Sóng nước Biển Hồ
Chiều lênh đênh trên khu vực Biển Hồ (Tonle Sap) thuộc tỉnh Siem Reap (Campuchia), tôi cứ ám ảnh mãi về cuộc sống vẫn còn rất khốn khó của bà con người Việt mình ở vùng sóng nước này.
Cuộc sống người Việt trên sóng nước Biển Hồ
Biển Hồ bấy lâu nay vốn là nơi cư ngụ của rất đông Việt kiều. Người Việt tại Biển Hồ chủ yếu đến từ các tỉnh miền Tây Nam bộ, sát với Campuchia. Tuy nhiên, đa phần người Việt tại đây đều sống trên những chiếc thuyền hoặc nhà bè, thiếu thốn đủ bề. Họ chủ yếu đánh bắt thủy sản để mưu sinh và cuộc sống quanh năm chỉ lênh đênh trên thuyền, kể cả chuyện học hành của trẻ nhỏ cũng không tách rời vùng nước mênh mông này.
Mặc dù Biển Hồ lúc nào cũng trù phú với nhiều loại thủy sản thuộc hàng đặc sản. Những nhà thuyền của người Việt không chỉ là nơi để sinh sống mà còn là phương tiện kết hợp đánh bắt cá. Cách đây vài chục năm, Biển Hồ là một vùng được thiên nhiên ưu đãi, nó như cái rốn thu gom cá từ những con sông lớn chảy vào.
Biển Hồ nhận nước lũ từ thượng lưu sông Mekong tràn vào qua một nhánh sông Tonle Sap chia tách ngay trước mặt thành vua ở thủ đô Phnom Penh. Đến giữa tháng mười một là lúc nó "no nước” nhất. Cá lớn, cá nhỏ đầy ắp. Khi ấy chỗ bụng "cá” có chiều dài hơn 100km này có thể phình ra tới 75km. Dân làng chài lưới tha hồ no đủ.
Nhưng khai thác mãi nguồn cá cũng cạn kiệt. Cuộc sống của người dân nơi đây vẫn còn nhiều khó khăn và mọi hoạt động sinh hoạt hằng ngày cũng như mưu sinh chủ yếu nhờ vào các ghe thuyền ngày đêm bám mặt nước Biển Hồ. Chừng năm bảy chiếc thuyền quây quần thành một khu. Đó là những xóm nhỏ của người dân cư ngụ tại đây được gọi tạm là nhà.
Thuyền nào cũng cũ nát, trong đó không biết chứa đựng bao nhiêu con người. Có thuyền vài ba người, có thuyền 7-8 nhân khẩu hoặc hơn thế nữa. Có bao nhiêu người chứa bằng ấy, không kể thuyền to, thuyền nhỏ. Bà Maily (52 tuổi, tên tiếng Việt là Mại) cho biết, có khoảng hơn 20 "xóm nhà lá” như thế của người Việt nằm rải rác theo con nước Biển Hồ này. Thỉnh thoảng có một cửa tiệm bán tạp hóa, một cửa hàng bán xăng nổi bềnh bồng trên sóng. Đó là những gia đình khá giả nhất, còn lại toàn bộ đều xác xơ.
Để có thể nổi trôi được với con sóng, nhà cửa phải đặt trên những chiếc thùng phuy bằng nhựa. Đôi khi gặp mùa mưa bão, nhà cũng bị bứt văng ra xa. Cho nên những căn nhà như thế này có tính di động theo con nước. Chỗ nào yên thì đậu, nước nổi thì lại trôi theo. Bà Mại cũng cho biết, do việc làm thủy điện bên phía thượng nguồn nên tôm cá theo nhau mà đi.
Cuộc sống người dân gặp rất nhiều khó khăn. Cứ nhìn cung cách sống của người dân Biển Hồ thì thấy rõ, thiên nhiên không còn ưu đãi họ nữa. Trước hay sau họ cũng phải tìm đường đi thôi. Nhưng đi đâu, làm cái gì để sống là những hòn đá tảng níu chân họ lại. Rồi bao nhiêu đời vẫn cứ thay nhau lầm than cơ cực ở nơi xứ người này, không có lối thoát. Họ vẫn chỉ có một ý nghĩ, ở đây họ còn có chiếc thuyền, dù rách nát, nhưng họ vẫn có một nghề chài lưới kiếm sống qua ngày. Đi nơi khác, chẳng biết bấu víu vào đâu!
Có đến tận nơi, chứng kiến cuộc sống của người dân Việt trên Biển Hồ, mới thấy trẻ em tại đây chịu quá nhiều thiệt thòi. Không ít em chỉ mới vài tháng tuổi, vậy mà đã phải theo cha mẹ lênh đênh trên những chiếc ghe dọc ngang Biển Hồ, bất chấp mưa nắng. Trẻ em người Việt tại Biển Hồ không có một tuổi thơ bình thường như bao trẻ khác, bởi quanh năm các em sống trên mặt nước, buộc phải bám các tàu thuyền du lịch trên Biển Hồ để mưu sinh, bất chấp nguy hiểm luôn rình rập.
Những em bé còn chưa "dứt sữa” đã phải theo mẹ "đu bám” những chiếc thuyền du lịch. Ở đây cũng có trường Việt và trường Campuchia, muốn học trường nào cũng được. Nhưng nhiều đứa trẻ học mãi mà chẳng biết chữ nào nên bố mẹ chúng cho nghỉ luôn. Cho nên ở đây rất ít trẻ con biết chữ. Trường học cho trẻ em người Việt do Quân khu 7 (Việt Nam) tài trợ.
Ngôi trường này đã giúp cho con em người Việt biết đến ngôn ngữ mẹ đẻ và học thêm về lịch sử, văn hóa Việt Nam. Một điều không thể phủ nhận những đóng góp của cộng đồng người Việt ở làng "nổi” Biển Hồ, nhưng cho đến nay họ vẫn phải chịu thiệt thòi rất lớn khi đa phần không được nhập quốc tịch Campuchia. Chỉ với tờ giấy tạm trú nên việc làm ăn và học hành đều rất khó khăn.
Theo Lê Vũ - Gia Ly
Đại đoàn kết