Kiến nghị Thủ tướng Đức đưa vấn đề Biển Đông vào Hội nghị G20
Cộng đồng người Việt tại Đức và châu Âu gửi Kiến nghị thư đến Thủ tướng Đức Angela Merkel, đề nghị đưa vấn đề Biển Đông vào chương trình nghị sự của G20
Sáng ngày 30/6, GS.TS. Nguyễn Văn Thoại, Chủ tịch Liên hiệp người Việt toàn Liên bang Đức đã đại diện cho một số hội đoàn người Việt tại châu Âu trao "Kiến nghị thư" về vấn đề Biển Đông cho Thủ tướng Đức Angela Merkel thông qua đại diện của bà tại Phủ Thủ tướng nhân dịp Hội nghị Thượng đỉnh G20. Đức là Chủ tịch luân phiên của Hội nghị Thượng đỉnh G20 năm nay.
Bức thư ngỏ của cộng đồng người Việt tại châu Âu đã tố cáo những hoạt động sai trái của Trung Quốc, vi phạm công ước quốc tế, làm ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường biển. Theo kiến nghị thư, hành động phá các rạn san hô để bồi đắp các đảo nhân tạo, ngang nhiên đòi hỏi chủ quyền đối với 90% khu vực Biển Đông của Trung Quốc là hết sức phi lý, đã bị Tòa Trọng tài Quốc tế bác bỏ. Việc Trung Quốc ráo riết xây dựng các căn cứ quân sự nhằm quân sự hóa Biển Đông đã gây căng thẳng và bất ổn trong khu vực, đe dọa tự do hàng hải quốc tế ở Biển Đông là nơi vận chuyển tới 40% hàng hóa thương mại của thế giới.
Bức thư ngỏ kêu gọi Thủ tướng Angela Merkel và Chính phủ CHLB Đức quan tâm hơn nữa tới vấn đề Biển Đông, lên án các hoạt động hiếu chiến và trái với công pháp quốc tế của Trung Quốc, yêu cầu Trung Quốc chấm dứt ngay lập tức các hoạt động phi pháp này và ủng hộ việc giải quyết xung đột bằng các biện pháp hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Bức thư ngỏ đề nghị Thủ tướng Merkel đưa các cuộc xung đột lãnh thổ lãnh hải trên thế giới, trong đó có vấn đề Biển Đông và yêu cầu việc giải quyết các xung đột bằng các biện pháp hòa bình dựa trên luật pháp quốc tế được vào chương trình nghị sự và Tuyên bố cuối cùng của Hội nghị Thượng đỉnh G20 tại Hamburg.
Đại diện các hội đoàn khi ký Thư kiến nghị
Trước đó, ngày 29/6, tại thủ đô Berlin - Cộng hòa Liên bang Đức, cộng đồng người Việt tại Châu Âu đã tổ chức lễ ký kết "Kiến nghị thư" nói trên gửi Thủ tướng Đức Angela Merkel.
Phát biểu tại buổi lễ, Gs. Tiến sỹ Nguyễn Văn Thoại, Chủ tịch Liên hiệp người Việt toàn Liên bang Đức nhấn mạnh, đây là hoạt động tiếp nối các hoạt động truyền thống của bà con kiều bào tại Cộng hòa liên bang Đức trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo, bày tỏ thái độ với những kẻ xâm lược.
Thời gian gần đây, Trung Quốc đã có những bước quân sự hóa ngang nhiên trên Biển Đông, bất chấp sự lên án, phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, gây mất an toàn, an ninh hàng hải. Do đó, cộng đồng người Việt muốn có tiếng nói, chung sức với người dân trong nước lên án, đấu tranh với những hành động ngang ngược của Trung Quốc.
Mặt khác, Hội nghị thượng đỉnh G20 cũng là cơ hội để các quốc gia có thể cùng nhau lên tiếng, góp phần đảm bảo hòa bình, an ninh, an toàn hàng hải.
Ông Nguyễn Duy Tiến, Chủ tịch CLB Cựu chiến binh tại Ba Lan trả lời phỏng vấn báo chí.
Ông Nguyễn Duy Tiến, Chủ tịch Câu lạc bộ cựu chiến binh tại Ba Lan bày tỏ sự ủng hộ với "Kiến nghị thư" và khẳng định, nguyện vọng của cộng đồng người Việt tại Đức cũng là nguyện vọng của người Việt tại Ba Lan cũng như các quốc gia châu Âu.
Ông Lê Hồng Cường, Chủ tịch Hội Tân Trào tại CHLB Đức trả lời phỏng vấn báo chí.
Ông Lê Hồng Cường, Chủ tịch Hội Tân Trào - CHLB Đức đánh giá, đây là hoạt động hết sức có ý nghĩa trong bối cảnh Trung Quốc tiến hành các hoạt động trên thực địa, làm leo thang căng thẳng trên biển Đông, tiến hành các hoạt động xâm phạm nghiêm trọng đến chủ quyền, lãnh thổ biển đảo của Việt Nam, vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế và đe dọa an toàn, an ninh hàng hải trong khu vực.
Trong thời gian tới, Cộng đồng người Việt tại Đức cũng như ở châu Âu sẽ tiếp tục có những hoạt động thiết thực, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam.
Theo CTV Trung Khoa
VOV