50 năm: Hành trình từ ATM đến ngân hàng hoàn toàn tự động

Sau 50 năm, máy rút tiền tự động - ATM tiếp tục được sử dụng, mặc cho việc giao dịch qua smartphone hay trên nền web ngày càng phổ biến, riêng mô hình ngân hàng tự động VTM đáp ứng hầu hết các giao dịch ngân hàng truyền thống đang trở thành xu hướng mới.

Bước ngoặt năm 1967

Theo Financial Times, tháng 6/1967, John Shepherd-Barron đã có ý tưởng tạo ra một chiếc máy có thể truy cập để rút tiền mặt vào bất kỳ lúc nào trong ngày, xuất phát từ việc các ngân hàng đóng cửa vào ban đêm và các ngày cuối tuần.

Máy rút tiền của ông được công nhận là máy ATM thực thụ đầu tiên và đặt tại một chi nhánh của ngân hàng Barclays Plc tại Enfield, London ngày 27/6/1967.

Shepherd-Barron nói: "Việc có thể rút tiền 24/7 là một cuộc cách mạng khá lớn. Đó là chiếc máy đầu tiên cho phép cho khách hàng quyền truy cập tự động, lần đầu tiên công chúng có thể tự phục vụ”.

Máy ATM nổi tiếng bởi tính tiện lợi, đơn giản và dễ sử dụng, bất kỳ ai cũng dễ dàng rút tiền từ máy ATM chỉ với 1 chiếc thẻ và một vài thao tác đơn giản.


Tài tử Reg Varney của Anh là khách hàng đầu tiên được trải nghiệm ATM tại London vào năm 1967 - ảnh: Financial Times

Tài tử Reg Varney của Anh là khách hàng đầu tiên được trải nghiệm ATM tại London vào năm 1967 - ảnh: Financial Times

Theo Payments UK, phân tích các máy ATM ở Anh - quê hương của ATM cho thấy sau 50 năm tổng giá trị rút tiền mặt vẫn tương đối ổn định với trung bình 192 tỉ bảng Anh mỗi năm trong thập kỷ qua.

Bank of England còn dự đoán, tiền mặt sẽ luôn chiếm khoảng ⅕ trong tổng sổ tiền thanh toán tại Anh trong 10 năm tới. Thậm chí, giá trị của các khoản giao dịch tiền mặt trong lưu thông đã lên đến đỉnh điểm vào dịp Giáng Sinh năm ngoái với hơn 70 tỷ bảng Anh, tăng 10% so với năm trước đó và đây là kỷ lục tại Anh.

Trên thực tế, nhiều quốc gia đang có chiến lược thanh toán không dùng tiền mặt, nhưng không nên hiểu rằng, điều này có nghĩa là việc thanh toán bằng tiền mặt sẽ biến mất hoàn toàn, nó vẫn là một phần trong việc giao dịch trong cuộc sống hàng ngày.

Chừng nào người dân còn cần giao dịch bằng tiền mặt, ATM vẫn còn đất sống. Nhu cầu của các khách hàng cũng ngày càng đa dạng hơn, không chỉ là tự rút tiền, mà khách hàng còn muốn tự làm được mọi loại giao dịch ngân hàng, trên các thiết bị họ có, hoặc gần bên họ, bất kỳ lúc nào. Đó chính là cơ hội cho các giải pháp ngân hàng tự động.

Mảnh ghép của ngân hàng hiện đại

Tại Việt Nam, năm 2002 chiếc thẻ ATM đầu tiên được ra đời song song với những chiếc máy ATM cho phép rút tiền từ các ngân hàng nội địa. Tuy nhiên, lợi ích thu được từ ATM không đáng kể so với chi phí bỏ ra, cộng thêm vấn đề an ninh, an toàn… đang là rào cản khiến các ngân hàng ngại ngần trong việc mở rộng thêm mạng lưới ATM.

Nguyên do này khiến các ngân hàng cần đi tìm giải pháp thay thế hoàn hảo cho ATM, đó là các giải pháp ngân hàng điện tử, ngân hàng tự động có thể đáp ứng nhu cầu đa dạng của nhiều khách hàng, dần thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt và giúp cho người dân tiếp cận dễ dàng hơn với các sản phẩm và dịch vụ ngân hàng.


Ngân hàng tự động LiveBank của TPBank tại 54 Bát Sứ, Hà Nội

Ngân hàng tự động LiveBank của TPBank tại 54 Bát Sứ, Hà Nội

Trong xu hướng đó,TPBank đang đi đầu trong việc triển khai trên diện rộng LiveBank, hệ thống ngân hàng tự động được trang bị các tính năng để thực hiện hầu hết các dịch vụ của một phòng giao dịch ngân hàng truyền thống như mở tài khoản, nộp/rút tiền vào tài khoản, gửi/rút tiết kiệm, thanh toán, chuyển tiền… bảo mật bằng vân tay và trợ giúp khách hàng từ xa qua hệ thống video trực tuyến. Trên thế giới hiện mới có một vài ngân hàng tại Mỹ, Singapore, Hàn Quốc… như Bank of America, PosbBank đang thí điểm các hệ thống này và định nghĩa những chiếc máy của họ là VTM (Video Teller Machine).

TPBank đang có lộ trình trang bị thêm tính năng mới cho những chiếc máy LiveBank, cũng như tích hợp cả những phương thức bảo mật bằng sinh trắc học mới nhất hiện nay. Chiếc máy này cho phép sử dụng chính lượng tiền nộp vào để quay vòng và và chi trả ra, do vậy tần suất và số lượng tiền phải nạp vào máy giảm hẳn, giúp giảm tồn quỹ và tiết kiệm chi phí.

Các giao dịch trên máy cũng được đánh giá là an toàn hơn so với cách giao dịch truyền thống với các phương thức xác nhận và quy trình giao dịch chặt chẽ, nhiều dữ liệu được lưu trữ trong khi thời gian giao dịch được rút ngắn hơn.

Theo nhà báo Chris Lemmon của Fstech - Chuyên trang về công nghệ mới trong ngành tài chính của Anh, TPBank là ngân hàng Việt đầu tiên giới thiệu ngân hàng tự động hỗ trợ các cuộc gọi video.

Ông Nguyễn Hưng, TGĐ của TPBank cho biết, việc thành lập và vận hành các chi nhánh mới của các ngân hàng tại Việt Nam đang bị hạn chế do quy định pháp luật và chi phí cao. Trong khi đó về mặt dài hạn, những chiếc máy LiveBank với các giải pháp ngân hàng toàn diện vẫn có thể đáp ứng được nhu cầu giao dịch của khách hàng với chi phí thấp, tiết kiệm thời gian, mọi lúc mọi nơi và đưa đến những trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng.

LiveBank là chọn lựa lý tưởng để thay thế cho ATM, LIveBank không chỉ làm được mọi tính năng mà ATM đang có suốt 24/7, mà còn cung cấp đa dạng hơn các dịch vụ, trong khi vẫn có thể tiếp tục mở rộng thêm các tính năng, dịch vụ mới, tích hợp nhiều công nghệ tiên tiến hiện nay.

Vũ Minh