Về kết quả kiểm toán 4 dự án giao thông tại Phú Quốc: Lãnh đạo huyện nói gì?

(Dân trí) - Như Dân trí đã đưa tin, Kiểm toán Nhà nước vừa có kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư của 4 dự án đường tại khu vực Phú Quốc, Kiên Giang.


Có 4 dự án giao thông chính tại Phú Quốc được kiểm toán (Ảnh minh họa).

Có 4 dự án giao thông chính tại Phú Quốc được kiểm toán (Ảnh minh họa).

Kết quả kiểm toán

Cụ thể, tại các dự án: Dự án đường cơ động phía Bắc đảo Phú Quốc; đường Trung tâm đoạn 2 – khu vực Bãi Trường; đường Trung tâm đoàn 3 và công trình đường nhánh số 4 khu Bãi Trường, chưa khớp với quy hoạch theo quyết định đã được duyệt của Thủ tướng Chính phủ.

Tại dự án đường cơ động phía Bắc đảo Phú Quốc, hướng tuyến trong dự án này được duyệt không đúng theo quy hoạch tại Quyết định số 633 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng đảo Phú Quốc đến năm 2030. Đó là ở đoạn 3,3km cuối tuyến, hướng tuyến bị lệch về phía rừng so với hướng tuyến trong Quy hoạch 633.

Đến thời điểm kiểm toán, đoạn tuyến này đã có chủ trương của Ban quản lý khu kinh tế Phú Quốc điều chỉnh theo ranh đất đã giao cho nhà đầu tư là Công ty TNHH MTV Đầu tư địa ốc Thành phố - đảo Phú Quốc để đầu tư khu khu du lịch sinh thái và dân cư Rạch Tràm. Tuy nhiên theo kết luận kiểm toán, việc điều chỉnh hướng tuyến theo ranh đất đã giao cho nhà đầu tư vẫn tiếp tục sai với Quy hoạch 633.

Đáng chú ý theo cơ quan kiểm toán, khi đi sâu, làm rõ việc điều chỉnh hướng tuyến theo ranh đất đã giao cho nhà đầu tư thì đây là tuyến đường an ninh quốc phòng. Đồng thời hát hiện Khu du lịch sinh thái và dân cư Rạch Tràm được UBND tỉnh phê duyệt vượt 67,32 ha so với Quy hoạch 633. Sau đó, Ban quản lý khu kinh tế Phú Quốc tiếp tục phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500 vượt thêm 4,21ha so với UBND tỉnh phê duyệt.

Đối với dự án đường Trung tâm đoạn 3, tổng mức đầu tư được duyệt bao gồm 187 đồng tỷ chi phí GPMB (nguồn vốn NSNN), tuy nhiên, tuyến đường đi qua khu đất của các nhà đầu tư và chi phí này do nhà đầu tư thực hiện nên giá trị tổng mức đầu tư từ nguồn NSNN thừa 187 tỷ đồng.

Việc thẩm định dự án cũng được nêu rõ là chưa xem xét khả năng cân đối nguồn vốn dẫn đến khi phê duyệt dự án không có vốn để thực hiện như ở Dự án đường Trung tâm đoạn 2 và đường nhánh số 4.

Thời gian thực hiện 2 dự án trên ban đầu là 2010- 2012 nhưng do không có vốn để triển khai thực hiện, đến năm 2016 mới triển khai thi công bằng vốn ứng trước của nhà thầu.

Về trình tự thủ tục, Kiểm toán cho thấy nội dung cơ bản thực hiện theo quy định. Tuy nhiên, còn một số sai sót, hạn chế như thiết kế một số kết cấu thiếu tính toán, so sánh giữa các phương án, lựa chọn hệ số an toàn cao.

Cụ thể, tại đường Trung tâm đoạn 2, đường nhánh số 4: thiếu thuyết minh tính toán chiều dày bê tông bịt đáy; chọn loại vải địa kỹ thuật 25kN/m ddeer làm lớp phân cách giữa nên cát và đá dăm gia cố xi măng trong khi loại vải 15kN/m vẫn đáp ứng tính năng kỹ thuật cho công trình theo tiêu chuẩn…

Còn tại đường cơ động phía Bắc đảo Phú Quốc: Thiết kế điện chiếu sáng sử dụng công nghệ cũ (bóng đèn Sodium cao áp) không đảm bảo độ bền và tiết kiệm điện so với đèn led.

Ngoài ra, hệ thống chiếu sáng cho đoạn đường từ đầu tuyến đến KM7+777 chưa cần thiết phải đầu tư vì đoạn này đi qua khu vực rừng quốc gia không có dân sinh sống, đồng thời khi cần thiết, để nhà đầu tư khu du lịch thực hiện, giảm gánh nặng cho ngân sách nhà nước…

Bên cạnh đó, dự toán được duyệt còn sai sót do tính sau khối lượng, trùng lắp khối lương, sai đơn giá, định mức… Giá trị dự toán thừa hơn 51 tỷ đồng (xây lắp) bao gồm: Dự án cơ động phía Bắc đảo Phú Quốc thừa gần 9 tỷ đồng; đường Trung tâm đoạn 2 thừa hơn 10 tỷ đồng; đường Nhánh số 4 thừa hơn 11 tỷ đồng; đường Trung tâm đoạn 3 thừa hơn 21 tỷ đồng.

Các sai sót trong dự toán dẫn đến xác định sai giá gói thầu, đối với hợp đồng điều chỉnh giá, Đoàn kiểm toán xác định giảm trừ khối lượng, đơn giá trên cơ sở hợp đồng đã ký và kiến nghị xử lý tài chính gần 8,5 tỷ đồng, đối với hợp đồng trọn gói.

Đồng thời, Đoàn kiểm toán cũng kiến nghị xử lý tài chính gần 37 tỷ đồng đối với phần giá trị chênh lệch thừa giữa giá trị hợp đồng so với giá trị dự toán gói thầu do Kiểm toán xác định, chủ yếu là sai khối lượng.

Các hạn chế, sai sót trên theo cơ quan kiểm toán là thuộc trách nhiệm chính của đơn vị tư vấn thiết kết, đơn vị thẩm tra, thẩm định và phê duyệt theo quy định.

Tiến độ thực hiện dự án cũng được nêu rõ là khá chậm chạp. So với quyết định phê duyệt dự án ban đầu, Dự án đường Trung tâm đoạn 2 khởi công chậm 6 năm; Dự án đường nhánh số 4 khởi công chậm 5 năm. Nguyên nhân không bố trí được vốn thực hiện.

Đối với tiến độ thi công theo hợp đồng, nhìn chung các công trình đều bị trễ tiến độ như Đường nhánh số 4, đường Trung tâm đoạn 2, nguyên nhân do khi thi công vướng mặt bằng, thay đổi thiết kế và do nhà thầu chậm.

Còn tại đường cơ động phía Bắc đảo Phú Quốc, mặc dù thời gian thi công 22/24 tháng tương đương 91,7% thời lượng hợp đồng nhưng khối lượng thực hiện mới chỉ 25,7%. Nguyên nhân theo báo cáo giám sát, đánh giá thực hiện đầu tư của UBND Phú Quốc do bố trí vốn chưa kịp thời.

Tuy nhiên, dự án được thực hiện bằng nguồn vốn Biển Đông – Hải Đảo (vốn mật) nên đoàn kiểm toán không tiếp cận được hồ sơ về kế hoạch phân bổ vốn cho dự án, cơ quan kiểm toán cho biết.

Kiến nghị xử lý

Trước các vấn đề nêu ra, Kiểm toán Nhà nước đã Kiến nghị về xử lý tài chính số tiền là hơn 48 tỷ đồng, đồng thời khắc phục, chỉnh sửa các hạng mục thi công chưa đạt yêu cầu kỹ thuật, chưa đúng thiết kế.

Đồng thời cơ quan kiểm toán cũng đã kiến nghị xem xét xử lý trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan.

Cụ thể, kiến nghị kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với Ban quản khu kinh tế Phú Quốc trong việc thẩm định, phê duyệt bản vẽ thi công – dự toán công trình còn sai sót tại 4 dự án.

Kiểm toán Nhà nước đề nghị kiểm điểm, rút kinh nghiệm đối với UBND huyện Phú Quốc trong việc cho phép triển khai đấu thầu khi chưa đảm bảo bản giao mặt bằng thi công theo tiến độ thực hiện gói thầu, chưa có biện pháp quyết liệt để xử lý, ngăn chặn tình trạng mất cắp và quản lý khối lượng cát đào còn thừa.

"Kiểm điểm rút kinh nghiệm đối với ban quản lý khu kinh tế Phú Quốc trong việc phê duyệt dự án sai quy hoạch của Thủ tướng Chính phủ và không lấy ý kiến tham gia bằng văn bản của cơ quan có thẩm quyền về an ninh, quốc phòng và Vườn quốc gia Phú Quốc đối với dự án đường cơ động phía Bắc đảo Phú quốc", báo cáo kiểm toán nêu.

Theo Kiểm toán Nhà nước, trường hợp điều chỉnh hướng tuyến sai khác với Quy hoạch 633, Ban quản lý khu kinh tế Phú Quốc cần tham mưu UBND tỉnh Kiên Giang trình Thủ tướng về việc điều chỉnh quy hoạch, trình Bộ Quốc phòng về việc đảm bảo an nnh quốc phòng, trình Bộ Nông nghiệp về việc ảnh hưởng đến khu bảo vệ nghiệm ngặt vườn quốc gia Phú Quốc.

Ngoài ra, Kiểm toán Nhà nước cũng cho rằng phải làm rõ trách nhiệm của Ban QLDA đầu tư xây dựng đường cơ động Đảo Thổ Chu liên quan đến các sai sót giai đoạn chuẩn bị đầu tư dự án đường cơ động phía Bắc đảo Phú Quốc...

Lãnh đạo huyện Phú Quốc: Chúng tôi mời Kiểm toán Nhà nước vào kiểm toán các công trình

Trao đổi với Dân trí, một vị lãnh đạo của Ủy ban nhân dân huyện Phú Quốc cho biết, trước khi đoàn kiểm toán vào, UBND huyện này đã chủ động gửi công văn đến Kiểm toán Nhà nước khu vực V đề nghị vào kiểm toán một số công trình đầu tư tại huyện đảo Phú Quốc trong đó có các công trình, dự án như Kiểm toán Nhà nước đã kết luận. Ông này cho biết, việc chủ động mời kiểm toán là nhằm để việc tổ chức, thực hiện dự án đúng quy định hơn vì trên thực tế, tất các các công trình, dự án được kiểm toán đều đang triển khai, phần lớn đến năm 2020 và 2021 mới hoàn thành.

"Hiện nay trong các dự án mà Kiểm toán Nhà nước đã kết luận, chưa có dự án nào hoàn thành và chưa được quyết toán, chi trả. Do đó, việc kiểm toán cũng để nhằm xác định rõ dự toán, các khoản chi thực tế để sau này, khi quyết toán sẽ đảm bảo chi đúng, chính xác", ông này khẳng định.

Mạnh Quân- Nguyễn Khánh

Về kết quả kiểm toán 4 dự án giao thông tại Phú Quốc: Lãnh đạo huyện nói gì? - 2