Xuân quê trong lòng người xa xứ

(Dân trí) - Suốt mấy thập niên của thế kỷ XX, đất nước Việt Nam oằn mình trong các cuộc chiến tranh. Nhưng thuần phong mỹ tục vững chãi của người Việt giúp cho Tổ quốc Việt Nam không bị rơi vào sự mất gốc như một số quốc gia khác.

Xa nhà từ bao nhiêu năm dài đằng đẳng, người Việt hải ngoại đều mang một nỗi day dứt khôn nguôi. Nhớ bập bùng bếp lửa nồi bánh chưng, nhớ hoa mai vàng rực một góc phố chợ hoa, nhớ cả nét cười bẻn lẽn của các cô gái trẻ du xuân, e ấp nép vào những hàng cúc đại đóa hay thược dược đủ màu. "Xuân Quê Hương", lời mời gọi vừa thân thiết vừa trân trọng, chỉ gọn trong ba chữ mà Sứ quán Việt Nam gửi cho chúng tôi như đã tải hơi ấm của Tết đoàn tụ gia đình với những người con xa xứ. 

Người gìn giữ gia phong cho người Việt

Bước vào mỗi căn nhà Việt Nam trong 3 ngày Tết, ta luôn thấy ánh nến lung linh và hương trầm ngạt ngào trên bàn thờ gia tiên uy nghi. Cho dù chủ nhân có bận rộn hay vất vả đến đâu chăng nữa thì tối thiểu nhà cửa cũng phải được dọn dẹp sạch sẽ để cả gia đình có thể cùng nhau đón thời khắc giao thừa thiêng liêng, phút giao hòa của trời đất một cách trang trọng.

Người mẹ - sau một tuần dọn dẹp rốt ráo, từ ngày đưa ông Táo về trời 23 tháng Chạp và cũng là sau một năm dành dụm chắt chiu, cẩn thận soạn bày hai mâm cỗ cúng với một tâm trạng thành khẩn, với những ước mong trân trọng cho con cái và gia đình sẽ nhờ sự thành tâm của mẹ mà sẽ có được 365 ngày tràn đầy hạnh phúc. Dù mất công khó nhọc chuẩn bị, bà vẫn tỏ ra kính nhường khi mời cha hoặc chồng đứng ra làm người dẫn đầu gia đình thi lễ và khấn bái. Khi tàn nhang hạ cỗ, đôi đũa gắp đầu tiên vào đĩa thức ăn cũng lại là của người đàn ông chủ gia đình.

Hồi mới lớn, tôi cứ thắc mắc tự hỏi ngầm trong thâm tâm mình là "Sao ba ăn hiếp má dữ ha?!". Nhưng bây giờ sống giữa xã hội Tây Âu, tôi lại thấy mình cũng đang lặng lẽ sao chép những cử chỉ thành kính của mẹ tôi ngày xưa và mới chợt hiểu ra rằng bà làm như thế vì muốn dùng hình ảnh của mình để giáo dục con cháu về ý nghĩa của sự thành kính trong gia phong của người Việt. Phải mất gần 40 năm, tôi mới nhận thấy hình ảnh cao quý của bà mẹ Việt Nam trong cách ứng xử này và buồn thay, tôi lại nhận thức ý nghĩa  sâu xa này nhờ vào những lần tiếp xúc với tác phong feminist của nữ quyền thời đại mới!

Da diết nét văn hóa cổ Truyền

Chỉ hai chữ Giao Thừa cũng đủ gợi nhớ biết bao hương vị quê hương. Đó là mùi nhang trầm tỏa khói trên bàn thờ gia tiên, là tiếng rủ nhau đi lễ râm ran ngoài ngõ tối, là tiếng chuông rộn ràng khắp tám phương bốn hướng và những câu chúc Tết đầu tiên trong năm của người con trưởng đưa chúng ta bước vào một năm mới đầy ước vọng.

Sáng mùng một, tuy đã lớn, nhưng tôi vẫn háo hức đón chờ  nụ cười hiền từ của cha tôi và những lời cầu của ông với tiên tổ mong phù hộ cho chúng tôi một năm mới tốt lành, phát đạt. Và càng rộn ràng hơn khi nghe những tiếng cười rộn rã cùng vẻ mặt hớn hở của lũ trẻ khi chúng nhận phong bao đỏ lì xì. Và lại thêm một lần nữa, tôi tự hỏi đó là cổ tục hay hủ tục khi mà cha mẹ tôi kể câu chuyện mất quý vật vì quét nhà trong ba ngày đầu năm? Rồi việc cấm chúng tôi không được làm việc nhà mà phải ráng vui chơi cho trọn ba ngày Tết. Và cứ thế, nỗi nhớ quê hương của tôi là cả một niềm da diết về những nét văn hóa truyền thống của dân tộc mà ngày còn bé cứ tưởng như đó là một lẽ rất tự nhiên của xã hội Việt Nam.

Cầu xin điều tốt lành cho mỗi căn nhà Việt

Cứ thế đó mỗi một độ xuân đến, mỗi một dịp Tết về, chúng tôi, những người con xa xứ lại bùi ngùi cùng nhau tổ chức những bữa tiệc xuân nhưng bao giờ cũng vậy, luôn thiếu cái hương vị tưng bừng của ngày tết quê hương ở miền đất xa xôi này. Chúng tôi tự hứa với chính mình bằng mọi giá phải giữ cho được những nét đẹp truyền thống của Văn hóa Việt Nam.

Nhưng nói thì dễ mà làm thì không dễ chút nào. Chẳng hạn như rất nhiều người bạn đồng hương của tôi đã lúng túng khi con cái hỏi họ những câu hỏi tưởng chừng rất đơn giản như "Tại sao lại gọi là Tết?", "Tại sao lại phải gói bánh chưng cho ngày Tết?", "Tại sao con cháu phải về chúc tết ông bà?"...

Hôm trước, chúng tôi nhận được thư từ Sứ Quán mời về dự Chương trình Xuân quê hương 2010 tại Thủ đô Hà Nội. Một lời mời ngắn ngủi nhưng hấp dẫn mà tôi tin rằng bất kỳ ai trong chúng tôi, dù có về tham dự được hay không, tấm lòng đều hướng về nơi quê cha đất tổ. Với tất cả những ước mong rộn rã trong tâm tưởng, bằng những lời lẽ chân thành nhất, chúng tôi cùng cầu cho một năm mới thật tốt đẹp, những điều tốt lành sẽ đến gõ cửa mỗi căn nhà Việt Nam thân yêu.                 .

Fredda Laight (Canada)