6 tỷ USD đăng ký vào Thanh Hóa tại hội nghị xúc tiến đầu tư lớn kỷ lục
(Dân trí) - Tại hội nghị xúc tiến đầu tư với quy mô lớn nhất từ trước tới nay tại Thanh Hóa, đã có 32 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, ký biên bản ghi nhớ đầu tư, với tổng mức đầu tư dự kiến là 135.300 tỷ đồng (khoảng 6 tỷ USD).
Tối qua (18/5), UBND tỉnh Thanh Hóa phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổ chức Hội nghị xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa 2017.
Tham dự Hội nghị có Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu và khoảng 1.200 đại biểu.
Đây là Hội nghị xúc tiến đầu tư có quy mô lớn nhất từ trước đến nay mà tỉnh Thanh Hóa tổ chức với 5 lĩnh vực ưu tiên gồm: Công nghiệp chế biến, chế tạo; nông nghiệp; du lịch; y tế; phát triển hạ tầng, đô thị.
Phấn đấu 3 “nhất”
Tại Hội nghị này, ông Nguyễn Đình Xứng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cam kết, Thanh Hóa sẽ áp dụng cơ chế chính sách ưu đãi và hỗ trợ đầu tư vào địa phương này theo nguyên tắc nhà đầu tư được hưởng mức ưu đãi cao nhất về quyền lợi và thực hiện nghĩa vụ ở mức thấp nhất trong khung quy định.
Đồng thời, sẽ tạo điều kiện hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực phục vụ tốt nhất nhu cầu của doanh nghiệp (DN); tập trung chỉ đạo các địa phương cam kết hoàn thành 100% yêu cầu tiến độ giải phóng mặt bằng của các nhà đầu tư...Giảm tối thiểu 30% thời gian giải quyết thủ tục hành chính so với quy định.
Đặc biệt, vào ngày 21 hàng tháng, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa và chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố sẽ bố trí ít nhất 1 ngày trong tháng để tiếp và giải quyết khó khăn, vướng mắc cho DN.
Tỉnh Thanh Hóa phấn đấu đến năm 2020 sẽ đạt 3 “nhất”: Hạ tầng thiết yếu phục vụ DN đồng bộ nhất; chi phí thuê đất và sử dụng lao động cạnh tranh nhất; giải quyết các thủ tục hành chính, khó khăn, vướng mắc cho DN kịp thời nhất.
Tại Hội nghị lần này, đã có 32 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, chấp thuận chủ trương đầu tư, ký biên bản ghi nhớ đầu tư, với tổng mức đầu tư dự kiến là 135.300 tỷ đồng, tương đương 6,1 tỷ USD. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo là 76.500 tỷ đồng; nông nghiệp là 12.000 tỷ đồng; du lịch là 22.800 tỷ đồng; y tế là 2.500 tỷ đồng và phát triển hạ tầng, đô thị là 21.500 tỷ đồng.
Coi trọng vai trò của kinh tế tư nhân
Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh, đánh giá cao tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức một Hội nghị xúc tiến đầu tư với quy mô rất lớn; không những là số lượng nhà đầu tư mà về chất lượng của nhà đầu tư đã được chọn lọc, đã có quyết tâm đầu tư, đang đầu tư, đã đầu tư và sẽ đầu tư.
Theo Thủ tướng, trong dịp này, dưới các hình thức xúc tiến khác nhau, đã có 32 dự án lớn vừa ký kết và trao giấy phép đầu tư và một số bản thỏa thuận đầu tư với tổng mức trên 6 tỷ USD. Đây là kết quả rất đáng trân trọng, hoan nghênh của tỉnh Thanh Hóa nhằm chào mừng kỷ niệm 127 năm Ngày sinh nhật Bác Hồ (19/5/1890 - 19/5/2017). Bác từng mong muốn tỉnh Thanh Hóa phải trở thành một trong những tỉnh khá nhất miền Bắc. Hội nghị xúc tiến đầu tư lần này đã góp một viên gạch vào việc thực hiện mong ước của Bác.
Thủ tướng cũng khẳng định: Thanh Hóa là một điểm kinh tế năng động của cả nước, một điểm đến đầy tiềm năng của các nhà đầu tư. Và Thanh Hóa như là một Việt Nam thu nhỏ, có đầy đủ các điều kiện để phát triển. Do đó, Thanh Hóa cần trở thành một tỉnh kiểu mẫu trong thu hút đầu tư.
Để làm được điều đó, Thủ tướng đề nghị tỉnh Thanh Hóa cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, cụ thể hóa bằng lợi thế rộng lớn của đất đai để tạo thuận lợi cho nhà đầu tư với chi phí sử dụng đất thấp, thủ tục hành chính nhanh gọn...
Thủ tướng cũng nhấn mạnh, không thể làm kinh tế đơn thuần mà bỏ quên vấn đề môi trường, ảnh hưởng đến xã hội và cuộc sống của người dân.
Chính quyền Thanh Hóa phải có phương án quy hoạch, bố trí, phân bổ việc sử dụng đất khoa học, hiệu quả để làm giảm chi phí đất đai chi nhà đầu tư và doanh nghiệp và lâu dài không bị mâu thuẫn, ảnh hưởng đến nhau. Chính phủ sẽ trao cơ hội để Thanh Hóa là địa phương mẫu mực và tiên phong trong việc cụ thể hóa mục tiêu và đạt được tầm nhìn sớm nhất trong cả nước.
Đảm bảo môi trường cạnh tranh bình đẳng cho các DN, Thanh Hóa cần cải thiện, chính quyền ở các cấp cần năng động hơn trong việc cạnh tranh nhằm thu hút các nhà đầu tư. Đặc biệt là các nhà đầu tư tốt nhất đến với địa phương, không để sự thụ động làm mất đi các lợi thế cạnh tranh vốn có của Thanh Hóa.
Thủ tướng cũng cho rằng, Thanh Hoá cần đặc biệt chú trọng đào tạo, phát triển nguồn nhân lực có trình độ quản lý, tay nghề giỏi. Phát huy vai trò của những DN lớn, trưởng thành có khả năng cạnh tranh trong nước và thậm chí là khu vực trong các lĩnh vực, đối với địa phương, để FDI cùng với DN địa phương, DN Việt Nam cùng phát triển trong một thể kinh tế quốc dân thống nhất.
Với nhà đầu tư, Thủ tướng đề nghị làm ăn bài bản, lâu dài, với tầm nhìn vươn lên thị trường thế giới và tham gia chuỗi giá trị toàn cầu, đi liền với đó là giữa lời nói và việc làm. Đặc biệt, không để làm kinh tế đơn thuần mà bỏ quên vấn đề môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân.
Sẽ sớm triển khai cao tốc Hà Nội - Thanh Hoá
Cũng tại Hội nghị này, Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ nhanh chóng triển khai làm đường cao tốc Hà Nội - Thanh Hóa - Nghệ An; mở rộng đường sắt; đưa sân bay Sao Vàng trở thành sân bay quốc tế trên tinh thần mở cửa bầu trời; cảng nước sâu Nghi Sơn phấn đấu tàu từ 7 vạn tấn lên 10 vạn tấn hoạt động bình thường; làm 100km đường ven biển kết hợp dân sinh và phòng chống thiên tai.
Thủ tướng Chính phủ hoàn toàn ủng hộ và đề nghị trong quy hoạch, chọn lựa các danh mục ưu tiên để phát huy hiệu quả và Chính phủ sẽ tạo ra một môi trường kinh tế vỹ mô ổn định; bảo vệ quyền con người, quyền công dân, quyền tài sản; thực hiện đúng Hiến pháp và thực hiện tốt Nghị quyết Trung ương 5, Khóa 12 về các loại hình DN, trong đó, đặc biệt coi trọng vai trò của kinh tế tư nhân.
“Với quyết tâm đổi mới tư duy và cách làm, nhất định Thanh hóa sẽ thành công. Không những thành công phía Đông ven biển, đồng bằng mà thành công đối với cả phía Tây tỉnh Thanh Hóa rộng lớn, để đời sống người dân nâng lên một bước mới. Đó là một tăng trưởng phát triển bao trùm, người dân được cải thiện cả về vật chất và tinh thần”, Thủ tướng nói.
Tại hội nghị, ý kiến của các tổ chức, doanh nghiệp đều đánh giá cao nỗ lực, quyết tâm của tỉnh Thanh Hóa trong việc cải thiện môi trường đầu tư. Các doanh nghiệp chia sẻ, tại cuộc đối thoại với doanh nghiệp ngày 17/5, Thủ tướng đã có những chỉ đạo quan trọng khiến giới doanh nghiệp cảm kích, tăng thêm niềm tin, quyết tâm cùng Chính phủ xây dựng, phát triển đất nước. Trong đó, Chỉ thị 20 về chống thanh tra, kiểm tra chồng chéo là một “món quà quý” với cộng đồng doanh nghiệp.
Trước đó, chiều cùng ngày, tại TP. Thanh Hóa, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy Thanh Hóa. Thủ tướng đề nghị Thanh Hóa tiếp tục nghiên cứu triển khai chiến lược phát triển toàn diện, ưu tiên các lĩnh vực trọng điểm, các thế mạnh để gia tăng sức hấp dẫn đối với nhà đầu tư. Không có nhà đầu tư, không có những dự án lớn thì khó có thể thành công.
Duy Tuyên - Bích Diệp