361 đại biểu yêu cầu chất vấn Thống đốc Nguyễn Văn Bình

(Dân trí) - Theo báo cáo thống kê của UB Thường vụ Quốc hội về danh sách Bộ trưởng trả lời chất vấn đầu tuần tới, Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình được 361 đại biểu yêu cầu chất vấn. Ông Bình cũng là người nhận nhiều câu hỏi chất vấn nhất đến thời điểm này.

361 đại biểu yêu cầu chất vấn Thống đốc Nguyễn Văn Bình
Thống đốc Nguyễn Văn Bình cùng Bộ trưởng Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến là những thành viên Chính phủ được đoàn thư ký đề xuất chất vấn kỳ này và kết lại, đã được các đại biểu lựa chọn.

Trong số phiếu thăm dò ý kiến phát đi, đoàn thư ký nhận lại được 383 phiếu. Và 361/383 phiếu này đều đánh dấu ở tên thống đốc NHNN. Bộ trưởng Xây dựng, Y tế cùng được 200 đại biểu thể hiện mong muốn chất vấn.

Trong danh sách đề cử 6 Bộ trưởng của đoàn thư ký còn có tên Bộ trưởng Tài chính Vương Đình Huệ và kết quả, cũng có tới 307/383 phiếu đề xuất chất vấn ông Huệ. Nhưng phương án chốt cuối cùng, Bộ trưởng Tài chính “nhường”… ghế nóng cho Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng.

Theo UB Thường vụ, ban đầu Bộ trưởng Công thương không được đề xuất đăng đàn vì đến thời điểm đó, có rất ít câu hỏi chất vấn gửi tới ông Hoàng. Tuy nhiên sau đó, đoàn thư ký lại nhận được nhiều phiếu chất vấn tới “địa chỉ” này về trách nhiệm của Bộ trưởng đối với những vấn đề bức xúc nổi lên như sản xuất kinh doanh bị đình trệ, xử lý hàng tồn kho, nhiều doanh nghiệp bị phá sản, ảnh hưởng đến nền kinh tế nên đề nghị trả lời chất vấn trực tiếp tại kỳ họp này.

Bộ trưởng Tài chính mặc dù được nhiều đại biểu lựa chọn nhưng UB Thường vụ QH chỏ rắng, trách nhiệm của ông Huệ liên quan đến nhiều lĩnh vực, trong đó một số lĩnh vực đã được giải quyết (như vấn đề tăng lương, thu ngân sách và phân bổ ngân sách nhà nước…) nên đề nghị không bố trí trả lời chất vấn trực tiếp, mà sẽ tham gia giải trình làm rõ những vấn đề liên quan khi tiến hành chất vấn các Bộ trưởng khác.

Theo kết quả tổng hợp chất vấn, tính đến chiều 8/11/2012 đã có 146 ý kiến chất vấn của 68 vị đại biểu ở 39 đoàn đại biểu gửi đến các thành viên Chính phủ.

Thống đốc Nguyễn Văn Bình là địa chỉ nhận nhiều câu hỏi nhất, với 22 chất vấn. Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng nhận được 13 chất vấn.

Trong số các câu hỏi đó, có 3 chất vấn cùng nêu quan ngại về tội phạm hình sự trong lĩnh vực ngân hàng bao gồm cán bộ ngân hàng và ngoài ngân hàng liên quan tới vốn tín dụng ngân hàng, việc thâu tóm trong hệ thống ngân hàng trong thời gian qua tăng đáng kể. Đại biểu “truy” trách nhiệm cũng như các giải pháp dự kiến của Thống đốc trong thời gian tới.

Các vị đại diện cho dân cũng muốn nghe Thống đốc báo cáo thêm về tình hình phòng chống tham nhũng và tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, đồng thời làm rõ trách nhiệm của Thống đốc trong quản lý nhà nước để xảy ra tham nhũng trong hệ thống ngân hàng, trong việc thâu tóm đã xảy ra.

Có đại biểu đặt vấn đề về tính minh bạch trong quản lý nhân sự của ngành khi giám đốc ngân hàng chi nhánh ở tỉnh lương có thể gần 70 triệu đồng/tháng – quá cao trong bối cảnh nợ xấu chất chồng của toàn hệ thống.

Quyết định “độc quyền hóa” vàng miếng SJC và những hệ lụy liên quan vừa qua cũng “ngốn” nhiều câu hỏi dành cho Thống đốc Bình.

Về lịch chất vấn, sáng thứ 2 tuần tới, sau khi Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo Quốc hội về việc thực hiện lời hứa của các Bộ trưởng đã đăng đàn trong 2 kỳ họp trước, Bộ trưởng Công thương sẽ trả lời chất vấn đầu tiên.

Các nhóm vấn đề dành cho ông Hoàng là trách nhiệm trong việc chủ động và phối hợp với các bộ, ngành, địa phương giữ ổn định sản xuất; khắc phục những khó khăn, bất cập trong sản xuất kinh doanh. Như, hàng hóa tồn kho lớn, doanh nghiệp bị giải thể nhiều; hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tràn lan. Giải phát triển thị trường hàng hóa trong nước, ngoài nước, công tác quy hoạch và phát triển thủy điện cũng nằm trong nội dung trả lời của Bộ trưởng Công thương.

Bộ trưởng các bộ Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề có liên quan ở phần chất vấn của ông Hoàng.

Bộ trưởng thứ 2 – ông Trịnh Đình Dũng đã nhận được “đề bài” về trách nhiệm của Bộ trưởng Xây dựng trong công tác quản lý nhà nước về thị trường bất động sản, nhất là xử lý bất động sản đóng băng, đất bỏ hoang; đảm bảo đồng bộ cơ sở hạ tầng tại các khu đô thị mới. Công tác quản lý nhà nước về chất lượng các công trình xây dựng, đặc biệt là các công trình xây dựng thuỷ điện (như Thủy điện Sông Tranh 2), công trình quan trọng quốc gia; quản lý đầu tư xây dựng, quy hoạch đô thị; vấn đề tham nhũng, thất thoát trong ngành xây dựng; việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng, Luật Nhà ở.

Bộ trưởng Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường; Tổng thanh tra Chính phủ và Phó thủ tướng Chính phủ được phân công tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề có liên quan. 

Nhiều nội dung “nóng” được chuẩn bị dành cho Thống đốc Nguyễn Văn Bình vào sáng thứ 3 (13/11). Ông Bình sẽ trả lời về trách nhiệm trong quản lý nhà nước về thị trường tiền tệ; đảm bảo vốn cho sản xuất kinh doanh; tái cơ cấu hệ thống ngân hàng; xử lý ngân hàng yếu kém, nợ xấu, những vụ việc tiêu cực trong ngành, vi phạm vượt trần lãi suất quy định…. Thị trường vàng, quản lý kinh doanh vàng, vàng miếng, biến động của giá vàng trong nước… cũng nằm trong nhóm vấn đề dành cho Thống đốc NHNN.

Bộ trưởng Tài chính, Kế hoạch và đầu tư, Công an; Tổng Thanh tra Chính phủ sẽ hỗ trợ ông Bình khi cần thiết.

Nữ Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến sẽ trả lời về trách nhiệm cá nhân trong việc đảm bảo chất lượng khám, chữa bệnh, trong đó có vấn đề y đức, ý thức trách nhiệm, trình độ, năng lực nghề nghiệp…của đội ngũ y bác sỹ. Bên cạnh đó là công tác quản lý dược phẩm, giá thuốc, viện phí; hành nghề y, dược tư nhân, nhất là cấp phép hành nghề cho cơ sở y tế tư nhân có yếu tố nước ngoài; tử vong ở trẻ em, sản phụ do chất lượng khám, chữa bệnh và công tác quản lý nhà nước về vệ sinh an toàn thực phẩm.

Bộ trưởng Tài chính, Nông nghiệp và phát triển nông thôn được chỉ định tham gia giải trình làm rõ thêm những vấn đề có liên quan nội dung trả lời chất vấn của bà Tiến.

Mỗi Bộ trưởng đăng đàn trung bình có gần 1 buổi làm việc để giải trình các nội dung chất vấn với mình. Sáng thứ 4, 14/11, Quốc hội sẽ kết thúc phiên chất vấn tại kỳ họp này với phần phát biểu làm rõ thêm một số vấn đề liên quan và trực tiếp trả lời chất vấn của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về công tác chỉ đạo, điều hành chung của Chính phủ.

P.Thảo