Tiểu thương người Việt ở Nga: quá khứ, hiện tại và tương lai

Người Việt ở Nga có đến 70-80 ngàn, phần lớn ở thành phố lớn. Vì cuộc mưu sinh, họ chấp nhận xa quê, làm đủ các nghề, nhiều nhất là buôn bán. Hình thành từ mô hình “Ốp – chợ”, với bề dày hơn 20 năm, “nghề buôn” của người Việt tại Nga có đủ thăng trầm.

Quá khứ là kinh nghiệm

Khởi thủy nghề buôn của người Việt ở Nga (Liên Xô cũ) chỉ là bán mấy thứ từ Việt Nam mang sang như quần bò, áo phông, son phấn... Mỗi người được sang Nga đều gắng mang theo một ít hàng để sang bán lấy tiền mua sắm đồ đạc gửi về nhà. Thời kỳ này nhiều người Việt Nam hai tay xách hai túi hàng đến ga Metro, trải tấm nilông bày hàng ra bán, chỉ trong vòng vài tiếng đồng hồ đến trưa là đã bán hết sạch hàng. Thế rồi phát triển dần lên mua được xe ôtô chở hàng, người Việt nâng cấp lên đã có cái bàn để đứng bày hàng và chợ Việt Nam bắt đầu hình thành từ đây. Với kiểu làm ăn này, người Việt cũng có của ăn, của để. Đây là "thời hoàng kim” của người Việt tại Nga.

Khi đó là thời chuyển giao chính quyền tại Nga, luật pháp mới chưa có, thị trường thì vẫn là mô hình kinh tế cũ, sản xuất và phân phối theo kế hoạch, cho nên xã hội luôn luôn thiếu hàng hóa, cung không đủ cầu. Người dân có nhiều tiền cũng không mua được hàng hóa.

Một góc chợ của người Việt tại Nga


Một góc chợ của người Việt tại Nga

Hiện tại là vận lộn làm ăn

Vừa qua chúng ta cũng đã chứng kiến khủng hoảng kinh tế thế giới gây hậu quả nghiêm trọng như thế nào. Nó làm cho bao nhiêu công ty phá sản, hàng triệu người không có công ăn việc làm, sức mua của xã hội giảm sút nhanh chóng. Khủng hoảng kinh tế đã ảnh hưởng ghê gớm đến cộng đồng người Việt Nam tại Nga và một số nước Châu Âu khác, nhiều gia đình không dám mở rộng kinh doanh như việc vợ đứng bán, chồng chạy hàng và ngược lại, nhiều đôi vợ chồng phải gửi con về Việt Nam nhờ ông bà nuôi, hai người ở lại “chiến đấu” tiếp, còn có nhiều gia đình khác bế tắc trong cuộc sống, trong kinh doanh, không tìm ra lối thoát phải kéo nhau về Việt Nam sinh sống.

Đồng thời bắt đầu vào thế kỷ 21, nền chính trị của nước Nga ổn định, hệ thống pháp luật được kiện toàn. Điển hình là việc đóng cửa chợ Vòm vào tháng 6/2009, chợ Emeral và Luzhniki năm 2010, từ tháng 7/2012 đóng cửa hầu như gần hết các chợ tạm ngoài trời trên địa bàn Mátxcơva. Trong khi ở một số chợ Liublino, Sadavod, thậm chí cả Dubrovka, từ chủ nhỏ đến chủ lớn người Việt đều chóng mặt vì mỗi ngày thuế chợ một tăng. Tất cả những áp lực này đã gây nhiều xáo trộn đối với hoạt động buôn bán của người Việt. Phải đến lúc này thì cộng đồng người Việt ở Mátxcơva mới cảm nhận rằng lần này Chính phủ Nga “ nói là làm” và “làm thật”. Đây là thời gian khó khăn nhất của người Việt Nam: hiệu suất kinh doanh thấp, cạnh tranh khốc liệt, người mua thì ít, người bán thì nhiều, người bán hàng lại thường xuyên bị các cơ quan chính quyền kiểm tra về quy chế cư trú, các cơ sở kinh doanh bị đình chỉ hoạt động do không có đủ các điều kiện về an ninh, phòng cháy chữa cháy, vệ sinh...

Một nước Nga có một nền kinh tế chuyển dần sang cơ chế thị trường, tuy còn nhiều bất cập, nhưng báo hiệu một nền kinh tế hàng hóa sẽ phát triển. Giai đoạn này cũng là giai đoạn các công ty đa quốc gia xâm chiếm ồ ạt thị trường Nga. Chỉ trong vòng một thời gian ngắn, các hệ thống bán lẻ, các siêu thị, đại siêu thị, các trung tâm buôn bán lớn phát triển, trải rộng từ thành phố đến nông thôn. Trong khi đó người Việt vẫn trung thành với tư duy làm ăn cũ, vẫn bám chợ mặc dù dân Nga bây giờ đã hoàn toàn thay đổi phong cách mua hàng so với những năm trước đây. Người tiêu dùng Nga ngoài vấn đề giá, đã quan tâm nhiều hơn đến thương hiệu hàng hóa, chất lượng phục vụ, bảo vệ quyền lợi… Mặc dù chúng ta cũng đã có thay đổi nhưng quá ít so với sự thay đổi của xã hội và phát triển nhanh của thị trường Nga hiện tại.

Tại sao như vậy? Có phải là chúng ta không có tiềm năng? Chúng ta đã có tiềm năng vì đã làm ăn thành công ở giai đoạn 1990-2000, cái chính là chúng ta chưa nghĩ ra, không nghĩ lâu dài, hoặc sợ đầu tư tiếp... Bây giờ làm sao đây? Trả lời câu hỏi này buộc chúng ta phải đi tìm cách thức làm ăn mới.

Tương lai là ở chính mình

Tương lai thị trường Nga sẽ như thế nào, khi các tập đoàn bán lẻ vẫn tiếp tục nhảy vào đầu tư và chiếm lĩnh thị trường? Hiện nay, từ thành phố đến nông thôn, chỗ nào có dân thì có các tập đoàn này, chỗ đông dân thì xây to theo mô hình đại siêu thị, chỗ ít dân thì xây bé theo mô hình cửa hàng tiện ích, chỗ dân giàu thì bán hàng cao cấp, đắt tiền, chỗ dân nghèo thì có cửa hàng giảm giá thích ứng với mọi hoàn cảnh và mọi nhu cầu. Các tập đoàn này cung cấp tất cả những nhu cầu cần thiết cho mọi người dân.

Các cơ quan thông tin đại chúng đưa ra những con số phát triển kinh tế và thu nhập quốc dân Nga tăng hàng năm, mức lương tối thiểu luôn được tăng cao và tăng đều theo sự phát triển kinh tế. Như vậy, dân Nga không phải là nghèo mà chúng ta nghèo suy nghĩ, không chịu bám theo dân mà bán hàng. Dân Nga bây giờ đã hoàn toàn thay đổi phong cách mua hàng so với những năm trước đây. Nhiều lúc hàng rẻ, chất lượng tốt chưa chắc đã có người mua, hoặc đem hàng cho người ta mà không giới thiệu người ta cũng không lấy. Trên thị trường hiện nay, hàng hóa đầy rẫy cho nên khách hàng luôn cần một tên, một địa chỉ, một nội dung tin cậy để bảo hành. Xã hội càng phát triển thì càng có nhiều gia đình giàu có, đời sống cao, nên sức tiêu thụ hàng hóa càng lớn.

Trong khi đó vì vô vàn lý do khác nhau cũng rất ít người Việt ở Nga có quyết định sẽ chia tay xứ sở bạch dương. Thậm chí rất nhiều người tuy đã rời nước Nga nhưng vẫn mang theo hy vọng sẽ quay trở lại. Đại đa số vẫn đang chờ đợi một điều gì đó mơ hồ…

Như các bậc tiền nhân đã nói “cái khó ló cái khôn”, nếu người Việt chịu khó liên kết với nhau thì vẫn có thể tìm ra những hình thức kinh doanh phù hợp, hiệu quả mà không nhất thiết bán hàng trực tiếp. Nếu có ý định lập nghiệp lâu dài, người Việt có thể mở rộng các loại kinh doanh và phát triển mạng lưới kinh doanh ở các khu siêu thị hay trung tâm thương mại mới.

Tuy nhiên, số đông bà con Việt Nam (80%) hiện vẫn còn nặng gánh với phương thức cũ, mà không có hoặc chưa có điều kiện chuyển đổi. Lý do chính là tư cách pháp lý bản thân, cách bán buôn chưa tuân thủ theo qui định về giao dịch hàng hóa (hàng hóa không rõ xuất xứ và chất lượng).

Cũng sẽ phải cần được tư vấn, nghiên cứu trong quá trình chuyển đổi. Nhưng cơ hội và thị trường vẫn hấp dẫn thì không nên đi lùi.

Từ trước cũng đã có không ít người Việt Nam chuyển thể kinh doanh “ra biển lớn” ngay tại Mátxcơva: nhà hàng Sông Lam lâu nay kinh doanh thành đạt, đông khách; Hanoi-cafe mới được đầu tư sang trọng; chuỗi Viet-cafe bắt đầu phát triển; cửa hàng ăn nhanh Nems đang dần có thương hiệu tại Mátxcơva... Những mô hình chuyển đổi như vậy đang được chú ý và chứng tỏ còn nhiều hướng mở để bà con kinh doanh..

Nếu cộng đồng người Việt cũng có được một nơi kinh doanh ổn định hợp pháp, thì sẽ tránh được việc khám xét, bắt bớ, tịch thu hàng từ phía chính quyền như trước đây. Nhất là địa điểm kinh doanh ấy lại là địa điểm sở hữu vĩnh viễn của mỗi cá nhân thì cộng đồng người Việt sẽ kinh doanh với tâm thế mới: giấy tờ cá nhân hợp pháp, địa điểm kinh doanh chính chủ, đặc biệt là hàng tháng không phải lo thuế chợ.

Để phù hợp với cuộc sống và phong cách người dân Nga thực ra cũng đã đến lúc việc làm ăn của người Việt tại Nga cần được sắp xếp lại để đáp ứng những quy định mới của sở tại, an toàn cho cộng đồng người Việt và lợi ích kinh tế của cả bên bán và bên mua.

Thị trường Nga rộng lớn giầu tiềm năng vẫn hứa hẹn mang đến những thành công mới cho những ai nhạy cảm với tình thế, kịp nắm bắt cơ hội, chuyển đổi hợp lý để có thể hội nhập với nền kinh tế Nga đang thay đổi từng ngày.

Theo Nguyễn Văn Lộc (LB Nga)
Quê hương