12 ngân hàng sạch nợ, VAMC sẽ làm gì trong năm 2020?

(Dân trí) - Hiện đã có 12 ngân hàng tất toán trước hạn toàn bộ trái phiếu đặc biệt (nợ xấu) đã bán cho VAMC. Theo đánh giá của giới chuyên gia, xu hướng ngân hàng làm sạch nợ tại VAMC sẽ còn tiếp tục tăng trong năm 2020.

Tính đến cuối năm 2019, 12 ngân hàng Việt Nam là: Vietcombank, VIB, TPBank, Nam A Bank, Techcombank, OCB, AgriBank, SeABank, VPBank... chính thức thông báo hoàn thành việc tất toán toàn bộ trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trước thời hạn.

Trong đó, Vietcombank là trường hợp đầu tiên xóa sạch nợ xấu tại VAMC từ cuối năm 2016; tiếp đến là Techcombank nửa đầu năm 2017, rồi đến VIB...

VAMC ra đời vào năm 2013 và từ 2014 bắt đầu được các ngân hàng hưởng ứng bán nợ mạnh mẽ. Trên thực tế, việc bán nợ cho VAMC không giúp các ngân hàng dọn sạch nợ xấu ngay lập tức, mà đó chỉ là nơi "gửi" các khoản nợ xấu để các ngân hàng có thời gian (5 năm) từ từ xử lý bằng cách trích lập dự phòng với tỷ lệ 20% mỗi năm.

Tuy nhiên, một số ngân hàng làm ăn kinh doanh tốt, có tiềm lực mạnh và có khả năng tự giải quyết khối nợ xấu mà không cần đến kỹ thuật bán cho VAMC thì có thể nhận lại số nợ xấu này sớm hơn thời hạn cho phép. Theo đánh giá của giới chuyên gia, xu hướng ngân hàng làm sạch nợ tại VAMC sẽ còn tiếp tục tăng trong năm 2020.

12 ngân hàng sạch nợ, VAMC sẽ làm gì trong năm 2020? - 1

Hiện đã có 12 ngân hàng Việt Nam chính thức thông báo hoàn thành việc tất toán toàn bộ trái phiếu đặc biệt của Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) trước thời hạn.

Ông Đoàn Văn Thắng, Tổng giám đốc VAMC cho biết: Lũy kế từ khi thành lập đến ngày 31/12/2019, VAMC đã phối hợp cùng các tổ chức tín dụng thu nợ 151.860 tỷ đồng. Đến cuối năm 2019, trong tổng số 40 tổ chức tín dụng bán nợ cho VAMC, đã có 12 ngân hàng thực hiện quyết toán nợ cho VAMC.

"VAMC hi vọng sang năm 2020, với việc thực hiện đề án 1058 của Ngân hàng Nhà nước thì chúng tôi sẽ hoàn thành kế hoạch về xử lý nợ xấu, những nợ mà VAMC đã mua bằng trái phiếu đặc biệt, trừ những tổ chức tín dụng thuộc diện khó khăn", Tổng giám đốc VAMC Đoàn Văn Thắng nói.

Chủ tịch HĐTV VAMC Nguyễn Tiến Đông cho biết, VAMC tập trung toàn lực thực hiện các chỉ tiêu của VAMC trong giai đoạn 2019-2020, được nêu tại Quyết định 1058 về cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016-2020. Đến năm 2020, VAMC hoàn thành cơ bản về xử lý nợ xấu đã mua không tính các khoản nợ mua bằng trái phiếu đặc biệt của các tổ chức tín dụng yếu kém có thể gây rủi ro trong hệ thống.

Cùng với đó, VAMC sẽ đẩy mạnh việc mua nợ theo giá thị trường theo phương án được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt, tiếp tục mua nợ xấu thanh toán bằng trái phiếu đặc biệt theo chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước; thực hiện các chức năng, nhiệm vụ của VAMC trên cơ sở nguồn lực tài chính, năng lực thực hiện của VAMC cùng các biện pháp kiểm soát rủi ro theo quy định của pháp luật, đảm bảo an toàn tài sản của Nhà nước.

Đánh giá về VAMC, Phó Thống đốc Nguyễn Kim Anh cho rằng: Trong năm 2019, VAMC đã đóng góp vào thành công của toàn ngành ở cả 2 góc độ là tham gia xử lý nợ xấu vừa hỗ trợ cơ cấu lại tổ chức tín dụng đảm bảo hệ thống lành mạnh bền vững hơn.

Theo yêu cầu của Phó Thống đốc, trong thời kỳ nền kinh tế phát triển, vai trò của VAMC sẽ phải làm tốt mua bán nợ theo giá thị trường. Trong văn kiện Nghị quyết của ban chấp hành Trung ương cũng như quyết định của Thủ tướng Chính phủ giao cho VAMC là hạt nhân trong việc xây dựng thị trường mua bán nợ. Đặc biệt giai đoạn nền kinh tế phát triển là thời kỳ tốt nhất để VAMC đẩy mạnh mua bán nợ theo cơ chế thị trường, phát triển thị trường mua bán nợ.

“Có thể thấy cả hiện tại cũng như tương lai cần tới VAMC. VAMC đã, đang và sẽ có vai trò lớn đối với hệ thống tổ chức tín dụng nói riêng, nền kinh tế nói chung”, Phó Thống đốc khẳng định.

 An Hạ