10 công trình “để đời” làm thay đổi diện mạo Hà Nội

(Dân trí) - Có thể kể đến Tòa nhà Quốc hội, Đường 5 kéo dài, cầu Đông Trù, cầu Nhật Tân, Đại lộ Võ Nguyên Giáp, Nhà ga hành khách T2…

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: 

* Xe sang “luận kiếm”

* Đến lượt bầu Long cũng “nhảy” vào làm nông!

* Đầu năm thăm khu vườn tiền tỷ của chàng trai đặc biệt

* Lách ‘cửa hẹp’ vươn lên đẳng cấp quốc tế

* "Mở hàng" gần 6.500 ô tô nhập khẩu nguyên chiếc trong tháng 1

* Bộ trưởng Thăng: Dự án chậm tiến độ, không thể vị nể nhà thầu!

Theo đánh giá của Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hà Nội, năm 2014, mặc dù trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức, nhiều công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị lớn, quan trọng do Trung ương và thành phố đầu tư vẫn được khánh thành và đưa vào sử dụng.
 
Đây đều là những công trình lớn, có thể kể đến Tòa nhà Quốc hội, Đường 5 kéo dài, cầu Đông Trù, cầu Nhật Tân, Đại lộ Võ Nguyên Giáp, Nhà ga hành khách T2…
 
Dưới đây là 10 công trình mang dấu ấn trên địa bàn Thủ đô trong năm 2014 được Cổng Giao tiếp Điện tử Hà Nội giới thiệu:
 
1. Tòa nhà Quốc Hội:
 
10 công trình “để đời” của Hà Nội trong năm qua
 
Đây là công trình hiện đại với 5 tầng nổi, cao 39 m, tổng diện tích sàn 60.000 m2, có kiến trúc hình vuông trong khuôn viên khu di tích Hoàng thành Thăng Long. Đáng chú ý, đây là công trình công sở lớn đầu tiên thuộc khối cơ quan Trung ương được xây dựng mới từ sau 1975. Tòa nhà có khu vực đỗ ôtô ngầm quy mô 3 tầng hầm với sức chứa hơn 500 chiếc, diện tích trên 17.000 m2.
 
Tòa nhà được hoàn thành vào dịp đầu tháng 10/2014 vừa qua, đã kịp thời phục vụ kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa 13.
 
2. Cao tốc Hà Nội - Lào Cai:
 
10 công trình “để đời” của Hà Nội trong năm qua
 
Dự án chính thức được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng phát lệnh thông xe ngày 21/9/2014. Đây là tuyến cao tốc dài nhất và hiện đại nhất Việt Nam.
 
Tuyến cao tốc Hà Nội - Lào Cai có tổng vốn đầu tư gần 1,5 tỷ USD, dài 245km đi qua năm tỉnh thành là Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai. Với chiều dài kỷ lục, tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai có 120 cây cầu lớn nhỏ, một hầm chui, đào đắp hơn 100 triệu m3 đất đá và hoàn thành sau 5 năm triển khai. Tuyến đường được khai thác sẽ rút ngắn thời gian đi lại suốt tuyến từ 7 giờ trước đây xuống còn 3,5 giờ.
 
Dự án này được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A. Đoạn từ Hà Nội đi Yên Bái có 4 làn, 2 làn dừng khẩn cấp với tốc độ thiết kế 100km/h và đoạn từ Yên Bái đi Lào Cai có 2 làn xe, 2 làn dừng khẩn cấp, tốc độ thiết kế 80 km/h. Tuyến cao tốc Nội Bài - Lào Cai cũng đang giữ kỷ lục về suất đầu tư hiệu quả nhất. Với tổng mức đầu tư hơn 1,46 tỷ USD, suất đầu tư của dự án chỉ vào khoảng 6 triệu USD/km đường cao tốc, thuộc loại thấp nhất hiện nay.
 
3. Cầu Đông Trù và đường 5 kéo dài:
 
Lễ thông xe cầu Đồng Trù và đường 5 kéo dài
Lễ thông xe cầu Đồng Trù và đường 5 kéo dài
 
Cầu Đông Trù dài 1,1 km bắc qua sông Đuống, mặt cắt rộng 55 m với 8 làn xe. Ngoài hệ thống đường dẫn hai đầu, cầu gồm 3 nhịp chính trong đó 2 nhịp biên dài 80m và nhịp giữa sông dài 120m được áp dụng công nghệ mới là cầu vòm ống thép nhồi bê tông, lần đầu tiên ở khu vực Đông Nam Á. Đây là gói thầu quan trọng nhất của toàn dự án đường 5 kéo dài với tổng giá trị là 882 tỷ đồng, do 3 tổng công ty lớn của Bộ Giao thông Vận tải tham gia xây dựng là Cienco 1, Cieanco 4 và Tổng công ty Xây dựng Thăng Long.
 
Dự án đường 5 kéo dài được khởi công từ năm 2005, dài 13,3 km, mặt cắt ngang nền đường từ 65 m tới 68,5 m. Tuyến đường bắt đầu từ khu đô thị Bắc Thăng Long - Vân Trì, chạy dọc theo các xã Kim Nỗ, Vĩnh Ngọc và Xuân Canh (huyện Đông Anh), giao với Quốc lộ 3 sau đó vượt qua sông Đuống và kéo dài tới cầu Chui (quận Long Biên). Với tổng mức đầu tư là 6.661 tỷ đồng, tuyến đường được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cấp I, tốc độ 80 km/h.
 
Dự án được khánh thành ngày 9/10/2014 và là một trong 37 dự án giao thông trọng điểm của TP Hà Nội giai đoạn 2011-2015. Sau khi được thông xe, đường 5 kéo dài góp phần hoàn thiện đường vành đai 2 phía bắc Hà Nội, thúc đẩy phát triển các khu công nghiệp, khu đô thị như Bắc Thăng Long - Vân Trì, Đông Anh - Cổ Loa, Gia Lâm - Sài Đồng. Tuyến đường này hoàn thành sẽ kết nối hạ tầng giao thông tại khu vực bắc Hà Nội gồm đường 5 kéo dài, cầu Nhật Tân và đường nối từ sân bay Nội Bài đến cầu Nhật Tân, tạo nên giao thông đồng bộ trục vành đai 2. Phương tiện đi từ Hải Phòng sẽ dễ dàng đến thẳng sân bay Nội Bài.
 
4. Cầu Vĩnh Thịnh:
 
Lễ thông xe cầu Đồng Trù và đường 5 kéo dài
 
Khởi công từ tháng 12/2011, cầu Vĩnh Thịnh bắc qua sông Hồng, nối liền thị xã Sơn Tây (Hà Nội) với xã Vĩnh Thịnh (huyện Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc) được khánh thành ngày 8/6/2014. Với kết cấu bê tông cốt thép dự ứng lực, chiều dài 5,4 km, đây là cầu vượt sông dài nhất Việt Nam, có tổng mức đầu tư 137 triệu USD từ nguồn vốn vay ODA của Hàn Quốc và vốn đối ứng của Việt Nam.
 
Theo quy hoạch, Cầu Vĩnh Thịnh kết nối 2 trục hướng tâm quốc lộ 32 và quốc lộ 2, cao tốc Nội Bài - Lào Cai tạo thành một hệ thống giao thông hoàn chỉnh, kết nối trung tâm thủ đô với các tỉnh phía tây bắc như Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Lào Cai, Yên Bái, Tuyên Quang; đồng thời, giảm áp lực giao thông cho các trục đường hướng tâm như Quốc lộ 2, Quốc lộ 3, Quốc lộ 6 và Quốc lộ 32 khi lưu thông qua trung tâm Thành phố Hà Nội đi các tỉnh phía Nam và ngược lại.
 
Đây cũng là cầu kết nối chuỗi các đô thị vệ tinh, các khu công nghệ cao, các điểm du lịch góp một phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế xã hội và các mặt văn hóa du lịch của Thủ đô Hà Nội.
 
5. Nhà ga T2 sân bay Nội Bài:
 
Lễ thông xe cầu Đồng Trù và đường 5 kéo dài
 
Đây là công trình nhà ga hành khách quốc tế hiện đại nhất Việt Nam khởi công xây dựng từ tháng 2/2012 với tổng số vốn gần 900 triệu USD, tương đương gần 18.000 tỷ đồng trong đó vốn ODA Nhật Bản khoảng 691 triệu USD, tương đương hơn 13.000 tỷ đồng.
 
Nhà ga hành khách quốc tế T2 Nội Bài có kiến trúc hiện đại theo mô hình dạng cánh với ý tưởng hài hòa với thiên nhiên, tận dụng tối đa ánh sáng tự nhiên, tiết kiệm năng lượng. Nhà ga được đầu tư hệ thống thiết bị, dây chuyền công nghệ hàng không tiên tiến theo tiêu chuẩn quốc tế, công suất 10 triệu hành khách/năm và có khả năng mở rộng lên 15 triệu hành khách/năm.
 
Nhà ga có 4 tầng (không kể tầng hầm dùng làm hệ thống đường ống kỹ thuật và đường công vụ), tổng diện tích 139.216m2. Nhà ga gồm toà nhà chính (trung tâm) và 2 cánh với kích thước cụ thể: chiều dài toàn bộ nhà ga là 996m, chiều dài phần nhà ga chính (180m), chiều sâu nhà ga (132m), chiều rộng cánh (24m).
 
Ngoài ra Nhà ga hành khách T2 được trang bị đầy đủ hệ thống kỹ thuật hàng không chuyên dụng hiện đại, tiên tiến như: Hệ thống xử lý hành lý (BHS) gồm phòng điểu khiển Trung tâm và 04 hệ thống con; Hệ thống an ninh sân bay (ASS) có 5 cấp độ soi chiếu, bao gồm cả cấp độ tự động dò tìm, phát hiện chất nổ; Hệ thống cầu hành khách (PBB) gồm 14 cầu kết nối với các hệ thống: Dẫn đỗ tầu bay VDGS, quản lý tòa nhà BMS, thông tin chuyến bay FIDS. Dự án được khánh thành ngày 4/1/2015 (13/11/2014 âm lịch).
 
6. Tuyến đường liên tỉnh Hà Nội - Hưng Yên (đoạn 4,2 km):
 
Lễ thông xe cầu Đồng Trù và đường 5 kéo dài
 
Được khánh thành ngày 19/8/2014, đây là Dự án nằm trong tuyến dài 21 km được triển khai theo hình thức hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT), với quy mô chiều rộng 40 m, 6 làn xe chạy, tốc độ tối đa 80 km/h, thực hiện trong vòng 4 năm. Tuyến đường này đi qua khu đô thị Ecopark, trung tâm huyện lỵ Văn Giang, Khoái Châu và kết nối Hà Nội - Hưng Yên. Tổng vốn đầu tư cho toàn tuyến là gần 2.100 tỷ đồng.
 
Dự án được đầu tư thực hiện theo chủ trương của Chính phủ từ những năm 2000 để đồng bộ mạng lưới hạ tầng của thủ đô Hà Nội với các tỉnh lân cận, góp phần lớn trong việc giảm tải cho Quốc lộ 5 và phục vụ chủ trương giãn dân trong khu vực nội thành Hà Nội.
 
Dự án sẽ tạo động lực cho sự phát triển của 7 tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và là cơ sở thu hút các nhà đầu tư trong nhiều lĩnh vực như công nghiệp, thương mại và du lịch.
 
7. Tòa nhà Lotte:
 
Lễ thông xe cầu Đồng Trù và đường 5 kéo dài
 
Tọa lạc trên khu đất có vị trí khá đắc địa tại quận Ba Đình với 2 mặt đường Liễu Giai và Đào Tấn, Lotte Center Hà Nội là phức hợp bao gồm khu trung tâm thương mại, khách sạn, văn phòng, căn hộ và đài quan sát cao thứ 2 Việt Nam sau tòa nhà Keangnam.
 
Dự án có tổng diện tích sàn lên đến 247.075m2, gồm 5 tầng hầm, 65 tầng nổi với độ cao 267m. Lotte Center lấy cảm hứng từ tà áo dài của Việt Nam, sử dụng bê tông lâu khô, được nén với cường độ cao để giảm thiểu kích thước kết cấu...
 
Khởi công ngày 22/10/2009, tòa tháp 65 tầng với chiều cao 267m được khánh thành dịp 2/9/2014 sau hơn 6 triệu giờ thi công, Lotte Center Hà Nội vượt Bitexco Financial Tower (Sài Gòn) để chiếm vị trí cao thứ nhì Việt Nam, sau tháp Hanoi Landmark Tower (Keangnam - 336m).
 
Đây là công trình đầu tiên và duy nhất tại Đông Nam Á nằm trong tổng thể thiết kế Đài quan sát trên tầng 65 của tòa nhà, mở ra một tầm nhìn bao quát và trọn vẹn thủ đô Hà Nội.
 
8. Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông:
 
Lễ thông xe cầu Đồng Trù và đường 5 kéo dài
 
Được khánh thành và chính thức đưa vào hoạt động ngày 1/10/2014, Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông và thiết bị ngoại vi là dự án nằm trong chương trình thực hiện mục tiêu chống ùn tắc giao thông của TP Hà Nội giai đoạn 2012-2015, với tổng mức đầu tư hơn 231 tỷ đồng.
 
Trung tâm điều khiển đèn tín hiệu giao thông có khả năng kiểm soát, điều khiển linh hoạt tất cả các nút đèn tín hiệu giao thông từ trung tâm, tự động điều khiển chu kỳ đèn tín hiệu phù hợp với lượng phương tiện trong từng thời điểm.
 
“Với hệ thống trang thiết bị hiện đại gồm 450 camera quan sát, đo đếm lưu lượng và giám sát xử lý vi phạm sẽ giúp lực lượng CSGT xử lý các vi phạm qua hình ảnh, từng bước nâng cao ý thức chấp hành Luật Giao thông cho người tham gia giao thông”. Ngoài ra, hệ thống có khả năng lưu lưu trữ hình ảnh trong thời gian khoảng hai tuần sẽ giúp cho việc phát hiện và đấu tranh phòng chống các loại tội phạm như: gây tai nạn bỏ chạy, cướp giật,... góp phần đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
 
9. Cầu Nhật Tân:
 
Lễ thông xe cầu Đồng Trù và đường 5 kéo dài
 
Cầu Nhật Tân là một phần trong tổng dự án đường vành đai 2 - tuyến giao thông đường bộ nội đô khép kín của Hà Nội dài là 43,6 km,.đây là cây cầu dây văng dài nhất Việt Nam và cũng là 1 trong 3 cầu trên thế giới có 5 nhịp cầu dây văng liên tục.
 
Dự án xây dựng cầu Nhật Tân và đường hai đầu cầu có tổng chiều dài 8,93 km với quy mô 8 làn xe chạy, trong đó phần cầu chính theo phương án cầu dây văng liên tục 5 trụ tháp dài khoảng 3,75km, đường 2 đầu cầu dài khoảng 5,2km, mặt cắt ngang rộng 33,2m. Tổng mức đầu tư của cầu Nhật Tân là hơn 13.600 tỷ đồng.
 
10. Ba tuyến đường mang tên các danh nhân họ Võ:
 
Đường Võ Nguyên Giáp
Đường Võ Nguyên Giáp
 
Ngày 7/2/2014 (tức 19/12/2014), TP Hà Nội đã tổ chức lễ gắn biển đường, phố mang tên 3 danh nhân họ Võ là: Võ Chí Công, Võ Văn Kiệt, Võ Nguyên Giáp.
 
Đường Võ Chí Công dài 4,25km, rộng 57,5 - 64,5m, bắt đầu từ phía Nam cầu Nhật Tân, đi qua phường Phú Thượng, Xuân La (quận Tây Hồ), phường Nghĩa Đô (Cầu Giấy) đến giao cắt với đường Hoàng Quốc Việt.
 
Đường Võ Văn Kiệt dài 12km, rộng 23m, bắt đầu từ phía Bắc cầu Thăng Long đến sân bay Nội Bài, đi qua địa phận huyện Đông Anh, Mê Linh và Sóc Sơn. Tuyến đường mang tên Đại tướng Võ Nguyên Giáp dài 10,5km, rộng 70-100m, từ phía Bắc cầu Nhật Tân đến điểm giao cắt giữa đường dẫn nút giao phía Nam QL 18, đi qua huyện Đông Anh và Sóc Sơn.
 
Đường Võ Văn Kiệt
Đường Võ Văn Kiệt
 
Việc Thành phố Hà Nội đặt tên đường phố mang tên các đồng chí Võ Chí Công, Võ Văn Kiệt, Võ Nguyên Giáp thể hiện sự tôn vinh, lòng tri ân đối với những cống hiến to lớn của các danh nhân, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho thế hệ hôm nay và mai sau.
 
Đường Võ Chí Công
Đường Võ Chí Công

Bích Diệp

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”