Khi sinh viên làm part-time

Mùa nghỉ hè tại Úc được xem là thời điểm lý tưởng để sinh viên Việt Nam tranh thủ làm thêm kiếm tiền trang trải cuộc sống vốn đắt đỏ tại đây.

Phục vụ tại quán ăn nhanh - công việc được nhiều sinh viên lựa chọn.
Phục vụ tại quán ăn nhanh - công việc được nhiều sinh viên lựa chọn.

Thường những công việc được các bạn ưu tiên lựa chọn là thu ngân, bán hàng, pha chế đồ uống… và đặc biệt là thu hái trái cây ở nông trại.

Đủ nghề làm thêm

Theo Thu Hằng (Đại học Latrobe – TP Melbourne), không chỉ kỳ nghỉ hè mà trong thời gian học rất nhiều bạn sinh viên cũng tranh thủ tìm kiếm việc làm thêm. Hằng cho biết cô đã có thâm niên part-time với rất nhiều công việc như pha chế đồ uống, phục vụ ở cửa hàng ăn nhanh. “Khác với du học sinh được học bổng không phải lo tiền ăn ở, học phí, mình đi học tự túc nên phải vừa đi học vừa đi làm vì giá sinh hoạt ở Úc đắt hơn Việt Nam nhiều”, Hằng kể.

Cũng theo lời Hằng thì ở Úc có quy định sinh viên không được làm thêm quá 20 tiếng trong 1 tuần (thời gian đi học), bởi vậy, cô chỉ dám nhận làm 3 buổi phụ bán tại một tiệm ăn nhanh với mức lương hơn 200 đôla Úc (AUD)/1 tuần, tức 900 AUD/tháng (1 AUD = 14.000VND). Với số tiền này đủ để cô sinh viên năm thứ 2 trang trải chi phí cá nhân với tiền thuê nhà, điện nước, ăn uống. Còn tiền học phí thì vẫn phải nhờ trợ cấp của bố mẹ ở nhà gửi sang.

Ngoài những công việc phục vụ quán ăn hay pha chế đồ uống, bán hàng quần áo, không ít bạn chọn cho mình việc làm tại các nông trại. Tùng Lâm - sinh viên trường Đại học Latrobe khoe, thường hái xong mỗi thùng nho được trả khoảng 15-20 AUD. Một buổi nếu chăm chỉ thì hái được khoảng 6, 7 thùng. Với sinh viên đã từng đi làm ở nông trại rồi thì hái nho khá nhanh. Còn bình thường phải mất khoảng 1-2 tuần mới quen được công việc.

Lâm kể: rất nhiều bạn bè của em đã chọn công việc này bởi không bị gò bó trong những không gian chật hẹp của các cửa hàng. Ngoài mức thu nhập ổn nếu chịu khó, những bạn ưa thích khám phá còn được hòa mình vào thiên nhiên ở những nông trại mênh mông ngút tầm mắt và tha hồ thưởng thức hương vị trái quả còn tươi rói như nho, cherry, bơ, mâm xôi…Thế nhưng, cũng phải có bản lĩnh lắm mới làm được việc này bởi theo Lâm, mùa hái nho nhiệt độ thường lên tới khoảng 43 độ C. Các bạn phải đội trên đầu một chiếc khăn mặt ướt sũng nước rồi mới đội mũ vải lên, vậy mà chỉ sau mười lăm phút chiếc khăn đã khô cong. Sự vất vả, nóng nực và nhọc nhằn ấy kéo dài đến cả vài giờ đồng hồ ngoài trời nắng.

Theo kinh nghiệm của các bạn du học ở Úc thì có hai hình thức làm việc. Nếu Casual Job tức tuyển nhân viên theo dạng làm chui, trả lương bằng tiền mặt và thường không trả đúng mức lương tối thiểu quy định thì những công việc part-time sẽ cho phép bạn được hưởng các quyền lợi về bảo hiểm lao động và được hưởng mức lương tối thiểu đúng với quy định, bởi vậy đa phần các bạn trẻ chọn công việc này.

Không ít cơ cực

Bên cạnh những công việc thuận lợi, kiếm đủ tiền để lo chi phí sinh hoạt hàng ngày thì nhiều bạn sinh viên Việt ở Úc cũng chia sẻ không ít khó khăn, cơ cực khi tìm việc làm thêm. Một du học sinh ở Úc đã chia sẻ trên mạng xã hội rằng, cô được giới thiệu đến làm ở một cửa hàng Phở Việt Nam tại khu Sunny Bank – một trong những khu thương mại khá sầm uất của người châu Á ở Brisbane. Đó là một cửa hàng gọn gàng với cô chủ người Sài Gòn khá dễ tính, thế nhưng công việc ở đây lại không dễ chút nào.

“Trong suốt 5 tiếng đồng hồ, tôi phải di chuyển liên tục, chân mỏi rã rời. Những lúc có khách thì không nói, khi không có thì có thêm một loạt công việc không tên chờ sẵn. Nào là dọn dẹp, lau tủ lạnh, cửa kính... lúc nào cũng phải sáng bóng. Ở đây, Sở Môi trường sẽ đến và kiểm tra hai tuần một lần, nếu không sạch sẽ và bị phát hiện không đạt tiêu chuẩn thì quán có thể sẽ bị đóng cửa tạm thời để dọn dẹp, khi họ kiểm tra lại đạt yêu cầu thì mới được tiếp tục kinh doanh. Bởi vậy các chủ cửa hàng rất cũng phải tuân thủ rất nghiêm ngặt” – du học sinh này chia sẻ.

Những ngày đầu đến phụ bán hàng tại một quán ăn ở Syney, Tú Trinh - sinh viên Đại học Latrobe đã bị choáng khi buộc phải thuộc lòng tới cả 100 món ăn và mấy chục loại nước uống, ngoài ra phải học cách rót các loại rượu vang, cách viết order hay phân biệt món này dùng gia vị gì, món kia dùng kèm loại rau nào…Thế nhưng, sau 1 tuần nỗ lực làm việc đến ngày lĩnh lương cô lại bị chủ cửa hàng ăn chặn tiền vì lý do không cung cấp mã số thuế (trong khi theo quy định những công việc trả bằng tiền mặt thì không cần phải cung cấp).

Những rủi ro như trường hợp của Tú Trinh cũng không hiếm. Bởi vậy, tại Úc, nhiều trường đại học đã có những nhóm du học sinh Việt Nam được thành lập nhằm hướng dẫn cho người mới sang bắt nhịp với môi trường mới cả trong việc học hành và tìm kiếm những công việc phù hợp để trang trải cuộc sống vốn đắt đỏ ở xứ xở chuột túi này.

Sinh viên quốc tế du học Úc chỉ được làm thêm từ 20 giờ trở xuống trong thời gian đi học và toàn thời gian trong kỳ nghỉ; Nếu quyết định làm thêm ở Úc, bạn phải xin cấp giấy phép làm việc tại Cơ quan di trú (DIMA), và phải đăng ký mã số thuế; Ở Úc được hơn 6 tháng thì sẽ được miễn thuế 6.000 AUD trong tháng lương đầu tiên như những công dân Úc khác... đó là những thông tin vô cùng bổ ích với những bạn sinh viên đang có nhu cầu tìm kiếm một công việc làm thêm trong quá trình du học.

Theo Lan Phương

Đại đoàn kết