30 nhà đầu tư quan tâm trở thành nhà đầu tư chiến lược của PV Power

(Dân trí) - Trong buổi họp báo chiều nay (15/1) thông báo kế hoạch bán cổ phiếu lần đầu (IPO) và kế hoạch roadshow trong ngày 16/1 và 19/1 tới tại Hà Nội và TPHCM, ông Nguyễn Xuân Hòa, Tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực dầu khí (PV Power) cho biết, PV Power đã tiếp xúc với 100 nhà đầu tư và nhận được sự quan tâm trở thành cổ đông chiến lược từ 30 nhà đầu tư nước ngoài.


Thủy điện đem lại khoản lợi nhuận 250 tỷ đồng cho PV Power năm 2017

Thủy điện đem lại khoản lợi nhuận 250 tỷ đồng cho PV Power năm 2017

Tại cuộc họp báo, ông Hồ Công Kỳ, Chủ tịch Hội đồng thành viên PV Power cho biết, đến nay, Tổng công ty này đã thực hiện được khoảng 70-80% công việc để chuyển đổi mô hình hoạt động sang công ty cổ phần.

"Hiện nay, các bước quan trọng cuối cùng là xác định nhà đầu tư chiến lược và IPO. Sau đó, chúng tôi sẽ xúc tiến tổ chức Đại hội cổ đông lần đầu tiên vào tháng 3/2018, hoàn tất các bước cuối cùng để chuyển đổi hoàn toàn từ mô hình công ty TNHH một thành viên thành công ty đại chúng", ông Kỳ cho hay.

Theo ông Hồ Công Kỳ, đến thời điểm này, PV Power đã chuẩn bị xong các bước, sẵn sàng cho IPO. Theo đóm vốn điều lệ của Tổng công ty này sau CPH được xác định là trên 23.418 tỷ đồng, trong đó, Nhà nước sẽ nắm giữ 51% vốn điều lệ. Cổ phần bán đấu giá công khai là trên 468 triệu cổ phần (chiếm 20% vốn điều lệ), cổ phần bán cho nhà đầu tư chiến lược là trên 676 triệu cổ phần (chiếm gần 29%) vốn điều lệ.

Giá khởi điểm được bán đấu giá cổ phần của PV Power được Thủ tướng phê duyệt là 14.400 đồng/cổ phần, bán đấu giá công khai tại HNX.

Trả lời câu hỏi của báo chí, theo ông Hồ Công Kỳ, thực chất hoạt động CPH ở PV Power là CPH thoái vốn nhà nước chứ không phải để tăng vốn điều lệ.

"Nếu CPH thành công thì vốn nhà nước còn 51%. Nếu nhà đầu tư nào mua 29%, trở thành nhà đầu tư chiến lược, cùng với việc mua cổ phần đấu giá đạt trên 35% thì họ vẫn có quyền phủ quyết. Đây là điểm thuận lợi, hấp dẫn cho nhà đầu tư. Và nếu sau năm 2019, nếu PV Power đàm phán được với các nhà tài trợ quốc tế tái cấu trúc khoản vay cho Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng I thì có thể giảm vốn xuống 51% thì đây là đợt thoái vốn lần 2", ông Kỳ cho biết.

Theo đánh giá của giới chuyên gia tài chính, chứng khoán, PV Power được coi là một doanh nghiệp có tiềm năng phát triển lớn khi hiện nay đã có 12 nhà máy điện qui mô lớn. Năm 2017, sản lượng điện của Tổng công ty này đã đạt trêm 20,58 triệu kWh, chiếm khoảng 12% tổng sản lượng điện cả nước. Lợi nhuận trước thuế năm 2017 đạt 2.503 tỷ đồng, tăng 83% so với kế hoạch, nộp ngân sách 1.274 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu 7,5%.

Năm 2018, Tổng công ty này xác định đạt sản lượng điện 21.570 triệu kWh, đạt lợi nhuận trước thuế 1.913 tỷ đồng.

Lý giải vì sao lợi nhuận năm 2017 đạt cao trong khi dự kiến năm 2018 lợi nhuận lại đạt thấp hơn, ông Nguyễn Xuân Hòa, Tổng giám đốc PV Power cho biết, năm 2017, việc phát điện từ các nhà máy thủy điện đạt lợi nhuận cao do thủy văn có lợi cho phát điện. PV Power tuy chỉ có hơn 300 MW thủy điện nhưng đã huy động tốt trong điều kiện thủy văn thuận lợi nên có lãi thêm 250 tỷ đồng. Ngoài ra, cuối năm 2017, tỷ giá biến động đi xuống, có lợi cho PV Power cũng đem lại khoản lợi nhuận trên 200 tỷ đồng.

"Năm 2018, mức lợi nhuận dự kiến giảm đi do chúng tôi tính toán cẩn trọng hơn trong việc lập kế hoạch nhất là dự phòng biến động tỷ giá. PV Power có khoản dư nợ 600 triệu USD nên mỗi 1 điểm % mất đi sẽ mất hơn 100 tỷ đồng. Một năm chênh lệch 2% sẽ mất khoảng 250 tỷ. Nhưng hy vọng năm 2018, nhờ các nhà máy đã đại tu xong trong năm 217 và thời tiết thuận lợi hơn, lợi nhuận sẽ lại đạt và vượt cao so với kế hoạch đề ra", ông Hòa nói.

Về cổ tức dự kiến năm sau, ông Hòa cho biết, do năm 2018, PV Power tiến hành dồn toàn bộ lợi nhuận thu được tập trung cho đầu tư phát triển nên phấn đấu đạt cổ tức ít nhất là 5% trong năm đầu tiên chuyển đổi thành công ty cổ phần.

Hà Anh

30 nhà đầu tư quan tâm trở thành nhà đầu tư chiến lược của PV Power - 2