60 tấn vàng đã được các ngân hàng mua ròng
(Dân trí) - Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, trong 6 tháng qua, các ngân hàng thương mại đã mua ròng khoảng 60 tấn vàng từ dân cư. Giới chuyên gia đánh giá, sự gia tăng rất mạnh của tiền gửi VND từ dân cư có nguồn lớn từ chuyển đổi vàng và USD.
Nếu với tốc độ mua vào như thời gian qua, các ngân hàng cần thêm 2 tháng để có đủ số vàng cần thiết. Trong khi đó, theo quy định của Thông tư 11, kể từ ngày 25/11, các ngân hàng thương mại phải ngừng hoàn toàn nghiệp vụ huy động vàng.
Theo đánh giá của giới chuyên gia, nhiều khả năng NHNN sẽ gia hạn thêm thời gian cho các ngân hàng tất toán hợp đồng, nhằm đảm bảo thanh khoản hệ thống những tháng cuối năm. Đây cũng là thời điểm nhu cầu vốn cho nền kinh tế đều tăng cao, mùa cao điểm chi trả và hệ thống thường gặp khó khăn thanh khoản.
Thay vào đó, NHNN sẽ kiểm soát chặt chẽ từng đợt phát hành chứng chỉ huy động của từng ngân hàng, đảm bảo giảm dần dư nợ và ngừng hoàn toàn khi đến hạn.
Trong bối cảnh thị trường xuất hiện nhiều vàng nhái, vàng giả thương hiệu SJC (theo đại diện Công ty SJC, từ tháng 9/2012 đến nay, công ty này đã phát hiện 463 lượng vàng nhái, giả vàng miếng SJC), giá vàng miếng trong nước vẫn đắt hơn giá vàng thế giới quy đổi trên 3 triệu đồng/lượng. Theo những diễn biến trên thị trường gần đây, có thể thấy NHNN không còn tham gia bình ổn giá vàng (bằng cách cấp quota nhập khẩu cho các doanh nghiệp vàng như trước đây). Và cũng chính vì không khuyến khích người dân mua và găm giữ, nên có thể giải thích vì sao NHNN không quyết liệt trong việc bình ổn giá, thu hẹp chênh lệch với giá thế giới hiện nay.
Một nguồn tin từ NHNN cho biết, sau khi lập lại “trật tự” trên thị trường vàng, NHNN sẽ huy động sức vàng trong dân theo hướng không phải huy động, cho vay hoặc chuyển đổi như hiện nay. Đích đến cuối cùng của giải pháp này nhằm kích thích người dân chuyển đổi vàng sang VND, đưa VND đó vào ngân hàng hoặc vào sản xuất kinh doanh, thay vì găm giữ vàng như thời gian qua. Điều này cũng tương tự như xu hướng chuyển đổi USD sang VND để chống “đô la hóa” nền kinh tế thời gian qua.
Số liệu thống kê cho thấy, tính đến ngày 19/10/2012, tăng trưởng huy động vốn của hệ thống ngân hàng tăng tới 14,02% so với cuối năm 2011; trong đó, huy động bằng ngoại tệ giảm 1,55%, còn huy động bằng VND tăng tới 17,52%. Riêng huy động vốn của dân cư tăng tới 23,31%; trong đó, huy động bằng ngoại tệ giảm mạnh 5,53%, còn bằng VND tăng tới 28,76%.