53 ngành nghề kinh doanh có điều kiện sẽ bị "xóa sổ"?
(Dân trí) - Với việc hoàn thiện dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về đầu tư, kinh doanh, dự kiến sẽ bãi bỏ 67 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chuẩn hóa tên gọi 25 ngành nghề, bổ sung 14 ngành nghề. Như vậy, Luật Đầu tư sẽ còn 214 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, giảm 53 ngành nghề so với luật hiện hành.
Trong ngày làm việc thứ nhất của phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7, các thành viên Chính phủ đã bàn bạc về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về đầu tư, kinh doanh.
Dự án luật này dự kiến sẽ sửa đổi, bổ sung một số điều của nhiều luật hiện hành, bao gồm: Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp, Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Bảo vệ Môi trường, Luật Phòng cháy, chữa cháy, Luật Quản lý thuế, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Quy hoạch đô thị, Luật Quảng cáo, Luật Nhà ở.
Nói về sự cần thiết của dự án luật, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, quá trình thi hành Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp và các luật khác có liên quan điều chỉnh hoạt động đầu tư kinh doanh đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập hoặc có một số quy định chưa thống nhất.
Đặc biệt, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, thủ tục đầu tư, đất đai, xây dựng là chuỗi thủ tục tồn tại nhiều khó khăn nhất cho doanh nghiệp và là một trong những “nút thắt” phải tháo gỡ nhằm tạo môi trường thông thoáng, thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Do đó, dự luật này dự kiến sẽ bãi bỏ 67 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, chuẩn hóa tên gọi 25 ngành nghề, bổ sung 14 ngành nghề. Như vậy, Luật Đầu tư sẽ còn 214 ngành nghề kinh doanh có điều kiện, giảm 53 ngành nghề so với luật hiện hành.
Đồng thời, sửa đổi một số khái niệm để làm cơ sở phân định điều kiện kinh doanh với các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, như sửa đổi khái niệm “đầu tư”, bổ sung khái niệm “điều kiện kinh doanh” và “điều kiện đầu tư đối với nhà đầu tư nước ngoài” để làm rõ hơn nội hàm của các khái niệm này. Thời gian qua, việc phân định chưa rõ về điều kiện kinh doanh và quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật đã gây nhiều vướng mắc.
Chính sách lớn thứ hai trong dự án luật là hoàn thiện chính sách bảo hộ và khuyến khích đầu tư; khắc phục những vướng mắc trong quá trình hoạt động của doanh nghiệp.
Theo đó, dự kiến sẽ phải sửa đổi 4 luật, trong đó đáng chú ý là sửa Luật Đầu tư theo hướng bổ sung cam kết của nhà nước trong việc bảo đảm quyền lợi hợp pháp của nhà đầu tư trong trường hợp thay đổi pháp luật để phù hợp với quy định về bảo hộ quyền sở hữu tại khoản 2 Điều 32 Hiến pháp 2013 và nguyên tắc không hồi tố những quy định của pháp luật gây ảnh hưởng bất lợi đến quyền lợi của nhà đầu tư.
Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp cũng phải sửa đổi nhằm bảo đảm sự thống nhất với Luật Đầu tư về đối tượng hưởng ưu đãi đầu tư; sửa đổi Luật Nhà ở theo hướng bổ sung việc sử dụng các loại đất khác được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép chuyển mục đích sang làm đất ở thay vì chỉ sử dụng đất ở để xây dựng nhà ở như hiện nay để thống nhất với Luật Đất đai…
Nhóm chính sách lớn thứ ba là tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, đặc biệt là thủ tục thực hiện các dự án đầu tư có sử dụng đất nhằm đảm bảo tính liên thông, đồng bộ giữa thủ tục đầu tư với thủ tục về đất đai, quy hoạch, xây dựng, môi trường và các thủ tục có liên quan khác...
Để thực hiện mục tiêu này, sẽ sửa đổi các quy định của 7 luật, như sửa đổi Điều 15 Luật Phòng cháy, chữa cháy để giảm thủ tục hành chính theo hướng lồng ghép hàng loạt thủ tục; bãi bỏ Điều 31 Luật Quảng cáo để tránh trùng lặp với Luật Xây dựng…
Nhóm chính sách lớn thứ tư là sửa đổi các quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư của Luật Đầu tư, tạo sự chủ động cho chính quyền địa phương trong hoạt động quản lý nhà nước về đầu tư, cụ thể hóa, minh bạch trong quy trình, thủ tục cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.
Chỉ đạo tại cuộc họp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, dự án luật thể hiện rõ quyết tâm của Chính phủ là kiên quyết loại bỏ các rào cản trong quy định của pháp luật, tạo động lực cho hoạt động đầu tư, kinh doanh.
“Tôi đồng ý với các đồng chí là phải bảo đảm quản lý nhà nước, không buông lỏng quản lý, nhưng tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi là quan trọng nhất và phải quản lý theo quy luật thị trường”, Thủ tướng nhấn mạnh, đồng thời đề nghị ban soạn thảo dự án luật nên tập trung vào các luật có liên quan đến đầu tư kinh doanh để bảo đảm chất lượng, không thể quá cầu toàn, đồng thời nhất định phải cải cách thủ tục hành chính.
Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ liên quan, tiếp tục lắng nghe các ý kiến góp ý, chuẩn bị hồ sơ chặt chẽ, thuyết phục để trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp cuối năm nay, kịp thời tháo gỡ khó khăn cho đầu tư, kinh doanh, nếu để quá lâu có thể ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh, tác động đến tăng trưởng.
Bích Diệp