1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Tây Ban Nha:

5 triệu ngôi nhà bỏ trống

Hiện trạng đó đang xảy ra ở Tây Ban Nha. Chính quyền các địa phương ở nước này đang phải bán tài sản, tăng thuế và cắt giảm ngân sách để tránh phá sản.

Các nhà quan sát cho rằng cuộc khủng hoảng nợ công tại các thành phố và thị trấn Tây Ban Nha có thể không nghiêm trọng như hiện tại nếu các chính trị gia và chính quyền địa phương hành động một cách có trách nhiệm hơn.

Trả nợ trong 500 năm

Trước nay, 241 cư dân của thị trấn nhỏ Peleas de Abajos, phía Tây Bắc Tây Ban Nha, luôn tự hào vì vùng này đất đai màu mỡ, nhiều rừng thông bao quanh những căn nhà bằng đá lợp mái đỏ. Giờ đây, tất cả mọi thứ đều không còn thuộc về họ. Người đứng đầu chính quyền địa phương, ông Felix Rocenro, cho biết: “Mọi tài sản mang đi thế chấp tại ngân hàng đều bị tịch biên và đem bán đấu giá”.

Chính vì phải bán đất cho các chủ nợ, thị trấn Peleas de Abajos có thể sẽ phải mất hơn 500 năm để trả hết số nợ 5,6 triệu USD cho các ngân hàng và chính phủ trung ương. Cuộc sống của người dân tại thị trấn này bị thay đổi hoàn toàn. Ban ngày, thị trấn luôn vắng người do nhiều cư dân phải đến thành phố Zamora làm việc. Sau bữa tối, một vài người đàn ông tụ tập tại quán bar duy nhất của thị trấn để đánh bài và chơi domino.
 
Người dân buồn chán tập trung tại quán bar duy nhất của thị trấn Peleas de Abajos
Người dân buồn chán tập trung tại quán bar duy nhất của thị trấn Peleas de Abajos
 
 Những người dân ở Peleas de Abajos nói rằng họ cảm thấy rất xấu hổ và buồn bã khi chính quyền thành phố dù kiên quyết thực hiện nhiều biện pháp thắt lưng buộc bụng, bán tài sản, song thị trấn này vẫn nằm trong số những thị trấn mắc nợ nhiều nhất Tây Ban Nha.

Giáo sư kinh tế tại Đại học Barcelona, ông Jose Maria Gay de Liebana, cho báo USA Today (Mỹ) biết: “Với sự ra đời của đồng euro, các ngân hàng buộc phải phát triển và cũng từ đó, họ hành động vô trách nhiệm hơn, cho vay tràn lan mà không đưa ra bất cứ cảnh báo nào”. Ngoài ra, sự bùng nổ trong ngành công nghiệp xây dựng, được tiếp sức bởi những chính sách cho vay lỏng lẻo của các ngân hàng Tây Ban Nha đã dẫn đến tình trạng thừa mứa nhà cửa và giá bị kẻo xuống thấp. Hiện tại, Tây Ban Nha có khoảng 5 triệu ngôi nhà bị bỏ trống.

Chi tiêu không hiệu quả

Nhưng câu chuyện của người dân tại Peleas chỉ là một điển hình trong vô vàn  câu chuyện tương tự ở Tây Ban Nha. Tại Glendale, khoảng 1.400 cư dân đang phải gánh 2,8 triệu USD nợ của chính quyền địa phương. Theo thị trưởng Jesus Villasante, món nợ khổng lồ của thị trấn là do dự án phát triển đô thị tại nơi đây “đã không thành công như mong đợi”. Ông Villasante cũng cho biết trong suốt 18 năm kể từ khi ông nhậm chức, chính quyền thị trấn đã không thu một số loại thuế và điều đó càng khiến việc trả nợ của chính quyền trở nên khó khăn hơn.

Mặc dù Chính phủ Tây Ban Nha không tiết lộ có bao nhiêu trong tổng số 8.117 thị trấn lâm vào cảnh nợ nần, song theo báo cáo từ liên đoàn các thành phố và tỉnh thành, các chính quyền địa phương của nước này đang nợ khoảng 21 tỉ USD. Theo các nhà phân tích, trong suốt thời kỳ bất động sản bùng nổ, các thành phố và thị trấn của Tây Ban Nha kiếm tiền chủ yếu từ thuế và bán giấy phép xây dựng. Nhưng thay vì tích trữ tiền đề phòng khủng hoảng, các nhà lãnh đạo địa phương lại đổ hàng núi tiền vào các chương trình hỗ trợ bầu cử.

Trước tình hình khó khăn hiện tại, Tây Ban Nha đang có một hình mẫu để vượt qua khủng hoảng. Đó là ngôi làng Miajadas thuộc miền Đông Tây Ban Nha, với dân số 10.300 người. Hội đồng làng đã thực hiện cắt giảm lương, loại bỏ các dịch vụ công ra khỏi danh sách đấu thầu và cắt giảm ngân sách dành cho các kỳ nghỉ và lễ hội.
 
Theo Gia Hòa
Người Lao Động

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm