Phát triển thương hiệu hàng Việt Nam tại Nhật Bản
Để chuẩn bị cho việc xây dựng thương hiệu hàng hoá Việt Nam tại Nhật Bản, ông Ngô Hùng Lâm cùng một số bạn trẻ Việt Nam đã và đang chung sức thành lập một Hiệp hội Doanh nghiệp Việt-Nhật.
Dự án này mới đang ở những bước đầu và còn rất nhiều khó khăn ở phía trước. Nhưng với ý chí, hoài bão của ông Lâm nói riêng và những bạn trẻ Việt Nam nói chung, ông tin rằng những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam chất lượng cao trong một tương lai gần sẽ có mặt tại thị trường Nhật Bản.
Trung tâm Thương mại Việt Nam tại Nhật
Hiện tại, Trung tâm Thương mại này có trụ sở thuộc tỉnh Chiba, thành phố cảng nằm sát Tokyo, là đầu mối quan trọng xuất nhập khẩu của Nhật Bản vào năm 2023.
Trong thời gian kinh doanh tại Nhật, ông Lâm đã dành nhiều thời gian tìm hiểu chợ đầu mối hoa và nông sản Tokyo. Chợ ở đây rất khác chợ Việt Nam, những người nông dân, người sản xuất hoa chỉ cần vận chuyển sản phẩm tới chợ, còn việc bán hàng sẽ do những người quản lý chợ phụ trách, những nhà buôn sau đó sẽ đấu giá, tuỳ vào chất lượng sản phẩm, nhu cầu thị trường mà quyết định giá thành sản phẩm. Làm như vậy vừa có thể đảm bảo đầu ra cho sản phẩm, lại vừa giúp người sản xuất biết được nhu cầu thị trường, qua đó điều chỉnh quy mô sản xuất. Điều này không giống như ở Việt Nam (người sản xuất cạnh tranh nhau hạ giá thành sản phẩm, thay vì tập trung cho nâng cấp chất lượng sản phẩm để cạnh tranh với hàng hoá nước ngoài).
Doanh nhân Ngô Hùng Lâm
Thêm vào đó, ở Nhật Bản và có lẽ là trên khắp thế giới đều có những khu phố, khu chợ người Hoa. Ở đó không chỉ nổi tiếng là nơi buôn bán các sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc, mà còn là nơi thăm quan, du lịch văn hoá nổi tiếng. Chính những điều này đã nhen nhóm trong ông ý tưởng xây dựng một Trung tâm Thương mại Việt Nam tại Nhật.
Trung tâm Thương mại sẽ là nơi trưng bày, cung cấp tất cả các mặt hàng mang thương hiệu Việt Nam cho các nhà buôn trên khắp Nhật Bản. Các sự kiện văn hoá, triển lãm cũng thường được tổ chức để thu hút khách du lịch, qua đó giới thiệu đất nước, con người Việt Nam.
Người Nhật rất kỹ tính trong lựa chọn các mặt hàng, nếu chinh phục được khách hàng Nhật thì thương hiệu hàng Việt Nam sẽ có tiếng nói trên các nước khác. Qua đó, chúng ta có thể phát triển kĩ thuật, thúc đẩy sản xuất của Việt Nam, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm, góp phần mang lại thu nhập cho nhiều người lao động.
Hơn nữa, Trung tâm thương mại sẽ mở hướng kinh doanh cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn khai thác thị trường Nhật Bản. Quy tụ những nhân tài Việt Nam đang học tập và làm việc tại Nhật có ước mơ lập nghiệp, làm giàu cho bản thân, và đóng góp cho quê hương đất nước.
Trong suốt quá trình sống, làm việc hơn 33 năm tại đất nước Nhật Bản, với kinh nghiệm có được, cùng với mối quan hệ với người dân và chính quyền tỉnh Chiba, ông Ngô Hùng Lâm tin rằng việc thành lập Trung tâm Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản là hoàn toàn khả thi. Một bước đi nhỏ để bắc cầu cho một bước đi lớn, để chuẩn bị cho việc xây dựng thương hiệu hàng hoá Việt Nam tại Nhật Bản, ông cùng một số bạn trẻ đã và đang chung sức thành lập một Hiệp hội Doanh nghiệp Việt-Nhật, sẽ được chính thức ra mắt vào tháng 2/2013.
Hiệp hội Doanh nghiệp Việt-Nhật và Thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao
Nhưng một câu hỏi đặt ra là làm sao để có hàng Việt Nam chất lượng cao đạt tiêu chuẩn chất lượng Nhật Bản? Và quan trọng hơn nữa là làm sao để những sản phẩm sản xuất ở Việt Nam phù hợp được với thị hiếu, văn hoá của người tiêu dùng Nhật Bản?
Với kinh nghiệm lâu năm trong lĩnh vực hoa và gốm sứ, ông Lâm đã có cơ hội tiếp xúc trực tiếp với nhiều người Nhật, hiểu được thị hiếu, thẩm mỹ người tiêu dùng Nhật Bản. Ông đã từng tham gia nhiều triển lãm hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam tại Nhật, hay giúp kết nối những nhà buôn Nhật Bản với phía Việt Nam. Đây có lẽ cũng là cách tiếp cận thị trường phổ biến mà các công ty Việt Nam hiện nay đang thực hiện. Qua những sự kiện đó, ông nhận thấy một thực tế rằng, hàng Việt Nam dù đẹp, dù tốt, giá cả cạnh tranh đến đâu, được những nhà buôn mua về bán tại Nhật, nhưng cuối cùng vẫn không được khách hàng bản địa chấp nhận. Tại sao vậy?
Đó là sự khác biệt về văn hoá, thẩm mỹ. Những người sản xuất ở Việt Nam do không có điều kiện ra nước ngoài tìm hiểu, nên những sản phẩm họ làm ra chỉ phù hợp với người tiêu dùng Việt Nam. Các nhà buôn nước ngoài thì cũng chỉ quan tâm tới lợi nhuận, nếu sản phẩm về không bán được thì sẽ dừng không mua nữa, kết cục người sản xuất cũng không có điều kiện để cải tiến sản phẩm.
Sản phẩm không xuất khẩu được, ngay cả thị trường trong nước cũng khó cạnh tranh được với hàng hoá Trung Quốc vừa rẻ, mẫu mã lại đa dạng. Chính vì vậy, trong hơn 500 làng nghề ở Việt Nam thì quá nửa đang ở tình trạng bi đát. Các sản phẩm nông nghiệp vốn là thế mạnh của Việt Nam cũng chỉ mới dừng lại ở mức xuất khẩu nguyên liệu thô, giá trị thấp, không mang lại nhiều lợi nhuận.
Trong bối cảnh đó, ông Lâm rất tâm đắc với ý tưởng thành lập Hiệp hội Doanh nghiệp Việt-Nhật để giúp các sản phẩm Việt Nam tiếp cận được với thị trường Nhật Bản từ đó mở rộng thương hiệu và đầu từ phát triển công nghệ sản xuất tại Việt Nam, cũng như để hỗ trợ các bạn trẻ Việt Nam về kiến thức văn hoá, kinh nghiệm kinh doanh tại Nhật Bản.
Thành viên của Hiệp hội gồm có những thanh niên Việt Nam muốn lập nghiệp, muốn đầu tư phát triển sản xuất tại Việt Nam như sản phẩm thủ công mỹ, các sản phẩm nông nghiệp. Những nghệ nhân, thành viên làng nghề sẽ trực tiếp tham gia sản xuất tại Việt Nam. Và thành viên người Nhật là nhà tư vấn, luật sư, kỹ sư là những người sẽ giúp tư vấn về pháp luật, kỹ thuật, văn hoá, đưa hiệp hội đi đúng hướng, vận hành đúng quy tắc, để phát triển và mở rộng một cách nhanh và mạnh nhất.
Sau khi thành lập, Hiệp hội sẽ bắt tay vào những dự án xuất khẩu hàng thủ công mỹ nghệ như tranh gốm, hoa gỗ... Hàng nông nghiệp như vải thiều, rau sạch, hoa tươi... hay mở các triển lãm tại Nhật Bản để giới thiệu, điều tra thị trường, từ đó phát triển sản xuất những sản phẩm phù hợp với tiêu chuẩn, thị hiếu khách hàng Nhật Bản. Đối với những sản phẩm nông nghiệp, đòi hỏi thời gian và công nghệ sản xuất, các bạn trẻ dưới sự tư vấn của những kỹ sư nông nghiệp Nhật Bản, sẽ thử nghiệm trồng các sản phẩm sạch đạt tiêu chuẩn Nhật Bản tại Việt Nam. Những sản phẩm này vừa có thể đáp ứng nhu cầu trong nước, vừa có thể xuất khẩu khi có điều kiện.
Hiệp hội Doanh nghiệp Việt-Nhật mới đang ở những bước đầu và còn rất nhiều khó khăn ở phía trước. Nhưng với ý chí, hoài bão của ông Ngô Hùng Lâm nói riêng và những bạn trẻ Việt Nam nói chung, ông tin rằng những sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam trong một tương lai gần sẽ có mặt tại thị trường Nhật Bản. Những thành viên làng nghề, những người nông dân Việt Nam sẽ có thu nhập, cuộc sống ổn định. Và nhiều bạn trẻ Việt Nam sẽ thành công, góp phần xây dựng phát triển đất nước.
Ông Ngô Hùng Lâm, tên tiếng Nhật là Fujii Minoru, sinh năm 1961 tại Bà Rịa – Vũng Tàu. Năm 17 tuổi, ông quyết tâm lập nghiệp. Ông đã đến Nhật Bản và làm việc trong ngành xây dựng, tuy nhiên, sau một lần gặp tai nạn, ông đã buộc phải bỏ nghề. Sau đó, ông chuyển sang kinh doanh gốm sứ Bát Tràng và đã gây dựng được uy tín, mở rộng cửa hàng và bán buôn cho các siêu thị lớn của Nhật.Ông tiếp tục mở rộng kinh doanh sang lĩnh vực hoa tươi. Tới nay, ông đã xây dựng được hai siêu thị hoa mang tên Fujiitoujiki Garden Center với diện tích trung bình trên 5.000 mét vuông. Trong tương lai, ông sẽ tiếp mở rộng thành chuỗi siêu thị trên khắp các vùng của tỉnh Chiba, Nhật Bản. Ông Ngô Hùng Lâm luôn nghĩ đến việc làm sao để tri ân khách hàng, tri ân đất nước đã giúp đỡ mình thành công, và quan trọng hơn nữa là đóng góp xây dựng đất nước nơi ông sinh thành. |