Ký ức về "chiến dịch không vận trẻ em" cách đây 40 năm
(Dân trí) - Khi chiến tranh Việt Nam gần đi đến hồi kết, chính quyền Mỹ đã đưa gần 2.700 trẻ em Việt Nam rời Sài Gòn trong chiến dịch “không vận trẻ em”. Một nữ tiếp viên hàng không mới đây đã kể lại những ký ức của bà về một chuyến bay thuộc chiến dịch này.
Một nhân viên người Mỹ đặt các em nhỏ vào từng hộp trước khi đem lên máy bay. (Ảnh: DIA.mil)
Nhịp cầu kết nối tìm lại người thân
Theo đề nghị của bạn đọc, báo Dân Trí sẽ làm cầu nối để đăng tải thông tin nhằm giúp những người con Việt Nam trong “chiến dịch không vận trẻ em” năm 1975 tìm lại thân nhân. Độc giả trong và ngoài nước quan tâm, có những thông tin hay câu chuyện về chiến dịch này, hãy chia sẻ với chúng tôi. Thư xin gửi về địa chỉ thegioi@dantri.com.vn. Chân thành cảm ơn! (Thư có thể viết bằng tiếng Việt hoặc tiếng Anh). |
Hồi tháng 4/1975, bà Witherspoon là một tiếp viên của hãng hàng không World Airways của Mỹ.
“40 năm trước, tôi đã nghĩ là mình đang trong một chuyến công tác như bình thường. Tôi không biết chúng tôi sẽ đi tới đâu. Cuối cùng, chúng tôi đến Sài Gòn khi chính quyền tại đây bắt đầu sụp đổ”, bà nói.
Bà Witherspoon cùng cấp trên của mình là ông Ed Daly đến Sài Gòn ngay trước ngày giải phóng Sài Gòn. Trong thời điểm đó, hàng ngàn người dân Sài Gòn đang tìm cách sang Mỹ định cư.
Ông Daly đã dàn xếp để vận chuyển hàng chục trẻ nhỏ rời khỏi Việt Nam trên một chiếc máy bay thường được sử dụng để chở gạo, chứ chưa từng vận chuyển hành khách. Bởi vậy, chiếc phi cơ không có các chỗ ngồi hay mặt nạ khí ôxi, bà Witherspoon kể lại.
Đại diện của một trại trẻ mồ côi đã tới xem máy bay trước khi cho những đứa trẻ lên và họ đã từ chối sau khi nhìn thấy bên trong phi cơ, bà Witherspoon cho biết.
Nhưng sau đó, một trại trẻ khác, gồm phần lớn những em nhỏ là con lai của các lính Mỹ với phụ nữ Việt Nam, đã đồng ý cho trẻ lên máy bay.
“Khi chúng tôi đang đợi trên đường băng, trời rất tối. Bỗng nhiên, chúng tôi nghe thấy tiếng bọn trẻ hô: “California, ta đến đây”. Chúng lên máy bay, phi cơ cất cánh vào khoảng 5 giờ, ngay trước khi mặt trời lặn”, bà Witherspoon kể lại.
"Bởi đến đêm, mọi thứ sẽ không an toàn nữa, sân bay không còn nằm trong quyền kiểm soát của chúng tôi… Chúng tôi cất cánh mà không xin phép trạm kiểm soát không lưu và không bật đèn trên đường băng…”, bà Witherspoon nói.
Dù chịu rủi ro sẽ bị pháo bắn rơi, chiếc máy bay vẫn cất cánh, và may mắn hạ cánh an toàn tại California. Cho đến nay, bà Witherspoon vẫn giữ một tấm ảnh của những đứa trẻ nhìn chằm chằm ra ngoài cửa kính phi cơ vì trước đó chúng chưa từng được lên máy bay.
Theo The star, ngày 3/4/1975, khi cuộc chiến tranh ở Việt Nam đi đến hồi kết, Tổng thống Mỹ Gerald Ford tuyên bố phải đưa tất cả trẻ em Việt mồ côi rời khỏi Sài Gòn bằng máy bay ngay lập tức. Kế hoạch này được gọi là “chiến dịch không vận trẻ em”. Phía Mỹ tuyên bố phần lớn trẻ mà họ đưa rời khỏi Việt Nam là trẻ mồ côi, có thể đã mất bố, mẹ trong chiến tranh, bị bỏ rơi, hay là con của lính Mỹ với phụ nữ Việt trong thời chiến.
Một ngày trước khi tổng thống Gerald R. Ford chính thức phê chuẩn chiến dịch, chuyến bay đầu tiên chở gần 60 trẻ em đã cất cánh.
Quân đội Mỹ vẫn tiến hành chiến dịch từ ngày 5/4 đến 26/4 với hơn 30 chuyến bay. Theo ước tính của Mỹ, các phi cơ đã đưa gần 2.700 trẻ em rời Việt Nam. Các em sau đó đã trở thành con nuôi trong các gia đình ở Mỹ, Canada, Úc và Pháp.
Đây là một chiến dịch gây tranh cãi ngay cả trong nội bộ nước Mỹ, nhiều người cho rằng không phải tất cả các em đều là trẻ mồ côi. Ngoài ra, việc tách những đứa trẻ này khỏi quê hương, nguồn cội bị chỉ trích bởi nó sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống của các em. 40 năm sau ngày bị buộc phải rời quê hương, nhiều đứa bé trong chiến dịch không vận năm ấy luôn đau đáu hướng về quê hương.