1. Dòng sự kiện:
  2. Kết quả kinh doanh

6 năm ròng thua lỗ, bán cả trụ sở để trả nợ, loạt sếp phải “nhịn” thù lao

(Dân trí) - Đây là thực trạng đang diễn ra tại Công ty CP Vận tải biển Hải Âu, một đơn vị mà Vinalines đang góp trên 26% vốn. Mặc dù Hội đồng quản trị và Ban kiểm soát sẽ nhận thù lao 0 đồng song công ty này vẫn tiếp tục kế hoạch lỗ năm thứ 7 liên tiếp.

Theo thông tin vừa được Công ty Cổ phần Vận tải biển Hải Âu (mã chứng khoán SSG) công bố, doanh nghiệp này đã hoàn tất thủ tục bán trụ sở chính của Công ty nhằm xử lý dứt nợ khoản vay dài hạn tại Ngân hàng TMCP Việt Á (VietABank).

Thông báo của SSG cho biết, trụ sở công ty này tại số 12 Đoàn Như Hài, Phường 12, Quận 4,TPHCM đã được bán vào ngày 4/7/2018 theo Điều 4.4 Nghị quyết Đại hội đồng cổ đông thường niên 2018.

Nghị quyết ĐHĐCĐ thường niên 2018 của SSG cũng đã thông qua việc xử lý dứt điểm nợ vay dài hạn (bao gồm cả gốc và lãi) tại VietABank để giảm áp lực tài chính thông qua việc giao tàu Sea Dragon cho VietA Bank, trả 15 tỷ đồng cho VietABank từ nguồn tiền bán trụ sở công ty.

Ngoài việc bán trụ sở thì SSG còn phải giao tàu Sea Dragon cấn trừ nợ cho VietA Bank
Ngoài việc bán trụ sở thì SSG còn phải giao tàu Sea Dragon cấn trừ nợ cho VietA Bank

Đồng thời, ĐHĐCĐ cũng ủy quyền cho HĐQT ký biên bản thanh lý Hợp đồng tín dụng 369/09/HĐTH-VAB ngày 13/05/2009 và mua trụ sở mới.

Sau khi xử lý xong khoản nợ và bán trụ sở, SSG sẽ tổ chức họp ĐHĐCĐ bất thường để HĐQT báo cáo kết quả và trình kế hoạch kinh doanh năm 2018.

Trước đó, trong năm 2017, SSG tiếp tục báo lỗ gần 8,3 tỷ đồng dù tổng doanh thu vận tải biển vẫn vượt 5,15% kế hoạch, đạt hơn 42 tỷ đồng. Đây là năm thứ 6 liên tiếp thua lỗ của SSG, tổng lỗ lũy kế đến cuối 2017 đã lên gần 80,8 tỷ đồng. Với tình hình tài chính nói trên, SSG không chia cổ tức và không trích lập các quỹ.

Tính đến ngày 31/12/2017, SSG còn khoản nợ tín dụng đóng tàu Sea Dream hơn 1 triệu USD và vay mua tàu Sea Dragon 3,5 triệu USD.

Nêu ý kiến về báo cáo tài chính năm 2017, dù không đưa ra ý kiến ngoại trừ song đơn vị kiểm toán vẫn lưu ý về khoản lỗ tích lũy đến ngày 31/12/2017 vượt vốn chủ sở hữu số tiền gần 31 tỷ đồng và nợ ngắn hạn vượt quá tổng tài sản số tiền là 31 tỷ đồng.

“Những điều kiện này, cùng với những vấn đề khác… cho thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của công ty”, đơn vị kiểm toán nêu.

Năm 2018, phương án kinh doanh của hai tàu Sea Dragon và Sea Dream là cho thuê định hạn nên SSG đặt kế hoạch doanh thu năm 2018 là 43,72 tỷ đồng. Mặc dù HĐQT và Ban kiểm soát nhận thù lao 0 đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế mà SSG đặt ra cho năm nay vẫn tiếp tục lỗ hơn 2,8 tỷ đồng.

SSG có vốn điều lệ 50 tỷ đồng, trong đó, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) nắm 26,46%. Tổng tài sản đến cuối năm 2017 đạt gần 108 tỷ đồng, trong đó, giá trị còn lại của tài sản cố định là hơn 91,4 tỷ đồng. Trong đó, nguyên giá của trụ sở được đem bán của công ty gần 14 tỷ đồng (giá trị còn lại là 12,6 tỷ đồng).

Ngoài ra, tàu Sea Dream nguyên giá là 177,4 tỷ đồng, nay giá trị còn lại chỉ chưa đầy 19% nguyên giá, khoảng 33,6 tỷ đồng; tàu Sea Dragon nguyên giá 105,6 tỷ đồng nhưng giá trị còn lại còn 42,8%, khoảng 45,2 tỷ đồng. SSG đã vay tín dụng ngân hàng lần lượt gần 24 tỷ đồng để đóng mới Sea Dream và vay gần 80 tỷ đồng để mua tàu Sea Dragon.

Cổ phiếu SSG từng được niêm yết trên HNX vào đầu năm 2011, tuy nhiên do bị lỗ 3 năm liên tiếp nên đã huỷ niêm yết vào năm 2015 và chuyển sang giao dịch trên thị trường UPCoM.

Bích Diệp

6 năm ròng thua lỗ, bán cả trụ sở để trả nợ, loạt sếp phải “nhịn” thù lao - 2