Tấm lòng bà giáo Nga đối với các học trò Việt và nước Việt
Bà từng dạy tiếng Nga cho nhiều thế hệ sinh viên Việt học dự bị ĐH. Mới đây, bà biên soạn rồi bỏ tiền in 200 giáo trình tiếng Nga cho người Việt.
Tôi đã có dịp gặp và viết về bà cùng bà Ema Lam sau chuyến thăm Việt Nam của bà vào năm 2007. Đó là chuyến thăm do chính các học trò Việt Nam khóa đầu tiên tổ chức và đã diễn ra không biết bao nhiêu câu chuyện cảm động trong lần hội ngộ ấy ở Việt Nam. Ấn tượng về bà cùng những học trò Việt Nam trong tôi từ sau cơ duyên ấy cũng sâu đậm và tôi có cảm giác như bà cũng là cô giáo của mình, thật gần gũi, thật tận tâm.
Chính vì lẽ đó tôi đã nghĩ ngay đến bà khi tìm đề tài nói về tình cảm Nga – Việt, quan hệ Nga – Việt ... trước chuyến thăm Nga của Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng, sẽ diễn ra trong những ngày tới đây. Đặc biệt là khi bà vừa hoàn thành phần biên soạn và bỏ tiền túi ra in giáo trình tiếng Nga cho người mới học là người Việt Nam.
Vẫn biết bà vô cùng yêu quý những học trò Việt Nam của mình nhưng tôi vẫn thắc mắc, động lực nào khiến bà làm việc này, khi đã ở tuổi “ngoài chín mươi”.
Rồi bà vui vẻ đọc cho chúng tôi nghe những lá thư bà vừa nhận được từ tay các cán bộ Đại sứ quán Việt Nam tại LB Nga chuyển cho bà liên quan đến những cuốn giáo trình đầy tình cảm ấy của bà. Đó là lá thư của Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại LB Nga Nguyễn Thanh Sơn, thông tin chi tiết cho bà về việc chuyển 100 cuốn sách mà bà gửi tặng Việt Nam thông qua Đại sứ quán. Trong đó, Đại sứ cũng bày tỏ lời xin lỗi vì sự chậm trễ chuyển giáo trình về Việt Nam cũng như chậm thông tin cho bà những việc liên quan.
Đó còn là lá thư của bà Đinh Thị Thu Hiền, Chủ nhiệm Khoa tiếng Nga của trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội, cảm ơn bà sau khi đã nhận được 30 cuốn giáo trình từ Đại sứ quán Việt Nam cuối tháng 10 vừa qua .... Tất cả đều đánh giá rất cao công lao của bà và đặc biệt bày tỏ niềm xúc động trước tình cảm cao quý mà bà dành cho học trò Việt Nam, dành cho nhân dân và đất nước Việt Nam.
Chú ý đến khó khăn của người Việt học tiếng Nga
Với kinh nghiệm hơn 70 năm trong nghề dạy tiếng Nga cho người nước ngoài, với trình độ và đã từng viết rất nhiều sách, biên soạn giáo trình giảng dạy tiếng Nga, cuốn giáo trình bà vừa xuất bản cho sinh viên Việt Nam chắc chắn sẽ giúp ích không nhỏ cho những người mới học tiếng Nga.
Nói về nguyện vọng duy nhất của mình khi biên soạn cuốn giáo trình này, bà Sofia Kortrikova muốn nhắn gửi đến các học trò Việt Nam, những người sẽ sử dụng các cuốn giáo trình đầy tâm huyết của bà rằng: “Tôi muốn lưu ý với các bạn trẻ Việt Nam, những người mới bắt đầu học tiếng Nga và sẽ sử dụng cuốn giáo trình này rằng, tôi viết cuốn sách này dành cho các bạn với những gì tôi hiểu là khó khăn với cả người học và người dạy tiếng Nga. Tôi đã viết cuốn sách này còn bởi tình cảm của tôi đối với những người học trò cũ đầu tiên của tôi. Họ là những sinh viên Việt Nam đầu tiên đến Moscow và họ đã học tiếng Nga với tất cả nhiệt huyết, tình yêu”.
Trong câu chuyện với chúng tôi về việc làm sao cho các học trò Việt Nam có thể học một cách có hiệu quả ngôn ngữ Nga, một thứ ngôn ngữ rất khác biệt với tiếng Việt... bà lại bồi hồi nhớ lại những ngày đầy khó khăn cách đây tới 60 năm, khi giáo trình còn rất thiếu, giáo viên Nga thì lại hoàn toàn không biết tiếng Việt, hay nói chung là không biết thứ ngôn ngữ của các sinh viên nước ngoài.... Vậy mà bà đã cùng họ vượt qua những khó khăn đó, vươn lên và rất nhiều người đã thành đạt.
Khi cùng bà nhắc đến những cái tên đã trở nên gắn bó, quen thân với bà như ruột thịt: Vũ Khoan, Hồ Thể Lan, Hoàng Thúy Toàn, Vũ Thế Khôi, Nguyễn Quân Ngọc, Nguyễn Tuyết Minh, Trịnh Trang v.v... bà vẫn nhớ như in và lại như được sống với những giờ học năm xưa cách đây tới 60 năm; sống lại với cuộc hội ngộ cảm động cùng lứa sinh viên Việt Nam đầu tiên vào năm 2007 không bao giờ quên ấy./.
Theo Điệp Anh/VOV-Moscow