Vẫn mãi một tình yêu với nước Nga

Nhân dịp kỷ niệm 97 năm Cách mạng tháng Mười Nga (7/11/1917-7/11/2014) chúng tôi chuyển đến quý vị và các bạn những tâm sự và tình cảm của họ về nước Nga, quê hương của Cách mạng tháng Mười.

Đó là tình cảm, là tâm sự mà chúng ta có thể cảm nhận và nghe được ở bất kỳ một người Việt nào từng học, từng sống ở Nga.
 
Mùa thu nước Nga (chùm ảnh của Vũ Mạnh Cường)
 
 
Mùa thu nước Nga (chùm ảnh của Vũ Mạnh Cường)


Mùa thu nước Nga (chùm ảnh của Vũ Mạnh Cường)

Mùa thu nước Nga (chùm ảnh của Vũ Mạnh Cường)

Đó là những người thuộc các thế hệ khác nhau, đến nước Nga ở những thời gian khác nhau, nhưng được cùng sống với những người Nga, họ được học tiếng Nga, được tìm hiểu sâu sắc nền văn hóa giàu đẹp, với những phong tục, cách suy nghĩ và tình cảm đậm đà sâu lắng của con người Nga, tâm hồn Nga, tính cách Nga đầy nhân bản…

Có người đã qua đủ thăng trầm của cuộc sống, có người còn rất trẻ, nhưng phải nói rằng, những người Việt đã từng học tiếng Nga, hoặc ở nước Nga, đến bây giờ, dù trong lĩnh vực hoạt động nào, hầu như đều có những thành công, mặc dù, có nhiều khi, họ làm những công việc không liên quan gì đến tiếng Nga. Không ai phủ nhận một điều, chính tiếng Nga, tình yêu nước Nga, môi trường đào tạo tiên tiến của nền giáo dục Nga đã dạy cho họ nhiều điều để có thành công hôm nay. Chính vì vậy mà mãi sau này, tình yêu nước Nga chẳng những không hề vơi đi, mà cứ lớn dần lên theo năm tháng.

Chủ tịch Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam, ông Vũ Xuân Hồng, có nhiều thời gian gắn bó với nước Nga, nói tiếng Nga giống hệt người Moscow xúc động: “Có thể nói rằng, không có Cách mạng tháng Mười thì không có đất nước Việt Nam của chúng ta như hiện nay. Cho nên nghĩ về Cách mạng tháng Mười là rất biết ơn, là nhận biết được tầm quan trọng, tầm vóc vĩ đại của sự kiện đó và chúng ta biết ơn nhân dân Liên Xô và nhân dân Nga, tự hào về mối quan hệ giữa nước ta với Liên Xô cũng như với Nga và cảm xúc của chúng tôi những người đã từng học ở Liên Xô thì còn tình sâu nghĩa nặng với thầy cô đã dạy, không chỉ có kiến thức, mà còn cả hành trang chính trị và một tâm hồn để đi vào hoạt động cách mạng phục vụ sự nghiệp đất nước chúng ta sau này. Cho nên nhân dịp này, chúng tôi cũng lại cùng nhau hát lên bài ca của nước Nga, ca ngợi Cách mạng tháng Mười.”

NSƯT Ngọc Khang, được tắm mình trong cái nôi âm nhạc lớn của nước Nga, với những kiến thức sâu rộng, được sống trong tình thầy trò, bạn bè, với tính cách Nga đôn hậu. Anh có thể hát nhuần nhuyễn bằng tiếng Nga, hát bằng tiếng Việt trên nền nhạc Nga. Ngôn ngữ của hai dân tộc như hòa quyện gắn bó, như hai quê hương đã máu thịt trong anh. Người nghệ sĩ trưởng thành trên đất Nga còn vinh dự được hát tặng Tổng thống Nga gần đây và hai lần hát tặng Dmitry Medvedev, lần đầu tiên vào năm 2010, khi ông sang thăm Việt Nam với tư cách Tổng thống Liên bang Nga, và lần thứ 2 là vào năm 2012, khi ông Medvedev trở lại Việt Nam trong tư cách Thủ tướng.

Và lần nào NSƯT Ngọc Khang cũng bồi hồi những cảm xúc khó tả: “Nước Nga-Đó là những kỷ niệm không bao giờ quên được. Đó là kỷ niệm của năm tháng tuổi trẻ, là sự cống hiến tất cả những gì tinh túy và trong sang nhất. Tôi may mắn được học tại một trong những trung tâm nghệ thuật lớn nhất và tuổi trẻ của tôi có nhiều kỷ niệm tại đây. Vào những ngày kỷ niệm lớn của nước Nga và các sự kiện liên quan  đến nước Nga thì trong tôi luôn bồi hồi và được trở lại Tổ quốc rất vĩ đại đã hy sinh không chỉ cho riêng đất nước mình. Không chỉ riêng tôi mà với nhiều người thì chúng ta không thể quên được, đó là một đất nước tuyệt vời, của những tâm hồn Nga bình dị, đôn hậu và nồng thắm.”

Không chỉ những người được học tập, sinh sống ở nước Nga, mà cả những người, dù chỉ được học tiếng Nga ở Việt Nam thôi, nhưng họ cũng cảm nhận và dành tình cảm đặc biệt cho đất nước, con người Nga.

Anh Ngô Văn Hải - Tổng biên tập Báo điện tử VTC, là một trong số đó. Anh lớn lên từ vùng quê lúa Bắc Bộ, học tiếng Nga và say tiếng Nga. Qua những trang sách Việt và Nga, qua những người thầy, người bạn, anh biết về những mùa đông Nga tuyết phủ, những cánh đồng Nga trải dài vàng óng như những cánh đồng lúa Việt Nam, đẹp như Mùa thu vàng của Levitan, hay những áng văn Nga bất hủ. Sau này được đến Nga qua những chuyến công tác khác nhau, anh càng cảm nhận một nước Nga rộng lớn, dân tộc Nga vĩ đại, tính cách Nga chân thành đôn hậu, nhưng không khuất phục trước bất công.

Và nay, với công việc của mình, anh là một trong những thành viên tích cực trong các hoạt động giao lưu nhằm thúc đẩy sự hiểu biết của các bạn trẻ Việt Nam với tiếng Nga, với đời sống Nga.

Anh Hải nói: “Tại sao lại có tình yêu nước Nga sâu sắc đến như vậy, đối với tôi, nói ngắn gọn là có sự đồng điệu về tâm hồn. Tâm hồn tôi và tâm hồn những người Nga tôi gặp có sự đồng điệu lớn. Chính vì thế tôi đã yêu và ngày yêu mến hơn. Nước Nga đã có nhiều thay đổi. Nước Nga hiện nay và nước Nga Xô viết có nhiều khác nhau. Tuy nhiên tâm hồn Nga, thiên nhiên Nga như chúng tôi đã biết, đã cảm nhận, thì rõ ràng vẫn giữ mãi. Riêng cá nhân tôi vẫn giữ mãi tình yêu như thế.”

Qua nhiều năm tháng, đến nay những thế hệ người Việt đã từng học tiếng Nga hoặc lưu học sinh ở nước Nga trước đây luôn tin vào tình cảm thủy chung, không bao giờ phai nhạt của mối quan hệ Việt-Nga sẽ ngày càng phát triển tốt đẹp và rộng mở. Nước Nga, người dân Nga, Cách mạng tháng Mười Nga không chỉ luôn trong trái tim những người đã từng học tập, sinh sống tại Nga mà trường tồn trong trái tim người dân Việt Nam.

Theo Quang Sơn/VOV-Trung tâm Tin