15 năm buôn gỗ sưa vẫn bị lừa mất trắng cả tỷ bạc

(Dân trí) - Biết về gỗ sưa đã gần 15 năm nhưng anh N.V.T. (Thường Tín, Hà Nội) vẫn bị lái buôn lừa mất trắng cả tỷ bạc. Không riêng gì anh T., nhiều dân buôn gỗ lâu năm ở Thường Tín cách đây 5 năm cũng bị cơn bão sưa đỏ cuốn phăng đi không biết bao nhiêu tài sản.

15 năm buôn gỗ sưa vẫn bị lừa mất trắng cả tỷ bạc

Ngồi trầm ngâm bên ấm trà mạn, anh T. nhớ lại thời điểm cách đây 5 - 6 năm khi sưa đỏ vẫn đang còn là một giấc mộng đổi đời với nhiều người dân nơi đây.

Thời điểm đó, mặc dù bị Nhà nước cấm khai thác, mua bán nhưng thương lái Trung Quốc vẫn thu mua sưa đỏ với giá cực cao 35- 37 triệu đồng/kg, khiến mọi thứ “đảo điên”, thật giả lẫn lộn.

Sưa non
Sưa non

Thậm chí theo anh T.: “Một mẩu gỗ bé tẹo teo cũng bán được vài triệu đồng, chỉ cẩn là gỗ sưa đỏ, vân đẹp. Nhà nào có gỗ sưa đều được thương lái Trung Quốc thu mua hết với giá cực cao.”

“Dân trong xã cũng chỉ mang máng biết rằng thương lái Trung Quốc mua về làm đồ thờ. Nhiều người giàu lên nhanh chóng nhờ thu mua sưa đỏ từ khắp nơi. Thế nhưng, bên cạnh đó lại là những cái bẫy giăng sẵn, chỉ chờ những người nhẹ dạ cả tin sa chân vào”, anh T. nói.

Nói là cái bẫy, bởi theo anh T.: “Lúc hàng càng “sốt” thì gỗ đểu càng nhiều. Bên ngoài là gỗ sưa mà bên trong thì nhìn na ná giống nhưng không phải gỗ sưa. Loại hàng này do chính thương lái miền Nam chở ra để lừa dân buôn miền Bắc.”

Rễ sưa
Rễ sưa

“Nhưng đau đớn hơn, người lừa mình lại chính là lái bạn hàng đã làm ăn với nhau nhiều lần. Họ cho mình “ăn” 3 - 4 chuyến “cò con”, đủ để mình tin tưởng rồi đánh sập bằng chuyến cuối cả tỷ bạc. Gỗ đắt, vay mượn chắt bóp mới mua được vài chục cân mà tôi đã mất trắng cả tiền tỉ”, anh T. chia sẻ.

Buôn gỗ nhiều năm, kinh nghiệm “chinh chiến” cũng chẳng phải ít, nhưng anh T. và nhiều người trong xã vẫn bị lừa mà không hề biết gì. Vì thủ đoạn tinh vi mà các thương lái sử dụng anh T. mới gặp lần đâu.

Anh T. cho biết: “Tôi chỉ biết chất lượng gỗ, mùi vị bên ngoài. Nhưng với dòng gỗ đắt, có giá trị cao thì chúng làm giả rất tinh vi. Ngay cả khi tôi lấy dao đẽo bên ngoài ra để đốt cũng vẫn ra rất đúng mùi vị gỗ sưa. Vì gỗ sưa thật khi đốt sẽ có mùi thơm dịu, tro tàn sẽ có màu trắng và không có chất dầu. Đốt lên rất giống gỗ xoan, nhưng gỗ xoan sẽ có mùi hắc còn gỗ sưa sẽ có mùi thơm.”

Gỗ sưa thật sau khi đốt sẽ có mùi thơm dịu, tro tàn sẽ có màu trắng và không có chất dầu
Gỗ sưa thật sau khi đốt sẽ có mùi thơm dịu, tro tàn sẽ có màu trắng và không có chất dầu

“Thậm chí, gỗ được làm giả tinh vi tới mức, màu gỗ và vân cũng cực giống. Nên dân buôn gỗ 10 - 15 năm trong xã cũng không thể phân biệt nổi”, anh T. cho biết thêm.

Về mánh khóe lừa đảo, theo anh H. người cùng làng anh T. thì: “Thương lái miền Nam có rất nhiều cách để hô biến thành gỗ sưa. Ví dụ một khối gỗ vuông, họ sẽ bào nhẵn đi rồi xẻ thành những miếng mỏng chỉ 5 mm rồi sau đó ghép lại với nhau bằng keo.”

Sưa non hiện trên thị trường giá rất rẻ
Sưa non hiện trên thị trường giá rất rẻ

“Phù hợp với khung gỗ nào thì dán lại với nhau thành khối lớn. Người mua chỉ cần chủ quan không quan sát kĩ là “chết”. Thế nhưng, muốn xem kĩ thì phải cắt hẳn ra mới biết được. Đó là còn chưa kể tới các thủ đoạn như luộc vỏ của các loại gỗ giống gỗ sưa, hay ngậm bùn,… Vì thế, không ít người trong xã có kinh nghiệm buôn gỗ cũng bị lừa”, anh H. nói.

Hàng chỉ được phép cắt ra khi đã mua và mang về nhà. Do đó, 2 - 3 chuyến đầu thuận lợi chính là “mồi nhử” để tạo sự tin tưởng của một số thương lái buôn gỗ miền Nam lúc đó.

Theo lời kể của anh H., mỗi lần ra Bắc, các thương lái miền Nam lúc đó đi xe tải mang theo hàng tấn gỗ sưa ra bán cho nhiều bạn hàng. Đến chuyến hàng cuối lừa đảo xong chúng lấy tiền và biến mất ngay lập tức.

Vì là hàng cấm, nên dù có bị lừa thì anh T., anh H. hay nhiều người khác cũng chỉ biết ngồi tự than thở với nhau. Cả xã mang tiếng buôn gỗ sưa mà vẫn bị lừa, thậm chí gỗ sưa quý ở đâu, thương lái Trung Quốc mua về làm gì cũng chẳng ai thực sự hiểu rõ.

Thế Hưng

15 năm buôn gỗ sưa vẫn bị lừa mất trắng cả tỷ bạc - 5