12 đại dự án thua lỗ: "Có dự án phá sản hoặc không thể khôi phục được"
(Dân trí) - Ông Đặng Quyết Tiến, Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp (Bộ Tài chính) khẳng định 12 đại dự án thua lỗ của ngành Công thương vẫn đang được tái cơ cấu, trong đó có 4 doanh nghiệp bắt đầu sản xuất lại, 2 doanh nghiệp hoá chất có lãi. Tuy nhiên cũng có những dự án phải phá sản hoặc không khôi phục được.
Tại buổi Tọa đàm “Nâng hiệu quả doanh nghiệp Nhà nước: Minh bạch thông tin, đổi mới quản trị” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức sáng nay 18/9, ông Tiến cho biết tiến độ xử lý, khắc phục về tài chính tại 12 đại dự án thua lỗ của ngành Công Thương.
Đặc biệt, 6 doanh nghiệp đang nằm trong kế hoạch tái cơ cấu, 4 dự án đang giảm lỗ là Nhà máy đóng tàu Dung Quất, Xơ sợi Đình Vũ... 03 dự án còn đang dang dở. Dự án Gang thép Thái Nguyên đang trong quá trình tái cơ cấu lại.
Ông Tiến cho rằng, quá trình khắc phục 12 dự án thua lỗ đang được cơ cấu theo nhiều hướng khác nhau nhưng khó khăn vẫn còn phía trước và sắp tới sẽ có nhiều khó khăn hơn bởi càng để lâu càng phát sinh nhiều vấn đề.
"Có thể có dự án phá sản, có thể có dự án không thể khôi phục được", Cục trưởng Cục Tài chính doanh nghiệp, Bộ Tài chính thông báo.
Ông Tiến cho rằng, có nhiều dự án gặp khó khăn vướng mắc về pháp lý rất phức tạp, như Đạm Ninh Bình liên quan đến nhà thầu Trung Quốc hay việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) muốn dùng vốn của mình để xử lý hai dự án thua lỗ của mình là Nhà máy Đóng tàu Dung Quất và Xơ sợi Đình Vũ PVTex.
Kiến nghị của PVN, bỏ vốn vào đâu thì bỏ nhưng phải bảo toàn vốn đó và có lãi. Vấn đề hiện nay nếu PVN có bỏ vốn vào đóng tàu, liệu họ có lợi nhuận hay không bởi khi họ đang nợ nần chồng chất, không có đơn đặt hàng, sản phẩm sản xuất ra chi phí cao sẽ khiến giá bán cao hơn giá thị trường.
"Bộ Tài chính yêu cầu PVN phải đánh giá rõ khả năng hòa vốn nếu đem vốn chủ sở hữu đi khôi phục dự án. Không thể để tình trạng "lỗ mẹ chồng lỗ con" được", ông Tiến nói.
Quan điểm của Bộ Tài chính nếu có giải pháp thì có thể tham gia vào và phải theo xu thế thị trường quyết định. Ông Tiến nêu, sắp tới đây Bộ Tài chính, SCIC có thể báo cáo hàng năm lên Chính phủ, có như vậy Chính phủ mới có hướng và biện pháp xử lý kịp thời, chính xác.
Đại diện Bộ Tài chính cho rằng, hiện các doanh nghiệp nhà nước đang nắm nhiều đất đai, đây vừa là lợi thế nhưng cũng vừa là điểm yếu của họ.
"Có nhà đầu tư tư nhân quan tâm doanh nghiệp Nhà nước bởi vì các doanh nghiệp này có tiềm năng vì có đất và mỏ. Vấn đề tính đúng, đủ để bán công khai. Tuy nhiên, doanh nghiệp nước ngoài người ta quan tâm về vấn đề cổ phần hoá, kỹ năng quản trị và hiệu quả hoạt động hơn. Nếu doanh nghiệp nhà nước ỷ thế vào đất đai sẽ không thu hút được đối tác tốt và bài toán tái cơ cấu vẫn chậm chễ", ông Tiến nói.
Theo ông Phùng Văn Hùng, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội.
"12 đại dự án của ngành Công Thương, chủ trương của Đảng và Nhà nước đây là các ngành, lĩnh vực Nhà nước không cần nắm giữ. Chúng ta chỉ cần đảm bảo thu hồi vốn, bán đi là đúng đắn", ông Hùng nói.
Quan trọng nhất họ vướng vào vấn đề pháp lý, giải pháp tiếp theo là bán. Các pháp lý vướng: xác định giá, xử lý quyền sử dụng đất, xác định giá đất như nào, xử lý quan hệ với tổng thầu EPC ra sao trước khi xem xét nên cổ phần hóa hay bán.
Ông Hùng cho rằng, cần xử lý triệt để trước khi chúng ta xem là bán cho ai, nếu chúng ta chưa xử lý thì chưa thể bán được và nên bán cho tư nhân.
Nguyễn Tuyền