23 địa phương không thu hút nổi 1 đồng vốn FDI từ đầu năm

(Dân trí) - Các địa phương này bao gồm Lạng Sơn, Tuyên Quang, Điện Biên, Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Kạn… Đây phần lớn là những tỉnh ở khu vực miền núi phía Bắc. Qua đó khiến thu hút vốn FDI trong 4 tháng đầu năm 2015 sụt giảm mạnh, chỉ bằng 76,7% cùng kỳ.

Thu hút FDI của Việt Nam sụt giảm mạnh trong 4 tháng đầu năm (ảnh minh họa)
Thu hút FDI của Việt Nam sụt giảm mạnh trong 4 tháng đầu năm (ảnh minh họa)

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Theo số liệu báo cáo từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), trong 4 tháng đầu năm 2015, trên cả nước có tới 23 tỉnh, thành không hề thu hút được đồng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) nào.

Các địa phương này bao gồm Lạng Sơn, Tuyên Quang, Điện Biên, Lào Cai, Cao Bằng, Bắc Kạn… Đây phần lớn là những tỉnh ở khu vực miền núi phía Bắc.

Bên cạnh đó, trong số 40 tỉnh, thành còn lại, có những địa phương thu hút FDI với nguồn vốn “nhỏ giọt”. Chẳng hạn Trà Vinh chỉ có 1 dự án được cấp mới, vốn đăng ký 120 triệu USD; Thanh Hóa, An Giang chỉ có 2 dự án cấp mới với vốn đăng ký lần lượt là 30 triệu và 27,4 triệu USD…

Bạc Liêu, Yên Bái thậm chí không có dự án cấp mới nào. Tuy nhiên, Bạc Liêu có 2 dự án được tăng vốn với số vốn tăng thêm là 5,2 triệu USD; Yên Bái có 1 dự án được tăng vốn với số vốn tăng thêm là 2 triệu USD…

Một loạt các địa phương khác như Hà Tĩnh, Bình Thuận, Đắk Lắk, Quảng Ninh, Bình Định, Tiền Giang, Sóc Trăng, Ninh Bình, Phú Thọ, Lâm Đồng, Hòa Bình… chỉ thu hút dược 1 dự án cấp mới.

Tình trạng này đã khiến kết quả chung về thu hút vốn FDI của Việt Nam 4 tháng đầu năm bị sụt giảm rất mạnh. Theo các báo cáo nhận được, tính đến ngày 20 tháng 4 năm 2015 cả nước có 448 dự án mới được cấp giấy chứng nhận đầu tư với tổng vốn đăng ký là 2,7 tỷ USD, bằng 82,9% so với cùng kỳ năm 2014.  Đến 20 tháng 4 năm 2015, có 167 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 1,04 tỷ USD, bằng 64,3% so với cùng kỳ năm 2014.

Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2015, tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 3,72 tỷ USD, bằng 76,7% so với cùng kỳ năm 2014. 

Đồng Nai là địa phương thu hút nhiều vốn FDI nhất với tổng vốn đầu tư đăng ký cấp mới và tăng thêm là 916,75 triệu USD, chiếm 24,6% tổng vốn đầu tư đăng ký. TP Hồ Chí Minh đứng thứ 2 với tổng vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm là 784,93 triệu USD, chiếm 21,1%. Hải Phòng đứng thứ 3 với tổng số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm 292,1 triệu USD, chiếm 7,8%.

Theo ghi nhận của Cục Đầu tư nước ngoài, mặc dù có nhiều địa phương thu hút số lượng dự án khiêm tốn, thậm chí “trắng” dự án FDI, song số lượt dự án cấp mới và tăng vốn trong 4 tháng đầu năm vẫn cao hơn so với cùng kỳ năm 2014: số dự án cấp mới tăng hơn 14,9% và số dự án tăng vốn tăng 19,3% so với cùng kỳ năm 2014.

Tuy nhiên, nhìn chung trong 4 tháng đầu năm nay không có các dự án quy mô lớn như cùng kỳ năm 2014, vì vậy số vốn đăng ký cấp mới và tăng thêm bị sụt giảm.
Bích Diệp
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”