10 vụ phá sản lớn nhất tại Mỹ năm 2011
(Dân trí) - Năm 2011 đã chứng kiến nhiều vụ phá sản đình đám tại Mỹ trong khắp các ngành nghề từ hàng không, viễn thông, năng lượng cho đến ngân hàng kéo theo hàng nghìn nhân viên bị mất việc.
Theo các cơ quan xếp hạng lớn như Moody's và Standard & Poor's, xu hướng phá sản sẽ còn tiếp tục trong năm 2012 do những bất ổn về tăng trưởng kinh tế toàn cầu, khủng hoảng nợ châu Âu và các chính sách tiền tệ thắt chặt.
Theo báo cáo tháng 12 của Standard & Poor's, do cầu giảm mạnh, các ngành như bán lẻ, truyền thông giải trí, dầu mỏ là những ngành chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.
Dưới đây là danh sách 10 vụ phá sản lớn nhất tại Mỹ năm 2011 do hãng tin CNBC bình chọn dựa trên số tài sản công bố trong báo cáo thường niên năm 2010 của công ty.
10. Lee Enterprises
Tài sản: 1,15 tỷ USD
Số nhân viên: 6.200
Ngày nộp đơn bảo hộ phá sản: 12/12/2011
Cũng giống như chủ sở hữu các tờ báo khác tại Mỹ, công ty thành lập năm 1890 này đã phải vật lộn với tình trạng sụt giảm doanh thu quảng cáo, số lượng phát hành và người đọc chuyển sang đọc báo trực tuyến. Và Lee Enterprises là nạn nhân mới nhất trong cuộc khủng hoảng của ngành công nghiệp báo in của nước Mỹ.
Năm 2005, để mua lại hãng xuất bản Pulitzer – mà người sáng lập của nó là Joseph Pulitzer, người đã tạo ra giải thưởng Pulitzer dành cho giới báo chí truyền thông - Lee Enterprises đã phải vay mượn rất nhiều để trả mức giá 1,5 tỷ USD. Cộng thêm ảnh hưởng nặng nề của khủng hoảng tài chính toàn cầu 2008, Lee Enterprise gặp phải vô vàn khó khăn trong việc trả nợ.
Năm 2011, suy thoái kinh tế đã càng khiến Lee Enterprise không thể hoàn trả khoản nợ đáo hạn tháng 4/2012 này. Do vậy, công ty này quyết định nộp đơn xin bảo hộ phá sản theo chương 11 của Luật Phá sản Mỹ nhằm kéo dài khoản thời hạn trả nợ cho tới năm 2015. Tuy nhiên, công ty này cho biết việc phá sản để tái cơ cấu này sẽ không ảnh hưởng gì tới việc kinh doanh và phát hành báo của mình.
9. Terrestar Corp.
Tài sản: 1,38 tỷ USD
Số nhân viên: 104
Ngày nộp đơn bảo hộ phá sản: 16/02/2011
TerreStar Corp là công ty chuyên cung cấp dịch vụ viễn thông cho các điện thoại di động mạng và vệ tinh tại Mỹ và Canada. Năm 2009, công ty này đã cho phóng một trong những vệ tinh thương mại lớn nhất thế giới với chi phí ước tính là 300 triệu USD. Công ty này cũng đã tung ra chiếc smartphone đầu tiên hoạt động trên cả băng tầng GSM/HSPA và mạng vệ tinh có tên Genus và sẽ được bán qua nhà mạng AT&T và sản phẩm hướng đến người dùng là các tổ chức chính phủ, doanh nghiệp và giới doanh nhân. Tuy nhiên, sản phẩm này đã không thực sự thu hút người sử dụng.
Công ty này đang chìm trong những khoản nợ chồng chất. Tổng số nợ của công ty con TerreStar Networks và 12 chi nhánh lên tới 1,64 tỷ USD, theo báo cáo quý của công ty gửi lên Ủy ban Giao dịch và Sàn chứng khoán Mỹ (SEC) tháng 6/2010. Tháng 2/2011, TerreStar Networks đã chính thức rút khoản kế hoạch tái cơ cấu và hiện đang được rao bán. Năm tháng sau đó, tháng 7/2011, hãng cung cấp truyền hình vệ tinh Dish Network đã mua lại TerreStar Networks với giá 1,38 tỷ USD.
8. Borders Group
Tài sản: 1,43 tỷ USD
Số nhân viên: 19.500
Ngày nộp đơn bảo hộ phá sản: 16/02/2011
Borders cũng đã cố gắng mở rộng hoạt động của mình trên thị trường trực tuyến. Tuy nhiên, trang web ra đời năm 2008 của công ty này đã không thu hút được sự chú ý như của Barnes & Noble và trang bán lẻ trực tuyến Amazon.com.
Những nỗ lực cải cắt giảm chi phí và thúc đẩy doanh số bằng cách đóng cửa các cửa hàng đem lại ít lợi nhuận và tân trang trang web của Borders vẫn không thể giúp công ty này thoát khỏi khoản nợ 1,3 tỷ USD. Do vậy, công ty này quyết định nộp đơn xin bảo hộ phá sản hồi tháng 2/2011.
Borders hiện đang tiến hành thanh lý số tài sản còn lại bao gồm các cửa hàng bán lẻ, các hợp đồng cho thuê cửa hàng cũng như quyền sở hữu trí tuệ. Công ty Barnes & Noble đã mua lại danh sách khách hàng của Borders và trang web Borders.com nhằm nắm giữ đa số cổ phần tại công ty này.
7. General Maritime Corp
Tài sản: 1,78 tỷ USD
Số nhân viên: 1.137
Ngày nộp đơn bảo hộ phá sản: 17/11/2011
Đầu năm 2010, General Maritime đã vay 620 triệu USD để mua thêm 7 thuyền chở dầu khi ngành công nghiệp vận tải dầu mỏ đang có dấu hiệu phục hồi. Tuy nhiên, thời điểm những con tàu này được giao đến, sự phục hồi bắt đầu chững lại buộc General Maritime phải thực hiện các biện pháp thắt chặt. Công ty này cũng tiến hành cắt giảm chi phí và tìm kiếm nhà đầu tư để xử lý khoản nợ trên. Tuy nhiên số vốn huy động được chỉ là 200 triệu USD là không đủ, khiến công ty này buộc phải nộp đơn xin bảo hộ phá sản hồi tháng 11/2011.
Sau đó, công ty đầu tư Oaktree Capital đã đồng ý đầu tư 175 triệu USD vào công ty và một tập đoàn thuộc Nordea Bank Finland cũng thỏa thuận hỗ trợ tài chính cho General Maritime 100 triệu USD nhằm giúp công ty này tái cơ cấu. Những hỗ trợ này sẽ giúp giảm gánh nặng nợ nần, tăng khả năng thành khoản và bảo đảm việc làm cho hơn 1.000 nhân viên của General Maritime.
6. Integra Bank Corp.
Tài sản: 2,42 tỷ USD
Số nhân viên: 500
Ngày nộp đơn bảo hộ phá sản: 30/7/2011
Ngân hàng này đã nỗ lực tăng tỷ lệ vốn bằng cách bán đi những chi nhánh tại các vùng hẻo lánh và cố gắng trả nợ. Tuy nhiên những nỗ lực này đã không thành công, buộc ngân hàng này phải bán tài sản và tài khoản tiền gửi của mình cho đối thủ là Old National Bank.
5. NewPage Corp
Tài sản: 3,51 tỷ USD
Số nhân viên: 6.000
Ngày nộp đơn bảo hộ phá sản: 7/9/2011
4. PMI Group
Tài sản: 4,21 tỷ USD
Số nhân viên: 700
Ngày nộp đơn bảo hộ phá sản: 23/11/2011
Hai tháng sau đó, PMI Mortgage Insurance và PMI Insurance đã bị Cơ quan bảo hiểm của chính quyền bang thu giữ do tình trạng tài chính tê liệt của công ty. Công ty mẹ là PMI Group đã đưa vụ việc ra tòa và cho rằng 2 tỷ USD tiền mặt và các khoản đầu tư của mình đủ để thanh toán các hợp đồng bảo hiểm cho đến tháng 12 năm 2013. Tuy nhiên, tòa án cho rằng các công ty con của PMI đang mất khả năng thanh toán. Tính đến tháng 6/2011, hãng bảo hiểm này đã có 16 quý thua lỗ liên tiếp.
3. Dynegy Holdings
Tài sản: 9,95 tỷ USD
Số nhân viên: 1.650
Ngày nộp đơn bảo hộ phá sản: 7/11/2011
Kế hoạch tái cơ cấu theo chương 11 Luật Phá sản Mỹ được kỳ vọng sẽ giúp công ty này thoát khỏi nợ nần và tái cấu trúc những hợp đồng thuê nhà máy đắt đỏ của mình. Tuy nhiên, kế hoạch này vẫn chưa được tòa án thông qua.
2. AMR Corp
Tài sản: 25,09 tỷ USD
Số nhân viên: 78.250
Ngày nộp đơn bảo hộ phá sản: 29/11/2011
Trong báo cáo thường niên năm 2010, American Airlines ước tính chi phí lao động hàng năm của hãng lớn hơn so với các đối thủ tới 600 triệu USD. Hãng này đang phải trả lương hưu cho 130.000 nhân viên với số tiền lên tới 10 tỷ USD. Cuối tháng 11 vừa rồi, theo gót các đối thủ như United Airlines và Delta Air Lines, American Airline đã đệ đơn xin bảo hộ phá sản và coi đây là cơ hội để tái cơ cấu các hợp đồng lao động của mình.
Để tái cơ cấu theo chương 11 Luật phá sản, American Airlines sẽ tiến hành tái cơ cấu nợ và các hợp đồng cho thuê máy bay cũng như hủy các đường bay ít lợi nhuận. Hãng này cũng sẽ cắt giảm lao động và mua 32 chiếc Boeing mới nhằm nâng cấp đội bay và tăng sức cạnh tranh.
1. MF Global Holdings
Tài sản: 40,54 tỷ USD
Số nhân viên: 2.850
Ngày nộp đơn bảo hộ phá sản: 31/10/2011
Công ty 200 tuổi này đã liều lĩnh đầu tư vào trái phiếu chính phủ châu Âu và đã trở thành nạn nhân đầu tiên của cuộc khủng hoảng nợ công châu Âu. Theo báo cáo kết quả kinh doanh hàng quý công bố hôm 25/10, MF Global bị thua lỗ tới 191,6 triệu USD do đầu tư quá nhiều vào các khoản nợ xấu tại các quốc gia châu Âu. Cuối tháng 10/2011, công ty này đã nộp đơn xin phá sản và hiện đang thanh lý tài sản trên toàn thế giới. Vụ phá sản cũng khiến cho toàn bộ 1.066 nhân viên của công ty bị sa thải hồi đầu tháng 11.
Ngọc Trang
Theo CNBC