"Mỗi sớm tỉnh giấc, tôi thấy biển quê hương"

Có được trò chuyện với Peter Nguyễn Thế Phượng, nghe câu chuyện Việt kiều Mỹ này mang cả biển quê hương sang bên kia bán cầu mới hiểu tấm lòng với quê hương đất nước của ông sâu sắc đến nhường nào...

Ông Peter Nguyễn Thế Phượng. (Ảnh:
Ông Peter Nguyễn Thế Phượng. (Ảnh: Nguyễn Á Độc Lập)
 
"Mừng vì bàn tay mình sạch"

Peter Nguyễn Thế Phượng quê gốc Thái Bình, nhưng ông theo gia đình đi di cư và lớn lên ở miền Nam. Năm 1972, khi mới 20 tuổi, cậu thanh niên Nguyễn Thế Phượng bị gọi đi lính, tham gia quân đội của chính quyền Sài Gòn. Ông bảo: "Họ phân tôi vào bộ phận tình báo nên phải trải qua một năm đào tạo chuyên môn. Đến giữa năm 1973, tôi mới bắt đầu làm việc thực sự".

Làm việc trong bộ phận này, ông Phượng hiểu rõ bản chất phi nghĩa của cuộc chiến và sự chán ghét chiến tranh trong ông ngày càng sâu sắc. Ông bảo: "Cũng may là làm tình báo nên bàn tay tôi không bị dính máu".

Tối 29/4/1975, ông rời Sài Gòn lên tàu Hải quân của quân đội Mỹ, sau một thời gian sống trong trại thuỷ quân lục chiến rồi tới định cư ở Colorado sau đó nửa năm. Ông bảo: "Tôi chưa bao giờ hình dung được cuộc chiến ấy có thể kết thúc, nhưng may mắn là nó đã kết thúc".

Bắt đầu cuộc sống ở Mỹ, Peter Nguyễn Thế Phượng chuyển sang học về hoá học. Nhờ chuyên ngành này, ông có dịp hiểu sâu hơn về tác hại của chất độc da cam/dioxin mà ông là nhân chứng sống khi còn làm việc trong quân đội Sài Gòn. Vì thế, ông bắt đầu quan tâm đến các công nghệ xử lý dư lượng dioxin trong đất và nước ở Mỹ và ở Italy bởi ông luôn canh cánh trong lòng con số hàng chục triệu gallon dioxin mà quân đội Mỹ rải xuống Việt Nam.

Ông bảo: "Năm 1970, khi vào nhà thương Từ Dũ, tôi đã thấy những thai nhi dị dạng được ngâm phoóc-môn. Khi đó người ta đã biết nó là hậu quả chất độc da cam, nhưng không ai hình dung được hậu quả lâu dài đến tận bây giờ của chất độc này. Khi tôi sinh hai đứa con, dioxin là điều ám ảnh tôi nhiều nhất. Cũng may, hai đứa không bị sao. Đó là may mắn của tôi".

Chút sức cuối đời

Dù đã nhiều lần trở về Việt Nam, nhưng ông Phượng vẫn nhớ như in lần đầu tiên trở về thăm quê hương mình hồi năm 1998. Ông kể: "Khi tôi vừa bước chân xuống sân bay Tân Sơn Nhất, trời đang nắng to bỗng đổ mưa rào rồi tạnh. Tôi hít hà mùi hơi đất bốc lên và thấy quen thuộc vô cùng. Đã 23 năm, tôi không được ngửi mùi hơi đất này, thứ mà sau cơn mưa trên đất Mỹ không có được. Về khách sạn, thay quần áo xong, tôi ra vỉa hè ngồi uống cà phê, không trò chuyện với bất kỳ ai, chỉ lặng đi lắng nghe những thanh âm của cuộc sống Việt Nam suốt vài tiếng đồng hồ...".

Ở Mỹ, ông tham gia tổ chức Cựu chiến binh vì hòa bình (VFP) và trở thành người Mỹ gốc Việt duy nhất trong tổ chức này. Ông hoạt động trong Chi hội số 91-Hugh Thompson Memorial, chi hội mang tên phi công Hugh Thompson-người đã ngăn cản đồng đội của mình trong vụ thảm sát ở Mỹ Lai. Câu chuyện của Thompson khiến Nguyễn Thế Phượng cảm động. Ông làm đơn xin tham gia Hội, đi vận động gây quỹ để Hội tiến hành những hoạt động hàn gắn vết thương chiến tranh ở Việt Nam.

Tháng 4/2015, Peter Nguyễn Thế Phượng lần đầu trở về Việt Nam với tư cách là thành viên Hội Cựu binh Mỹ. Ông cùng đoàn đã có chuyến đi xuyên Việt để thu thập thông tin cũng như tiến hành các kế hoạch hoạt động của Hội trong thời gian tới.

Trong cuộc trò chuyện với Nguyễn Thế Phượng, điều dễ cảm nhận nhất ở ông là sự đau đáu với những hậu quả chiến tranh vẫn hiện hữu trên quê hương mình, cũng như tâm tư của một người Việt xa xứ luôn mong mỏi một ngày không xa, đại đoàn kết dân tộc trong cộng đồng người Việt ở Mỹ sẽ trở thành hiện thực và tất cả mọi người cùng nhau hướng về dải đất hình chữ S.

Ông bảo: "Có một sự trùng hợp là gần 40 năm trước, tôi lên tàu của Hải quân Mỹ rời Việt Nam vào tối 29/4, thì 38 năm sau, cũng trong thời điểm ấy, tôi bước lên con tàu của Hải quân Việt Nam để đi thăm Trường Sa. Sự trùng hợp đó khiến tôi có nhiều cảm xúc. Sau chuyến đi ấy, tôi mang về một chai nước Biển Đông, một nhánh san hô và một nắm cát Trường Sa. Về Mỹ, tôi để lên ban thờ nhà mình. Tôi bảo với mọi người rằng mình tỉnh giấc là thấy Tổ quốc, thấy biển quê hương".

Theo Thiên Đức (ghi)
Thế giới và Việt Nam