Nick Út - không chỉ là nhiếp ảnh gia tài năng…

Anh là một người hiền hậu, cởi mở; luôn hết lòng với bạn bè, đồng nghiệp và mọi người xung quanh.

Nick Út (ảnh: NAG Giản Thanh Sơn)
Nick Út (ảnh của nhiếp ảnh gia - NAG - Giản Thanh Sơn)
 
Bạn của các cụ già tập thể dục ven Bờ Hồ

Năm ngoái, Nick Út về Hà Nội. Nhiếp ảnh gia hẹn tôi và mấy người bạn đi uống cà phê sáng ở phố cổ, nhưng bảo tôi trước đó ra hồ Gươm để anh giới thiệu với mấy người khác “rất đẹp và rất dễ thương” (theo lời nhắc đi nhắc lại của Nick Út).

Tôi cứ chắc mẩm mình sẽ được gặp mấy cô gái Hà Nội trẻ và xinh như mộng, những người mến mộ nhiếp ảnh gia (NAG) đã đoạt nhiều giải thưởng nhiếp ảnh quốc tế này.

Nhưng hóa ra đó lại là mấy cụ già ra bờ hồ tập thể dục dưỡng sinh. Họ quả thật là những người… đẹp (lão), rất dễ mến, tuổi đã cao nhưng còn nhanh nhẹn, hiểu biết và có lối trò chuyện dí dỏm chẳng kém gì người trẻ.

Cụ bà ở phố Hàng Tre, tuổi gần 90, cho biết cụ đã quen với Nick Út 16 năm. Mỗi dịp anh về Hà Nội đều đến thăm các cụ ở bờ hồ Gươm, nơi các cụ tập thể dục buổi sáng, rồi sau đó cùng đi ăn sáng, uống cà phê.

Buổi sáng ở bờ hồ Hoàn Kiếm, Nick say sưa thu vào ống kính những cảnh sinh hoạt đời thường “rất Hà Nội”, rồi phúc chốc lại cười tươi, bắt tay mấy người đi bộ ngược chiều nhận ra anh. Vẻ mặt rất hạnh phúc. Thế nên khi Nick nói rằng mình rất yêu Hà Nội, tôi hiểu đó là lời nói chân thành. Anh bảo mình không có gốc gác ở Hà Nội, nhưng bị Hà Nội cuốn hút ngay từ lần gặp đầu tiên. Anh thích cảnh phố xá Hà Nội, thích những người Hà Nội thú vị.
 
Nick Út (ảnh: NAG Giản Thanh Sơn)

Bờ Hồ Hoàn Kiếm, sớm mùa đông cuối năm 2014...

Mỗi lần về Việt Nam Nick Út thường liên lạc với các bạn trẻ phóng viên ở TP.HCM và Hà Nội, hẹn họ ra quán cà phê để “tán gẫu về nhiếp ảnh” (lời của Nick), trao đổi và chỉ dẫn cho các bạn trẻ một số kinh nghiệm về săn tin và chụp ảnh. Anh từng tham gia một số khóa đào tạo phóng viên nhiếp ảnh tại Việt Nam. Lần nào anh về Việt Nam cũng gặp gỡ các phóng viên ảnh trẻ. Nick Út nhận xét:

“Giới phóng viên trẻ bây giờ rất là may mắn vì có những máy ảnh đời mới, với kỹ thuật tân tiến không như những máy cổ lỗ sĩ hồi tôi còn hành nghề phóng viên tại Việt Nam. Bây giờ các phóng viên chụp rất giỏi, họ được đào tạo có căn bản và nhiều người được tu nghiệp tại nước ngoài nên trình độ không thua gì phóng viên các nước”.

Người xem trọng nghĩa tình

Nick là người rất tình cảm. Một lần anh kể về gia đình mình, bắt đầu bằng câu: “Nhà anh ai cũng hiền hòa lắm, thương yêu nhau”. Nhà đông anh chị em, đối với nhau trên kính dưới nhường, hòa thuận.

Trong câu chuyện, đôi khi anh nhắc đến những người thân đã đi xa, mắt lại rơm rớm. Nhất là khi nói đến người anh trai Huỳnh Thanh Mỹ, phóng viên AP, đã mất trong thời gian chiến tranh, một người đẹp như tài tử điện ảnh, người gắn bó nhất với anh hồi mới lớn lên, dạy anh những bài học nhiếp ảnh đầu tiên.

Xúc động cũng trào dâng nếu có câu chuyện nào khơi gợi lại thời chiến tranh, làm anh nhớ đến những tiếng nổ kinh hoàng, những thời khắc mà sinh tử không hề có ranh giới.

Mùa hè đỏ lửa năm 1972, anh cũng tác nghiệp phóng viên ở khu vực thành cổ Quảng Trị và nằm sát bên ngoài bờ thành. Lúc đó NAG Đoàn Công Tính thì ở bên trong thành cổ. Hai người còn chưa biết mặt nhau mà chỉ nghe tên.

Sau này khi Nick Út đến Washington DC trong dịp ra mắt tập sách Requiem của các tác giả Horst Faas và Tim Page, Nick Út thấy có rất nhiều hình do NAG Đoàn Công Tính chụp về chiến tranh Việt Nam. Vì thế trong lần kế tiếp về Việt Nam, anh đã liên lạc với NAG Đoàn Công Tính và tỏ ý mong muốn gặp mặt. Nick Út kể: “Lần đầu gặp nhau, hai anh em rất vui mừng như là đã quen nhau từ lâu, ngồi uống cà phê, cùng kể lại những kỷ niệm khi còn là phóng viên chiến trường tại Hạ Lào và Quảng Trị. Có thể nói anh Tính là một phóng viên chiến trường rất giỏi của miền Bắc, các bạn trẻ bây giờ nên học những kinh nghiệm của những người như Đoàn Công Tính về cầm máy cũng như các phản ứng tại hiện trường để có những tấm ảnh xuất sắc. Hai anh em chúng tôi cũng trở lại thăm cổ thành Quảng Trị và bùi ngùi nhớ lại những ngày xưa...”
 
Nick Út (ảnh: NAG Giản Thanh Sơn)
Với NAG Đoàn Công Tính tại khu vực chiến trường xưa Quảng Trị

Tết ở Mỹ không thiếu thứ gì, những vẫn không vui bằng ăn Tết ở Việt Nam!

Lần nào về Việt Nam anh cũng thăm quê ở Long An, thăm mộ ba mẹ. Chốn xưa giờ quang cảnh đã đổi thay, người cũ không còn nhiều, đa số đã rời đi nơi khác sinh sống làm ăn, theo con cháu; giờ chỉ còn lại vài người họ hàng, bạn bè.

Anh nhiều lần ghé thăm qua ngôi trường ngày xưa mình học. Các thày cô giáo cũ đã qua đời gần hết, bạn bè học chung thì không còn ai… Lại bồi hồi nhớ ngày xưa, con đường đến trường có nhiều cây xanh bây giờ đã không còn, thay vào đó là những toà cao ốc, quanh cảnh hoàn toàn khác trước, làm trong lòng nao nao nhớ.

Cách đây hơn 10 năm, anh về thăm Việt Nam đúng vào dịp Tết Nguyên đán. “Những ngày đó rất là vui, vì được ăn Tết trên quê hương Việt Nam và đón giao thừa cùng với anh chị em, họ hàng thân thuộc cùng bạn bè thân quen. Mọi người cùng nhau trò chuyện, nhớ lại những tục lệ của ông cha, ăn  bữa cơm sum họp gia đình và sáng mùng Một lì xì cho cháu nội, cháu ngoại. Bây giờ nghĩ lại cái Tết đó, vẫn thấy lòng lâng lâng. Tết mà được ở gần anh chị em họ hàng thì… rất là có ý nghĩa Tết!”.

Những ký ức đẹp! Bây giờ những anh chị em của Nick Út đều đã lớn tuổi, vài người đã đi xa nên nếu anh có về quê ăn Tết, cũng không còn được thấy mọi người đông đủ như xưa.

Ở Los Angeles, “Tết ta” cũng rất vui vì cộng đồng Việt Nam ở đây khá đông, đặc biệt là ở khu Little Saigon cũng có chợ hoa trước Tết.

 “Những chợ hoa này làm tôi nhớ lại chợ hoa trên đường Nguyễn Huệ trước năm 1975, với những cô gái mặc áo dài đứng bên những chậu mai vàng trông thật dễ thương! Đêm 30, sáng mùng Một Tết thì đi chùa hái lộc đầu năm và xông đất lấy hên.

Tết ở Mỹ bây giờ cũng giống như ở Việt Nam, cũng có đủ các loại trái cây để chưng trên bàn thờ và bánh chưng, bánh tét, các loại mứt… nói chung là không thiếu món gì nhưng… vẫn không vui bằng ăn Tết tại Việt Nam!”
 
 
Nick Út (ảnh: NAG Giản Thanh Sơn)
Nick Út và Kim Phúc- nhân vật chính trong bức ảnh lịch sử
 
Nick Út tên thật là Huỳnh Công Út, sinh năm 1951, hiện định cư tại Mỹ.

Ông là phóng viên ảnh cho hãng AP từ năm 16 tuổi đến nay.

Nick Út là người chụp bức ảnh Napalm Girl (Phan Thị Kim Phúc) bị bỏng do bom napalm của Mỹ tại Trảng Bàng, Tây Ninh. Bức ảnh đã mang lại cho ông giải báo chí Pulitzer và World Press Photo; và được xếp thứ 41 trong 100 bức ảnh có tầm ảnh hưởng nhất TK 20 do Đại học Columbia bình chọn.
 
Năm 2014, Nick Út được trao Lucie Award, giải thưởng uy tín tôn vinh những bậc thầy về nhiếp ảnh báo chí thế giới.
 
Một số hình ảnh về NAG Nick Út: 
Nick Út (ảnh: NAG Giản Thanh Sơn)
Nick Út trong lần gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp
 
Nick Út (ảnh: NAG Giản Thanh Sơn)
 
Thăm Long An năm 2014, gặp lại 2 nhân vật cũng có mặt trong bức ảnh Napalm Girl (ảnh: Bích Ngọc)
 
Nick Út (ảnh: NAG Giản Thanh Sơn)
Về thăm Long An (ảnh: Duy Anh)
 
Nick Út (ảnh: NAG Giản Thanh Sơn)
  Trường xưa ở Long An (ảnh: Duy Anh)
 
Nick Út (ảnh: NAG Giản Thanh Sơn)
 
Nick Út (ảnh: NAG Giản Thanh Sơn)

  Tham gia giảng dạy về ảnh báo chí cho phóng viên trẻ tại Hà Nội
 
Nick Út (ảnh: NAG Giản Thanh Sơn)

  Thăm địa đạo Củ Chi
 
Nick Út (ảnh: NAG Giản Thanh Sơn)

Với NAG Đoàn Công Tính
 
Nick Út (ảnh: NAG Giản Thanh Sơn)
Đi tác nghiệp trong vụ cháy rừng lớn ở California
 
Nick Út (ảnh: NAG Giản Thanh Sơn)
Là người ông hiền từ của các cháu.
Theo Cảo Thơm/VOV.VN (ảnh từ FB Nick Út)