Miễn thị thực - gắn kết kiều bào với quê hương

Trước đây, theo Quyết định 135, bà con kiều bào được miễn thị thực ba tháng. Tuy nhiên, theo Nghị định 82, bà con được miễn thị thực sáu tháng và thời hạn gia hạn là sáu tháng. Với Nghị định này, gần như bà con có điều kiện về trong nước bất cứ lúc nào.

Miễn thị thực - gắn kết kiều bào với quê hương - 1

Thứ trưởng Vũ Hồng Nam và đại biểu kiều bào về dự giỗ Tổ Hùng Vương năm 2015. (Ảnh: Dương Cảnh Tiêu)

Chiều 7/10, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Hồng Nam, Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) đã chia sẻ với báo chí về những nét mới cũng như ý nghĩa của Nghị định số 82/2015/NĐ-CP quy định miễn thị thực cho người Việt Nam định cư ở nước ngoài.

Nghị định 82 ra đời sẽ tạo điều kiện thuận lợi như thế nào cho bà con kiều bào, thưa Thứ trưởng?

Trước đây, theo Quyết định 135, bà con kiều bào được miễn thị thực ba tháng. Tuy nhiên, theo Nghị định 82, bà con được miễn thị thực sáu tháng và thời hạn gia hạn là sáu tháng. Với Nghị định này, gần như bà con có điều kiện về trong nước bất cứ lúc nào.

Thứ hai là Nghị định quy định đối tượng, phạm vi miễn thị thực rộng hơn. Thậm chí, thế hệ người Việt thứ hai, thứ ba hay thứ tư - tức là bất kỳ thế hệ nào có dòng máu Việt Nam, là con, cháu, chắt của người Việt Nam thì đều được miễn thị thực. Đây chính là bước tiến lớn của Nghị định 82 trong việc tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa để bà con trở về quê hương.

Cụ thể, những điểm mới trong Nghị định này là gì?

Việc ra đời Nghị định 82 là yêu cầu khách quan của quá trình xây dựng pháp luật. Với tính pháp lý và tính ràng buộc cao hơn Quyết định, Nghị định 82 ra đời sẽ mở những hành lang thông thoáng hơn cho bà con về thăm quê hương. Trong Nghị định này, có hai điểm mới đó là thủ tục cấp thị thực đơn giản hơn và thời gian miễn thị thực tăng từ ba tháng lên sáu tháng.

Cụ thể là trong quá trình hội nhập phát triển đất nước, nhu cầu trở về Việt Nam thăm thân, đầu tư kinh doanh… của bà con ngày càng tăng lên. Trong khi đó, các thủ tục giấy tờ ngày càng đơn giản hơn. Nghị định 82 ra đời, với quy định về các loại giấy tờ rõ ràng, cụ thể hơn, giúp các cơ quan đại diện xử lý hồ sơ nhanh chóng và chính xác hơn, tạo điều kiện thuận lợi cho bà con về thăm quê hương.

Thứ hai, hiện nay, nhu cầu về thời gian ở lại trong nước của đa số bà con cũng lâu hơn. Trước đây, bà con chỉ được ở trong nước ba tháng, nhưng với Nghị định 82, bà con có thể ở trong nước với thời gian lâu gấp đôi. Sau đó, bà con vẫn có thể xin gia hạn thành một năm. Thời hạn đó rất phù hợp với nhu cầu, cũng như giúp bà con có kế hoạch chủ động hơn, dài hơi hơn. Chính vì đòi hỏi khách quan, chủ quan như vậy, Chính phủ đã ban hành Nghị định 82.

Vậy những bà con bị mất giấy tờ chứng minh là người Việt Nam cần làm gì để được miễn thị thực?

Tôi nói vui thế này: Đã là người Việt Nam thì mất giấy tờ không phải điều gì quá quan trọng. Quan trọng nhất là anh đừng đánh mất dòng máu Việt Nam.

Như đã nói ở trên, đã là người Việt Nam thì đều có quyền xin miễn thị thực. Chúng ta có nhiều cách để xác định nguồn gốc của bà con. Trong Nghị định 82 đã quy định rất rõ: Trong trường hợp bị mất giấy tờ, bà con có thể tới cơ quan đại diện Việt Nam ở nước sở tại để xin xác nhận, hay xác định thông qua hội đoàn người Việt ở nước ngoài, những người có trách nhiệm… Thậm chí, bà con cũng có thể chuyển hồ sơ về trong nước để tìm lại nguồn gốc của mình, có xác nhận của chính quyền địa phương rằng người này trước đây đã từng sống ở đây, hoặc là con của người đã từng sống ở đây.

Tôi nhắc lại là Nghị định 82 quy định, việc miễn thị thực là dành cho bất kỳ ai có nguồn gốc Việt Nam.

Với một số người Việt ở nước ngoài, vì những lý do không đáng có mà họ chưa được miễn thị thực. Theo ông, vấn đề này cần giải quyết như thế nào?

Với một số người chưa được miễn thị thực là xuất phát từ nguyên nhân chủ quan của cá nhân người đó, trong đó có việc họ còn mang những định kiến, quan điểm, tư tưởng đi ngược lại với lợi ích của đất nước, của dân tộc. Điều này không phù hợp với chính sách đại đoàn kết dân tộc, chính sách an ninh của Việt Nam. Thậm chí, bản thân những người đó cũng không xin miễn thị thực.

Tôi cho rằng, người Việt Nam ở nước ngoài cần xác định mình là người Việt, mang trong mình dòng máu Việt. Mà đã là người Việt thì cần có lòng yêu nước, yêu dân tộc. Trong Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị, cũng như Chỉ thị 45 đã nêu rất rõ, những người có lòng yêu nước, yêu dân tộc, là thành viên của cộng đồng NVNONN thì đều được miễn thị thực.

Vì vậy, về khách quan, không có lý do nào để bất kỳ người Việt Nam bị cản trở khi xin miễn thị thực để trở về Việt Nam.

Các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có gặp bất kỳ khó khăn nào trong quá trình triển khai miễn thị thực cho bà con?

Chúng tôi cần có thời gian thay phôi cấp miễn thị thực, chuyển ra nước ngoài. Đây cũng là một trong những khó khăn bởi phôi mới cần được chuyển tới 96 cơ quan đại diện trước ngày 15/11 tới - là ngày cấp thị thực theo Nghị định mới.

Ngoài ra có thể kể đến khó khăn trong giải thích, tuyên truyền cho bà con. Có những vùng bà con sống tập trung, việc thông tin, tuyên truyền về chính sách mới sẽ đơn giản hơn so với những vùng bà con sống đơn lẻ, không gần cộng đồng. Vì vậy, việc chủ động tiếp cận bà con để đưa thông tin cũng là một khó khăn khách quan mà các cơ quan đại diện phải vượt qua.

Tuy nhiên, tôi tin tưởng rằng các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, thông qua các phương tiện truyền thông công nghệ cao, qua Internet, qua các hội đoàn người Việt Nam ở nước ngoài, sẽ nhanh chóng phổ biến thông tin kịp thời tới bà con, sao cho trong dịp Tết Nguyên đán sắp tới, số lượng bà con trở về thăm quê hương bằng giấy miễn thị thực mới này sẽ ngày một đông hơn.

Bảo Khánh (thực hiện)

Theo Thế giới và Việt Nam

Miễn thị thực - gắn kết kiều bào với quê hương - 2

 

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm