Sứ giả ẩm thực Việt trong lòng đảo Síp

Vẫn với những món chủ đạo thuần Việt như nem rán, nem cuốn, phở, nhà hàng Lotus của chị Lam đã dần có lượng khách tương đối ổn định, có nguồn thu đủ để trang trải chi phí hoạt động.

Trong chương trình hoạt động của Tuần Văn hóa Việt Nam 2015 tại Cộng hòa Síp, chúng tôi tới thủ đô Nicosia của đất nước được mệnh danh "Hòn đảo Thần Vệ nữ" trong một tối cuối đông gió lạnh. Ít nhiều có phần mệt mỏi sau những ngày hoạt động đã qua nhưng ai nấy đều như phấn chấn hơn khi nghe Trưởng đoàn, Đại sứ Việt Nam tại Italy, kiêm nhiệm CH Síp Nguyễn Hoàng Long thông báo: "Tối nay, trân trọng mời đoàn ăn đặc sản cơm Việt Nam nhé”.

Có lẽ, lời mời sẽ không có gì quá đặc biệt nếu đặt trong hoàn cảnh của những quốc gia châu Âu nơi có đông đảo cộng đồng Việt Nam sinh sống như Pháp, Đức, Séc và có rất nhiều nhà hàng Việt Nam; nhưng lần này, ai cũng tò mò bởi theo lời giới thiệu, tại quốc đảo Síp, chỉ có chính thức duy nhất một nhà hàng Việt Nam tại thủ đô Nicosia mới mở cửa từ một năm nay.

Mặc dù nằm rất gần con phố ẩm thực đi bộ tại trung tâm thành phố Nicosia nhưng cũng phải quen đường và tinh mắt mới nhận ra tấm biển hiệu "Lotus - Vietnamese Foods" được đặt khiêm tốn ở một ngách phố.

Bước qua cánh cửa để vào không gian nhỏ, mà nếu khách ngồi đông cũng phải lách người mới đi lại được, ùa lấy chúng tôi là sự ấm cúng rất Việt Nam, từ cách bài trí, âm nhạc cho đến mùi thức ăn đang dậy lên giữa tiếng Việt lao xao trong bếp. Tuy nhiên, điểm nhấn mà ai cũng nhận ra ngay đó là hai lá cờ Việt Nam được trang trọng treo trên cao, ở vị trí dễ nhìn thấy nhất. Cả đoàn bảo nhau: "Đúng là bếp Việt đây rồi".
 
Chị Lê Thị Lam chế biến món ăn tại Tuần lễ Văn hóa Việt Nam tại CH Síp
Chị Lê Thị Lam chế biến món ăn tại Tuần lễ Văn hóa Việt Nam tại CH Síp

Vừa tiếp chuyện, chị Lê Thị Lam, quê Nghệ An, chủ cửa hàng và các chị em khác cùng làm việc vừa liên tục bưng thức ăn lên mời khách. Cũng là những món ăn truyền thống như các món xào, cơm, canh, phở hay đơn giản chỉ là lọ ớt ngâm như chúng tôi vẫn từng ăn ở rất nhiều nơi... có thể còn giản dị, chưa tinh tế nhưng điều quan trọng là mang lại cho chúng tôi cảm giác được về nhà với bữa cơm gia đình. Món ăn hợp khẩu vị, nóng sốt làm câu chuyện đưa đẩy giữa những người xa quê càng thêm mặn mà.

"Tại Síp có nhiều quán ăn Trung Quốc, Nhật Bản, Philippines, vậy tại sao lại không có quán ăn Việt Nam? Nghĩ vậy nhưng để mở được một quán ăn tại đây đòi hỏi rất nhiều thủ tục và tiêu chí, nhất là những quán ăn với ẩm thực nước ngoài. Hai vợ chồng tôi đã phải cố gắng rất nhiều mới có ngày hôm nay", chị Lê Thị Lam tâm sự.

Vẫn với những món chủ đạo thuần Việt như nem rán, nem cuốn, phở, nhà hàng Lotus của chị Lam đã dần có lượng khách tương đối ổn định, có nguồn thu đủ để trang trải chi phí hoạt động. Nhắc đến thành công ban đầu này, phải nhắc đến vai trò của "rể Việt Nam" - anh Krikos, một kỹ sư người Síp nhưng tình nguyện vào bếp học nấu món Việt - chung vai cùng vợ trong việc gây dựng quán ăn Việt Nam. Nhiều món ăn truyền thống góp mặt trong Liên hoan Ẩm thực Việt Nam, một hoạt động trong Tuần lễ Văn hóa Việt Nam tại Síp cũng được chế biến chính từ bếp của nhà hàng Lotus. "Các món thịt nướng là đặc trưng của ẩm thực Síp thế nhưng thịt nướng kiểu Việt Nam (bún chả) lại có hương vị đặc trưng rất riêng, đậm đà, không thể trộn lẫn", một khách hàng người Síp  nhận xét.

Vượt qua khó khăn bộn bề như từ việc mua nguyên liệu, chủ yếu là các loại gia vị, đến xin cấp phép, tìm địa điểm mở quán, cho đến nay sau một năm hoạt động, đóa "Sen Việt Nam" đã bắt đầu tỏa hương sắc thu hút bạn bè Síp và quốc tế đến khám phá ẩm thực Việt Nam. Điều hai vợ chồng chị Lam tâm đắc nhất là những món ăn quê hương, dù chưa thể trọn vẹn hương vị nay đã có thể hiện diện tại quốc đảo Síp xa xôi để có thể giới thiệu với những người dân Síp và bạn bè quốc tế.

Nhưng hơn tất cả, đó là những người Việt Nam đang sống, lao động và học tập tại Síp, dù ở thủ đô Nicosia hay các thành phố khác, đã có một địa chỉ nhỏ luôn mở rộng cửa chào đón dù để tập văn nghệ hay chia sẻ buồn vui, làm vơi đi nỗi nhớ quê hương.

"Mở được quán trước tiên là để có kế sinh nhai nhưng trên hết, tấm lòng của bà con, anh chị em người Việt Nam ở đây; sự ủng hộ của Krikos, chồng tôi và sự hãnh diện được mang hương vị ẩm thực Việt Nam đến Síp mới chính là "phần lời" lớn nhất của tôi", chị Lam xúc động chia sẻ với chúng tôi trong buổi chia tay.

Bài và ảnh theo Tạ Quang Thanh