100 doanh nghiệp lớn nộp gần 3 tỷ USD thuế thu nhập doanh nghiệp

(Dân trí) - Trong năm 2015, 1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam đóng góp tới hơn 90.000 tỷ đồng cho ngân sách Nhà nước, trong đó, 100 doanh nghiệp đứng đầu chiếm tới 75%.

Theo số liệu thống kê của Bảng xếp hạng V1000 (1.000 doanh nghiệp nộp thuế thu nhập doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam) vừa được CTCP Báo cáo đánh giá Việt Nam (Vietnam Report) công bố sáng nay (13/10), tổng số thuế mà các doanh nghiệp V1000 đóng góp vào ngân sách Nhà nước đạt hơn 90.000 tỷ đồng, tăng khoảng 11,87% so với năm trước đó.

Con số này chiếm khoảng 10,41% tổng thu ngân sách của Nhà nước năm 2015. Trong đó, top 100 doanh nghiệp đứng đầu đã đóng góp gần 75% tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp toàn bảng xếp hạng (tức hơn 67.000 tỷ đồng hay xấp xỉ 3 tỷ USD).

Nguồn thu thuế trong năm 2015 vẫn chủ yếu dựa vào các doanh nghiệp khoáng sản, xăng dầu
Nguồn thu thuế trong năm 2015 vẫn chủ yếu dựa vào các doanh nghiệp khoáng sản, xăng dầu

Theo báo cáo, năm vừa qua, khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN) vẫn luôn là nguồn lực chủ yếu được ghi nhận đóng góp lớn vào nguồn ngân sách quốc gia. Trong Bảng xếp hạng V1000 năm 2016, các DNNN đóng góp gần 60% tổng số thuế thu nhập doanh nghiệp của toàn bảng xếp hạng, tăng lên mức đáng kể so với tỉ lệ 45% của năm 2015.

Khối doanh nghiệp tư nhân có khởi sắc nhẹ với tỷ lệ đóng góp là 27%, đáng ghi nhận sự có mặt của doanh nghiệp tư nhân trong top 5 doanh nghiệp đầu bảng (Vinamilk). Đơn vị khảo sát cho rằng, trong một tương lai không xa, sự góp mặt của các doanh nghiệp tư nhân trong top 10 của V1000 các năm tới là điều hoàn toàn khả thi.

Tuy số doanh nghiệp trong bảng xếp hạng của ngành khoáng sản, xăng dầu không nhiều nhưng lại đóng góp đến 30% tỷ trọng đóng thuế của ngân sách quốc gia. Đứng vị trí thứ hai là ngành viễn thông, tin học, công nghệ thông tin với mức tỉ trọng đạt 15% và tiếp theo là ngành tài chính với 11%.

Ngành xây dựng, vật liệu xây dựng, bất động sản mặc dù có số doanh nghiệp chiếm nhiều nhất trong bảng xếp hạng này nhưng tỷ trọng đóng góp chỉ ở mức 8% trong tổng số thuế đóng góp của V1000.

Báo cáo khảo sát cũng ghi nhận, có đến 88% doanh nghiệp phản hồi đánh giá từ tích cực đến khá tích cực về sự chuyển biến của pháp luật thuế trong khoảng thời gian này và chỉ có 1% doanh nghiệp phản hồi có phần tiêu cực. Các chính sách, văn bản Nhà nước đưa ra trong hạng mục thuế đã thuyết phục được số đông các doanh nghiệp về tiến trình cải cách thuế.

So với năm 2015, đánh giá của các doanh nghiệp đối với hệ thống thuế hiện hành của Việt Nam đã có phần khả quan hơn. Nếu như trong năm 2015, có tới 61% số doanh nghiệp mong muốn sửa đổi thêm nhiều điểm trong quy định của hệ thống thuế thì đến nay, con số đã đảo ngược lại khi 65% doanh nghiệp phản hồi rằng hệ thống thuế đã đạt tới mức tương đối ổn, không cần điều chỉnh nhiều hoặc nếu có thì chỉ cần điều chỉnh chút ít.

Chất lượng thông tin của các văn bản liên quan đến thuế đã tiếp cận trong năm 2015 và nửa đầu năm 2016 vừa qua cũng được 75% doanh nghiệp đánh giá là sẵn có, dễ tìm, hỗ trợ cho doanh nghiệp hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế.

Hiện tại có 8 sắc thuế liên quan trực tiếp tới hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp gồm thuế môn bài, thuế TNDN, thuế GTGT, thuế xuất nhập khẩu, thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế sử dụng đất, thuế tài nguyên, và các thuế khác. Theo kết quả trả lời khảo sát, có tương ứng 25% và 23% doanh nghiệp quan tâm đến vấn đề thuế thu nhập cá nhân và thuế thu nhập doanh nghiệp và cho rằng hai loại thuế này còn cần phải điều chỉnh nhiều.

Tại báo cáo này, đơn vị xếp hạng cũng cho biết, đứng trước thách thức hội nhập cùng với hàng loạt hiệp định tự do thương mại được ký kết, doanh nghiệp đang gặp phải nhiều khó khăn như dòng tiền lưu chuyển trong nền kinh tế yếu, sự trỗi dậy của các đối thủ cạnh tranh cùng ngành, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, dẫn đến đình trệ hoạt động sản xuất kinh doanh.

Nhiều doanh nghiệp cho rằng việc tiếp cận với chính sách giảm thuế là khó khăn vì khi sản xuất kinh doanh đình trệ, không có thị trường tiêu thụ hàng hóa, doanh nghiệp bị thua lỗ thì sẽ dẫn tới doanh nghiệp không có thu nhập doanh nghiệp và không nhận được hỗ trợ giảm thuế từ phía Chính phủ. Đó cũng là lý do khiến nhiều doanh nghiệp còn chậm, trễ nải trong việc thực thi nghĩa vụ nộp thuế.

Bích Diệp