyết tâm, với sự thay đổi chiến lược, chúng ta đang từng bước kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đặc biệt tại những nơi tâm dịch như TPHCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An…
Chúng ta làm được điều này chính là nhờ đại đoàn kết toàn dân tộc, trong đó có sự đóng góp quan trọng của cộng đồng doanh nghiệp, Thủ tướng nhấn mạnh.
Vừa qua, với sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, với sự đồng hành, hỗ trợ tích cực của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã rất quyết liệt, nhanh chóng ban hành các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động, người dân. Hàng loạt các nghị quyết nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, người thất nghiệp ra đời.
Bên cạnh đó, Chính phủ cũng đang chỉ đạo xây dựng kịch bản thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh Covid-19, xây dựng dự án luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật để tiếp tục tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất, kinh doanh…
Tuy nhiên, Thủ tướng cho rằng một cuộc trao đổi không thể giải quyết được hết các vấn đề, cần tiếp tục phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, cùng thông cảm, đoàn kết, thống nhất, tìm được tiếng nói chung, tìm ra các giải pháp để vượt qua khó khăn.
Doanh nghiệp gửi 192 kiến nghị cụ thể đến Chính phủ
Phát biểu tại hội nghị, Chủ tịch Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Phạm Tấn Công cho biết, các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 là "vô cùng nhiều, vô cùng lớn". Tuy nhiên, tinh thần diễn đàn hôm nay là không phải để kêu khó, kêu khổ mà để bàn giải pháp, nên ông chỉ nêu ra một số ý chính về khó khăn, còn lại hướng đến các giải pháp.
Trước hội nghị, VCCI nhận được 357 trang báo cáo, kiến nghị đến từ 132 hiệp hội doanh nghiệp trong nước, hiệp hội nhà đầu tư nước ngoài, các liên minh hợp tác xã, doanh nghiệp. Bản báo cáo dày 52 trang đã được VCCI tổng hợp lại với phụ lục đến 192 kiến nghị cụ thể, gửi đến đại biểu dự hội nghị.
Về khó khăn, Chủ tịch VCCI nêu, trung bình có 90,8% doanh nghiệp đã giảm quy mô lao động trong thời kỳ diễn ra dịch bệnh. Nói cách khác thì cứ khoảng 10 doanh nghiệp thì có 9 đơn vị phải chấp nhận cho người lao động thôi việc do hoạt động sản xuất kinh doanh kém khả quan trong thời gian dịch bệnh bùng phát. Phổ biến nhất là ở các tỉnh Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long và các tỉnh duyên hải miền Trung. Một số ngành được điểm tên như du lịch, chế biến thủy sản, giao thông vận tải... đến từ chi phí tăng vọt, thiếu lao động, công suất giảm...
Gặp nhiều khó khăn, nhưng theo ông Phạm Tấn Công, cộng đồng doanh nghiệp thể hiện sự đồng tình, nhất trí cao với quan điểm của Thủ tướng Chính phủ là "phải sống chung lâu dài với dịch bệnh, không thể khống chế tuyệt đối, phải thích ứng và có cách làm phù hợp". Quan điểm mới này dẫn đến cần thay đổi chiến lược ứng phó Covid-19, thay vì dồn toàn lực tập trung cho một mặt trận chính là phòng chống dịch bệnh, từ nay chúng ta cần tập trung cho cả mặt trận thứ hai là duy trì, phát triển kinh tế.
Các nhóm giải pháp, kiến nghị cũng được doanh nghiệp nêu. Cụ thể, các doanh nghiệp cần được nhìn nhận như một chủ thể trong ứng phó Covid-19, từ đó tin tưởng giao quyền và trang bị, nâng cao năng lực y tế tại chỗ cho các doanh nghiệp.
Doanh nghiệp nhất trí cao với 6 nguyên tắc mà Thủ tướng Chính phủ đã nêu trong kết luận họp Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 diễn ra ngày 23/9 vừa qua. Các doanh nghiệp đặc biệt nhấn mạnh nguyên tắc số 5 và 6. Cụ thể, vắc xin, thuốc chữa bệnh và ý thức người dân là điều kiện tiên quyết hay nói cách khác vắc xin là chìa khóa, mở cửa kinh tế phải đồng bộ với độ phủ về vắc xin. Bên cạnh đó, sản xuất phải an toàn.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất tháo gỡ khó khăn
Tại Hội nghị, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có một số đề xuất tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp. Bộ này kiến nghị khẩn trương hoàn thiện trình Chính phủ Chương trình phục hồi kinh tế bền vững đến năm 2023, trong đó có các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi.
Bộ cũng tiếp tục tham mưu, đẩy mạnh hoạt động của các Tổ công tác đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh; rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và thúc đẩy thực hiện dự án đầu tư các bộ, ngành và địa phương.
Bộ đề xuất khẩn trương hướng dẫn và tổ chức thực hiện Nghị định 80 ngày 26/8/2021 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Tăng cường cho vay ưu đãi thông qua Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa; xây dựng và triển khai các giải pháp hỗ trợ phi tài chính nhằm tăng cường khả năng tiếp cận tài chính cho các doanh nghiệp trong giai đoạn 2021-2025.
Cuối cùng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ đẩy mạnh triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số; sớm hoàn thiện trình Thủ tướng Chính phủ Chương trình hỗ trợ chuyển đổi số cho doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh giai đoạn 2021-2025.
Người dân và doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm
Kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho rằng, một chính sách không thể phủ kín hết mọi góc cạnh của cuộc sống trên phạm vi cả nước. Song, quan điểm rất rõ của Đảng, Nhà nước, Chính phủ: người dân và doanh nghiệp là chủ thể, là trung tâm. Mọi chính sách và việc thực hiện chính sách phải hướng đến người dân và doanh nghiệp. Người dân và doanh nghiệp tham gia xây dựng chính sách và thực hiện các chính sách đó.
Do đó, Thủ tướng đề nghị cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục chỉ rõ các khó khăn, vướng mắc, bất cập về thể chế, chính sách tại văn bản nào, điều khoản nào để cùng tháo gỡ. Đồng thời, các doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc đề xuất các dự án hợp tác cụ thể theo Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công - tư.
Về phía Chính phủ, Thủ tướng khẳng định sẽ phân quyền tối đa để chính quyền gần dân và doanh nghiệp hơn. Chính phủ cùng các bộ ngành cũng sẽ nỗ lực cắt giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số.
Đề cập tới các kiến nghị về chính sách, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu Bộ Xây dựng và các cơ quan liên quan phải quan tâm vấn đề nhà ở cho công nhân, thực hiện đồng bộ khi quy hoạch và triển khai dự án.
Với các kiến nghị khác, Chính phủ và Quốc hội đang tích cực giải quyết, các doanh nghiệp tiếp tục cùng chia sẻ trong điều kiện đất nước còn khó khăn, phải phát huy tinh thần đại đoàn kết, chung sức chung lòng để vượt qua khó khăn, thách thức.
Đề cao vai trò của doanh nghiệp, Thủ tướng khẳng định, Chính phủ luôn mong muốn cộng đồng doanh nghiệp thực sự là trung tâm, là chủ thể trong phòng chống dịch và phát triển kinh tế xã hội.
Tuy nhiên, doanh nghiệp cần góp ý về đột phá thể chế, chính sách, pháp luật; đầu tư tăng năng suất lao động, năng suất các nhân tố tổng hợp, chuyển đổi số; tăng cường hợp tác công tư, nhất là xây dựng hạ tầng chiến lược; góp ý thẳng thắn để cắt giảm, cải cách thủ tục hành chính; tham gia nhiều hơn để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; tham gia vào quá trình chuyển giao công nghệ, tăng cường năng lực y tế, nhất là phát triển công nghiệp dược để chủ động ứng phó với mọi tình huống.
Tổng kết hội nghị, Thủ tướng gửi gắm thông điệp, Chính phủ và Quốc hội cố gắng đồng hành cùng doanh nghiệp một cách thực sự, trên tinh thần "nghĩ thật, nói thật, làm thật, hiệu quả thật, nhân dân và doanh nghiệp được thụ hưởng thật"; "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm" khi giải quyết các kiến nghị, khó khăn.
"Không có gì hơn là sự đoàn kết, thống nhất, chung tay. Lợi ích thì hài hòa giữa nhà nước, doanh nghiệp và nhân dân, khi có rủi ro thì mỗi bên gánh vác một ít để giảm nhẹ khó khăn. Còn không ai có thể làm được tất cả. Như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói: Chúng ta đã cố gắng, càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết, càng đoàn kết hơn nữa; đã quyết tâm, càng quyết tâm cao hơn nữa", Thủ tướng nhấn mạnh.