Những chuyện nhỏ giúp tôi hiểu sự thần kỳ Nhật Bản

Và thêm một lần tôi hiểu, sự thần kỳ Nhật Bản giản dị và có thể học, có thể làm được, bắt đầu bằng những việc làm nhỏ như thế, như thế…

Người viết bài này, thú thực chỉ mới 2 lần đến thăm nước Nhật, nhưng không hiểu sao cứ mang ấn tượng sâu đậm về người Nhật qua một câu chuyện vẻ như tình cờ mà vô cùng thú vị ấy.

Đầu năm 2011, tranh thủ quãng nghỉ giữa các buổi làm việc với bạn, chúng tôi rủ nhau đi tìm cửa hàng 100 yên theo mách bảo của một số bạn bè từng đến đó. Một chị cán bộ sứ quán chỉ đường ra bến tàu cao tốc và “chúc mọi người có một buổi shopping vui vẻ”. Vậy là tự lo liệu quãng đường còn lại.

Chỉ còn cách hỏi đường, gặp ai cũng hỏi. Trong đoàn tất nhiên nhiều người biết tiếng Anh và người Nhật cũng có nhiều người giao tiếp tiếng Anh thành thạo. Nhưng cũng phải một lúc mới gặp được hai bạn trẻ, họ vui vẻ trả lời đại ý là không phải dân gốc Tokyo, nhưng có biết cửa hàng đó và sẽ dẫn đến nơi gần nhất có thể. Xong việc các bạn ấy lại cuốc bộ trở lại nơi xuất phát trong sự biết ơn và ngạc nhiên vô cùng của chúng tôi.

Hết buổi shopping, cả đoàn lục tục trở lại tàu cao tốc vào thời điểm tan tầm, chật ních người, dù chỉ mấy phút lại có một chuyến mới. Vị trưởng đoàn sơ ý thông báo ban đầu sai bến xuống. Khi lên tàu quá đông nên khi trưởng đoàn thông báo lại có một vị không biết và kết quả là anh này xuống trước một bến!
Du khách Việt chờ tàu cao tốc tại một bến ở Tokyo
Du khách Việt chờ tàu cao tốc tại một bến ở Tokyo

Cả đoàn ngơ ngác giữa sân ga không biết nên làm gì, đi thì không nỡ mà ở thì loay hoay như gà mắc tóc. Đúng khi đó có một người phụ nữ Nhật lại gần và hỏi chúng tôi: có phải các bạn bị lạc, cần gì tôi sẵn sàng giúp đỡ? Vị trưởng đoàn ân cần cảm ơn và nói rằng, có người bị lạc nhưng chúng tôi sẽ tự xử lý được. Người phụ nữ sau đó tất bật lên tàu, chắc hành trình của chị ấy còn xa…

Rất may là người bị lạc kia từng có cả chục năm du học tại Pháp, chuyện đi lại tàu xe dù ở nơi xa lạ chỉ là bé mọn. Cách duy nhất là lên taxi và tìm về sứ quán, nơi đoàn tạm trú. Bác tài xế già nói có biết khu vực sứ quán Việt Nam nhưng phố nào thì chịu. Đến khu vực sứ quán, bác này tắt công tơ mét và vẫn tiếp tục lái xe đi tìm hỏi cho kỳ được.

Điều kỳ lạ là khi cả đoàn chúng tôi về đến sứ quán thì người bị lạc kia cũng mở cửa taxi bước xuống. Mừng vì đoàn lại tề tựu đông đủ sau mấy tiếng toát mồ hôi hột. Và ngạc nhiên làm sao chỉ trong một buổi chiều mà chúng tôi liên tiếp gặp được những người Nhật tốt bụng đến thế.

Tôi cảm nhận đây không phải là sự tình cờ đơn lẻ, mà là chuyện thường ngày của bất cứ người dân Nhật nào. Tôi cứ nghĩ mãi, nhớ mãi buổi chiều hôm đó. Người Nhật từng tạo ra sự thần kỳ Nhật Bản và sự thần kỳ đó tôi hiểu bắt đầu trước hết bằng những việc làm bé nhỏ, bình dị như vừa kể trên, không phải của một đôi người thi thoảng mà đã là nếp sống, lẽ sống của tất cả mọi người.
 
Một con phố ở Tokyo

Một con phố ở Tokyo

Gần đây nhiều người quan tâm lo lắng câu chuyện các công dân Nhật bị IS tử hình và vô cùng ngạc nhiên khi bố mẹ những người xấu số kia lên truyền hình xin lỗi tất cả mọi người dân về sự việc của con cái họ đã gây ra sự phiền toái cho chính phủ và người dân Nhật!

Có lẽ không có nơi nào trên thế giới ý thức công dân, trách nhiệm công dân đối với đất nước và cộng đồng lại sâu sắc và cao cả như thế!

Tình cờ dịp đó tôi có xem bộ phim Death of a Samurai (Cái chết của một võ sĩ Samurai) của Nhật nói về chuyện xưa các võ sỹ tự rạch bụng, sẵn sàng xả thân vì nghĩa lớn. Phim kể chuyện người võ sỹ già gả con gái cho một võ sỹ trẻ nghèo. Vì nghèo không thể có tiền chạy thuốc cho con nên vị võ sỹ trẻ kia đã chấp nhận tự rạch bụng mình đổi lấy đồng tiền oan nghiệt nhưng vẫn không cứu được con.

Giây phút nghẹn lòng uất hận đó, vị võ sỹ già thốt lên lời xin lỗi đứa con gái bất hạnh của mình, trong khi người mẹ trẻ vô cùng đáng thương kia lại quỳ gối xin lỗi bậc sinh thành, xin lỗi đứa con bé bỏng trên tay…
 Một con phố ở Tokyo

 Một con phố ở Tokyo

Cũng vì một chút đam mê văn chương, khi nghe giới chuyên môn nói về các ứng viên giải Nobel tiềm năng nhất của văn học Châu Á là Mạc Ngôn (Trung Quốc) và Haruki Murakami (Nhật Bản), tôi cố công tìm đọc phần lớn tác phẩm của họ đã được dịch ra Tiếng Việt.

Mạc Ngôn sau đó đã được vinh danh xứng đáng nhưng không hiểu sao tôi vẫn bị ám ảnh rất nhiều sau khi đọc Rừng Nauy (kể cả xem phim của Trần Anh Hùng) hay Kafka bên bờ biển… Con người Nhật Bản truyền thống và hiện đại, xã hội Nhật Bản với đầy đủ các cung bậc hay dở, tiến bộ và lạc hậu qua ngòi bút của Haruki Murakami hiện lên thật sinh động và tài tình, như tôi từng thấy, từng gặp trên đường tới cửa hàng 100 yên, từng được họ giúp đỡ trên sân ga, trên cuốc taxi tắt công-tơ-mét của bác tài già…

Lần thứ 2 đến đất nước Nhật, khi đi qua một cánh đồng quê tôi nhìn thấy những chiếc chòi xinh xắn dường như chất ít lúa ngô trên đó. Hỏi ra mới biết là người nông dân Nhật sau mùa thu hoạch thường để lại thức ăn trên đồng cho các loài chim!

Và thêm một lần tôi hiểu, sự thần kỳ Nhật Bản giản dị và có thể học, có thể làm được, bắt đầu bằng những việc làm nhỏ như thế, như thế…

Bài và ảnh, theo Bùi Nam Sơn
Vietnamnet