Người Việt Nam tại Nga: Trở về sau 21 năm

(Dân trí) - Vậy là tôi đã trở về, đã đặt chân lên mảnh đất nơi chôn nhau cắt rốn của mình sau 21 năm đằng đẵng xa cách!

Hành trình kéo dài suốt gần 12 tiếng đồng hồ trên máy bay của hãng hàng không Vietnam Arilines bởi chậm trễ đến gần cả 1 tiếng đồng hồ ở sân bay Domodedovo tại Mátxcơva. Chuyến bay mà tôi đã hồi hộp chờ đợi chuần bị cả mấy tháng trời nay ở Mátxcơva với bao lo toan từ làm hộ chiếu Nga xuất cảnh, miễn thị thực đến mua sắm gói ghém những món quà nho nhỏ đầy kỉ niệm của xứ sở bạch dương tuyết trắng xa xôi cho anh chị và các cháu…những người thân yêu nhất của tôi ở quê nhà – cũng đang hồi hộp không khác gì tôi.

 

Sau những cú xóc lồm chồm như xe ô tô vấp ổ gà khi mà máy bay giảm dần độ cao và chạm vào những tầng mây trắng lốp xốp như sóng biển, lập tức hai lỗ tai tôi ù đi lùng bùng vì luồng áp suất không khí thay đổi. Người nọ gọi người kia mà cứ như nói thầm. Cái cảm giác là lạ như xâm chiếm, nhất là khi nhìn qua lỗ cửa sổ bé tẹo như cái tổ con tò vò, xốn xang làm sao khi mà những dải đất màu nâu sẫm lỗ chỗ cao thấp nhấp nhô, những thửa ruộng chỗ xanh chỗ vàng, những chú bò vàng nhẩn nha gặm cỏ, đuôi phe phẩy, bóng dáng những người nông dân lam lũ thấp thoáng cặm cụi bên vạt ruộng lúa nước hình ô vuông, chữ nhật, tam giác…kiểu dáng rất chi là Việt Nam của mình. Những hình ảnh gần gũi thân quen trong tôi tự thuở nào mà suốt cả chặng đường dài hơn hai mươi năm qua nơi xứ người với tôi gần như đã xa ngái lắm rồi, hơn lúc nào hết là một nỗi xúc động đến nao lòng.

 

Sau những thủ tục giấy tờ có vẻ nhanh chóng qua cửa khẩu của sân bay Nội Bài, nhưng tôi lại hết sức đãng trí mà ở thời điểm gần một tuần sau khi viết bài phóng sự này mới nhận ra là đã không kiểm tra lại cuốn hộ chiếu mang quốc tịch Nga của mình khi nhận lại từ tay nhân viên an ninh cửa khẩu qua dòng chữ mà cô công an viết và đóng dấu: “Được phép tạm trú đến...12.2012”, nghĩa là chỉ được có 15 ngày! Trong khi giấy miễn thị thực do Phòng lãnh sự Đại sứ quán VN tại Nga cấp cho phép: “Mỗi lần nhập cảnh tạm trú không quá 90 ngày”. Có thể là cô công an đã không nhìn thấy mảnh “Giấy miễn thị thực” nằm kĩ trong cuốn hộ chiếu Nga này chăng? Như vậy, tôi sẽ phải làm việc lại với các anh chị công an ở cửa khẩu hoặc là xin gia hạn lại ở công an tỉnh.

 

Nhưng lòng tôi lại hết sức sốt ruột khi chồn chân đứng chực chờ nhận hành lí qua băng chuyền mất cả tiếng đồng hồ, tôi hồi hộp nóng lòng đẩy xe hành lí của mình ra cửa, bởi nơi đó có những người thân thiết nhất của tôi. Bước chân luýnh quýnh mắt nhìn lươn lướt qua sóng người ngoài kia mà trái tim tôi cứ đập thình thình. Và kia rồi, anh tôi, chị tôi và các cháu là con trai của anh tôi rối rít vẫy tay…Tôi đẩy xe hành lí bước tới mà hai mắt bắt đầu đỏ hoe, cổ nghèn nghẹn và suýt bật tiếng khóc. Chị gái của tôi cũng vậy. Anh trai tôi cố ghìm tiếng khóc và như không muốn để lộ phút giây hội ngộ đầy nước mắt nơi chốn đông người, anh kéo tôi và chị gái cùng mọi người đi ra phía cửa, trước những cặp mắt đầy ngạc nhiên của mọi người.

 

Khỏi phải nói anh chị em chú cháu chúng tôi vui sướng như thế nào sau 21 năm xa cách mới gặp lại. Anh chị tôi có vẻ “hơi” già hơn trước, điều tôi cũng đã biết qua những tấm hình, cuộn băng đĩa video từ nhà gửi sang. Tôi thì cũng có khác gì. Năm tháng qua đi, cuộc đời xô bồ làm cho tóc mọi người như bạc hơn, nếp nhăn cũng như dày thêm. Nhưng anh chị tôi vẫn đẹp lắm, bởi đó là hai người thân yêu duy nhất từ trong một tổ ấm đầy tình thương của ba mẹ tôi mà bao năm tháng hòa bình sau 1954 hay ác liệt của chiến tranh (1964 - 1975), và cả của một: “…thời tôi sống có bao nhiêu là câu hỏi/câu trả lời không dễ dàng chi…” (thơ Nguyễn Trọng Tạo). Ba mẹ tôi đã lần lượt trở về với tổ tiên ông bà, chỉ còn lại ba anh em, kẻ ở nước Nga xa xôi nghìn trùng – người ở Việt Nam thương nhớ khôn nguôi.

 

Nhưng hai thằng cháu trai của anh trai tôi thì lại chững chạc phổng phao. Đứa là kĩ sư tin học FPT (nay chuyển sang làm tổng giám đốc một cơ sở kinh doanh xe hơi), đứa là “viên thanh tra” của ngành tài chính tỉnh nhà. Trông hai thằng cháu cao to đẹp trai như diễn viên điện ảnh Hàn Quốc mà tôi thấy mừng vui khôn tả trong lòng.

 

Thằng cháu lái xe đưa chúng tôi bon bon trên con đường từ Nội Bài về Hà Thành ngàn năm văn vật, đất Thăng Long – Rồng bay một thuở.

 

Cánh đồng ngô trong sương mù

Cánh đồng ngô trong sương mù

Bao cảnh vật sống động lần lượt hiện ra trước ống kính của tôi. Tôi cứ bấm máy như liên thanh, đèn flash lóe sáng liên tục, bởi sương mù, tầm nhìn xa trên 1 km. Quả thực là sương mù, trong khi thời tiết thì ẩm ướt đến là khó chịu, khác hẳn trời Nga lúc nào cũng khô ráo. Nhiệt độ 24 độ C (trong khi ở Mátxcơva hôm qua khi tôi đi đã là âm 2, âm 3 độ C, tuyết rơi dày) nóng hơn tôi tưởng khi còn ở bên Nga. Mấy chiếc áo khoác ấm, khăn len quàng kín cổ, mũ, găng tay da…phải cho vào túi dết hết, may mà chị tôi alô cho biết trước nên áo dạ, mũ lông, đôi giày da cao cổ…không mang về.

 

Cái đầu tiên đập vào mắt tôi sau 21 năm xa Nội Bài là: Sân bay khác xưa nhiều, hiện đại hơn, cách thức làm việc của nhà chức trách có qui củ hơn. Tuy nhiên vẫn chưa hoàn hảo lắm. Đó đây lác đác vẫn thấy cái vẻ luộm thuộm muôn thuở của “anh nhà quê học đòi cách làm dân thành thị”? Dẫu sao thì đây cũng là sự cố gắng rất nhiều rồi, chúng ta cần phát huy thêm nhằm theo kịp thế giới bên ngoài.

 

Những người lái xe taxi, xe ôm săn đón chào mời, nhưng vẻ mặt có vẻ không mặn mà lắm. Có lẽ họ quá nhàm chán chai lì với công việc, nhất là vẻ thất vọng lộ ra khi khách từ chối. Dân mình vẫn còn khổ. Tôi ngậm ngùi quan sát. Kẻ ăn mặc sang trọng kiểu Âu châu, người dép lê loẹt xoẹt, áo sơ-mi thùng thình bỏ ngoài quần. Đó đây thấp thoáng chiếc mũ cối một thời như nhắc tôi chớ quên ngày xưa gian khổ? Kẻ ngồi chồm hổm hút thuốc lá mù mịt nơi công cộng; kẻ vẫn có thói quen khó bỏ là khạc nhổ bất kể góc nào. Chưa kể ở góc cây đầu xa có anh chàng thản nhiên thả vòi rồng?! Có chị thản nhiên bóc bánh kẹo và hồn nhiên thả mảnh giấy bay bay…mồm nhai rổn rảng. Bao giờ thì dân mình bỏ được những cái thói quen cố hữu không lịch sự và văn hóa chút nào này?

 

Cái thay đổi thứ hai mà tôi nhận thấy là nhà cao tầng nhiều hơn, siêu thị cửa hàng tư nhân nhan nhản, công trình quốc gia nhiều hơn, cầu cống hiện đại hơn, đường sá có mở mang, hàng cây xanh ven đường cắt tỉa khá bắt mắt. Còn xe máy các loại thì đã thay thế cho anh xe đạp ngày nào. Xe đạp điện cũng khá phổ biến. Ô tô còn lác đác (là so với ở Mátxcơva).

 

 Xem ra, phương tiện giao thông đi lại hàng ngày của người dân so với thời tôi trở về cách đây 21 năm thay đổi rất nhiều. Như ô-tô buýt cũng không phải ít, nhưng tôi nhận thấy bà con chen chúc có vẻ không được trật tự cho lắm? Nó khác hẳn với bên Nga. Hay như tận mắt thấy cảnh người đi bộ qua đường mà không khỏi ớn lạnh cả xương sống. Xe cứ chạy ầm ầm, người đi bộ qua đường cứ từng bước nhích qua đường mà phó mặc cho may rủi!? Chả trách một phi công lão luyện Hoa Kì với hàng mấy ngàn giờ bay trên trời mà khi sang du lịch ở Việt Nam gần đây cũng đã phải thốt lên: Qua đường ở VN là cả một sự dũng cảm phi thường và…thở phào vì đã sống rồi!

 

Nhà ở san sát với đủ kiểu dáng

Nhà ở san sát với đủ kiểu dáng

Tận mắt nhìn cảnh những chùm dây điện, điện thoại, internet…đen ngòm rối rắm lòng thòng như mạng nhện vắt vẻo trên cột điện, trên cây và cứ lơ lửng trên đầu mọi người mà không khỏi rùng mình? Sao vậy nhỉ? Bao giờ thì loại mớ hổ lốn này nằm sâu dưới lòng đất để khỏi ảnh hưởng nhãn quan phố phường cũng như sự nguy hiểm rình rập tính mạng của người đi đường? Có vẻ như những đèn đỏ, đèn xanh, đèn vàng ở các đoạn đường, góc đường ngã ba tư năm cũng “rỗi việc” hơn bởi vài anh chị dân ta (nhất là cánh choai choai) cứ nhắm mắt lao đi mà phớt lờ cảnh báo. Lạ thật. Ở bên Nga, khi đã có tín hiệu đèn đỏ thì tất cả mọi người, xe cộ như có hiệu lệnh lập tức dừng lại tức thì. Ngay cả khi đường vắng vẻ hiu quạnh không có bóng dáng một ai, xe cộ nào, họ vẫn chờ tín hiệu xanh bật lên mới cất bước. Cái ý thức của dân Việt Nam mình bao giờ được thế. Đó không chỉ là tín hiệu giao thông thông thường mà là tín hiệu của cuộc sống – thể hiện cái ý thức tự giác đến cao độ.

 

Dòng sông Tô lịch dưới kia vẫn đen ngòm chết lặng. Rác rưởi nhiều nơi vẫn vô tư nằm chình ình giữa đường phố, vỉa hè. Có bà thản nhiên quẳng cả bịch nilon chẳng biết thứ gì trong đó ra đường lúc xe cộ vẫn chạy qua. Có chị ngồi trên vỉa hè vô tư cởi quần cho đứa bé gái độ 3 tuổi và cho cháu tè ra cả lòng đường mặc xe cộ lướt qua. Bãi đáp xe máy, hàng quán lộn xộn ngự trị cả vỉa hè của người đi bộ. Quảng cáo bán hàng đủ màu sắc sặc sỡ loạn xị với đủ các kiểu chữ Việt, Tây, Tàu…Các chàng vô tư ngồi chồm hỗm trên ghế phì phèo thuốc lá, miệng hô: “dô!dô!” ầm ĩ hay nhấm nháp bia rượu nhậu ngắm dòng người qua lại. Cái cảm giác vừa ngạc nhiên vừa buồn vừa có cái gì khó nói xâm chiếm. Tôi để ý xem các ông bà người ngoại quốc, thấy họ vẫn bình thản đi lại, nhưng trên nét mặt của họ có cái gì giông giống tôi chăng.

 

Anh chị tôi “ưu tiên” cho ông em “người Nga gốc Việt” này được ngồi đằng trước và cũng là để ông em “tác nghiệp” dễ dàng hơn. Thằng cu cháu cho xe vòng vo hết các làn đường cao tốc ngoại nội thành. Tôi thì cứ đi hết lạ lẫm này đến lạ lẫm khác bởi cảnh quan thay đổi chóng mặt sau bấy nhiêu năm.
 

Xen lẫn niềm vui vì sự thay đổi là cả nỗi buồn. Buồn trước cảnh tượng những tòa nhà cao tầng đồ sộ nhưng dang dở mãi. Tiền của thuế má và mồ hôi nước mắt? Sự tính toán và sai lầm? Hàng chục ngàn, hàng trăm ngàn tỷ đồng cứ như gió vào nhà trống thế này chăng? Quả thật làm ăn kinh tế của thời hội nhập không đơn giản chút nào. Và tôi cứ vẩn vơ suy nghĩ: Giá như…ừ, giá như để số tiền khổng lồ đó xây dựng những công trình có ích, thiết thực cho nhân dân vùng cao, vùng xa, vùng sâu, nào là trường học, bệnh viện, nhà trẻ, đê điều, cầu cống, đường sá, những cảnh đời cơ nhỡ khó khăn  v.v…thì có ý nghĩa thiết thực biết bao.

 

Chuyến tàu đêm ầm ầm xình xịch xuất phát từ ga Hà-Nội (ga Hàng-cỏ ngày xưa) đưa tôi về với miền Trung như đánh võng. Con tàu lắc lư chao đảo. Nó khác hẳn những chuyến tàu hàng ngày tôi vẫn thường đi làm việc ở bên Nga. Tôi nói đùa với anh chị: “Em có cảm giác như là đi thuyền trên biển ấy!” Anh chị tôi chỉ cười độ lượng và với vẻ cam chịu: “Biết làm sao hở em? Bao năm nay vẫn thế mà!”

 

Đường sắt Việt Nam mấy chục năm nay (từ thời Pháp thuộc cả trăm năm) vẫn chỉ là rộng có…1 mét? Trong khi ở các nước tiên tiến tối thiểu là 1.40 mét! Đi trên những con tàu của họ mà cảm giác như đi trong nhà. Tiếng động cũng giảm. Còn tàu của ta ư? Biết nói thế nào nhỉ? Đã chòng chành lại ầm ầm nhức đầu kinh khủng.

 

 Chưa nói tới chuyện hành khách ngổn ngang nằm ngồi, bất cứ góc nào có thể. Một chi tiết hơi kì kì đập vào mắt tôi: Anh nhân viên phụ trách toa nằm còng queo trên chiếc nilon trải ngay dọc lối đi? Sao thế. Hỏi ra mới biết, chiếc giường tiêu chuẩn của anh đã…“nhường”(?) cho một vị khách với “giá thỏa thuận”!!!

 

Chưa hết, ngay bên cửa ra vào toa và cả sát lối vào nhà vệ sinh cũng có một vài vị đang nằm choèo queo?! Và cái cảm giác vô cùng khó chịu khi chúng tôi phải chấp nhận nằm ở toa có đến…6 giường nằm! Điều mà bên Nga chưa từng có (thông thường chỉ có 4 giường). Bởi người ở dưới luôn phải gò mình, đúng là chỉ có nằm chứ không được phép ngồi? Bởi nếu anh ngồi thì đầu đụng trần giường trên và kịch trần toa.

 

Còn bên đường tàu, nhà dân ở quá sát! Có nguy hiểm lắm không? Có ồn ào lắm không? Lòng tôi cứ có cái cảm giác xốn xang khó tả.

 

 Đến như đường quốc lộ số 1A xuyên suốt cả chiều dài đất nước Bắc – Nam với cả trên ngàn km cũng chẳng rộng hơn ngày xưa tí chút nào sao? Tại sao ta không mở rộng làn đường một chiều cho xe cộ đi lại thông thoáng? (Ngay cả khi đi trên máy bay Boing của hãng hàng không Vietnam Arilier từ Mátxcơva về Hà Nội mà lúc ngồi vào chỗ dù cơ thể tôi thuộc cỡ nhỏ nhắn nhưng vẫn cảm thấy cái góc ngồi nó tù túng khó xoay sở làm sao ấy. Giả sử mấy ông tây to béo bụng phệ thì xoay sở làm sao nhỉ? Nhất là khi cái bàn ăn con con hạ thấp xuống để đặt đĩa đựng các món ăn, nó cứ ép chặt vào bụng. Phải chăng loại máy bay này quá nhỏ? Cũ kĩ thì là đương nhiên rồi)

 

Đồng ruộng, núi non, nhà cửa, ao hồ, sông ngòi… vùn vụt lao qua cửa sổ tàu trước mắt tôi. Những mái nhà tranh vách nứa giản dị xưa kia đã nhường chỗ cho mái ngói nhọn hoắt 2, 3 tầng đỏ chót mà vắt vẻo trên đó là những cột anten chống sét. Quả thực loại nhà này hồi tôi còn ở nhà, đâu đã có? Ánh đèn dầu tù mù năm nao đã thay bằng những bóng đèn điện neon xanh lè và cả đỏ quạch của loại bóng tròn quen thuộc.

 

Trâu bò và nông dân đã lững thững ra đồng. Xe cộ đi lại nườm nượp, tất bật. Bóng đêm đang lùi dần. Ánh bình minh đã đỏ rạng phía biển Cửa lò chỉ cách Vinh của tôi có 13 km.

 

Một ngày mới đã bắt đầu.

Vinh, 6.12.2012 – 5.1.2013

Võ Hoài Nam