GS Nguyễn Văn Thuận: Tôi quyết định trở về quê hương mình…

Để đi đến quyết định này thật ra rất khó khăn vì GS Nguyễn Văn Thuận vốn là người đang có vị trí ổn định ở một số trường đại học lớn tại các nước phát triển.

GS Nguyễn Văn Thuận sinh năm 1966, tốt nghiệp Đại học Kobe năm 2002 và làm nghiên cứu sinh tại Viện Công nghệ Sinh học thuộc Viện RIKEN, Nhật Bản. Từ tháng 3-2007 đến nay, ông giảng dạy tại Khoa Công nghệ Sinh học động vật tại Đại học Konkuk (Seoul, Hàn Quốc), đồng thời là Chủ tịch Hiệp hội Công nghệ Sinh học Sinh sản Châu Á (The Asian Reproductive Biotechnology Society, gọi tắt ARBS). Hồi cuối năm 2012 vừa qua, sau cuộc gặp gỡ với Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân tại trường Đại học Konkuk, GS Thuận đã quyết định trở về Việt Nam làm việc…

GS Nguyễn Văn Thuận

GS Nguyễn Văn Thuận

Để đi đến quyết định này thật ra rất khó khăn vì GS Nguyễn Văn Thuận vốn là người đang có vị trí ổn định ở một số trường đại học lớn tại các nước phát triển. Song, theo lời GS Thuận tâm sự: "Chỉ có thế hệ chúng tôi và thế hệ trước chúng tôi, những người đã trưởng thành về chuyên môn và tạm được thế giới công nhận mới có thể tạo nền tảng cơ bản trong nghiên cứu và học thuật tại quê hương để các em trở về có đất phát triển. Bởi dù sao chúng tôi cũng là thế hệ đi trước của các em và phải có trách nhiệm tạo dựng nền tảng trong chuyên ngành của mình để các em có cơ hội phát triển học thuật trên quê hương mình như một số nhà khoa học Việt Nam đã làm trước đây cho thế hệ chúng tôi có thể phát triển như hôm nay!”

Trả lời lý do tại sao có quyết định quay về Việt Nam, GS Thuận cho biết: "Tôi hiểu đất nước Việt Nam mình rất nhiều người có học vị Tiến sĩ, nhưng còn thiếu những tổng công trình sư nắm trọn vẹn chiếc chìa khóa công nghệ. Vì khoa học, công nghệ hiện đại rất phức tạp, nếu chỉ biết một vài kỹ thuật trong chương trình tiến sĩ thì vẫn khó hòa nhập với học thuật của thế giới và làm tốt một dự án lớn đạt hiệu quả”. Đáng chú ý, GS Thuận còn thường hay kể một câu chuyện liên quan đến sự việc này. Rằng vào năm 2007, thời điểm Hàn Quốc còn thua Nhật Bản 15 bậc, cũng là khi ông quyết định rời Viện nghiên cứu Tsukuba sang trường ĐH Konkuk. 

TS Takashi Nagai - Giám đốc Viện nghiên cứu này đã ngồi trò chuyện với ông suốt cả đêm vì chỉ muốn biết lý do tại sao ông nhất định rời bỏ vị trí lương rất cao và hứa hẹn biên chế vĩnh viễn tại Nhật Bản để sang xứ Hàn. Sau đó TS Takashi Nagai còn nhờ TS Bùi Xuân Nguyên (trước chuyên làm về phôi tại Viện Khoa học Công nghệ Quốc gia Việt Nam) tác động để ông sớm thay đổi ý định, quay trở lại Nhật Bản. GS Thuận kết luận: "Bây giờ thì các đồng nghiệp của tôi đã biết, tôi đi để học thêm những gì mình còn thiếu vì Hàn Quốc rất giỏi về kỹ thuật chuyển gène trên động vật, và tôi đã học được. Do đó, quyết định lúc ấy của tôi cũng là rất đỗi bình thường!”

Như đã nói, hiện tại GS Thuận đã "chốt” thời gian trở về quê hương của mình. Thời điển đó là vào tháng 3-2013, ông sẽ rời khỏi vị trí giáo sư ngành sinh học của trường Đại học Konkuk để trở về Việt Nam. GS Thuận luôn tỏ ra hết sức tin tưởng về tương lai của ông ở Việt Nam. Bởi suốt hơn 10 năm qua, hầu như năm nào ông cũng tìm về Việt Nam từ một đến hai lần. Khi thì tham dự các hội thảo khoa học, khi thì tham gia phỏng vấn sinh viên để gửi ra nước ngoài học tại các phòng thí nghiệm của đồng nghiệp của ông ở Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ và nhiều nước khác trên thế giới. 

Và để chuẩn bị cho sự trở về của mình, GS Thuận đã hợp tác với GS.BS Morimoto - Chủ tịch kiêm CEO của IVF-Japan, Bệnh viện điều trị vô sinh CHA tại Seoul cùng Trường Đại học Tân Tạo phát triển Trung tâm Điều trị Vô sinh với mục đích mang lại hạnh phúc cho những cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn. GS Thuận nói thêm: "Các công việc chuẩn bị đã gần hoàn tất và dự kiến Trung tâm sẽ đi vào hoạt động ngay trong năm 2013 này. 

Tôi cùng các chuyên gia IVF-Japan tin tưởng nó sẽ gặt hái thành công tại Việt Nam. Ngoài ra tôi đã cũng nhận lời mời của PGS.TS Hồ Thanh Phong phụ trách đào tạo chương trình Tiến sĩ về Công nghệ Sinh học tại Trường Đại học Quốc Tế (trực thuộc Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh). Cạnh đó tôi cũng sẽ giúp Trường Đại học Tân Tạo của GS Võ Tòng Xuân thành lập Khoa Công nghệ Sinh học động vật trong hợp tác với Hiệp hội Công nghệ Sinh học Sinh sản Châu Á… 

Nói tóm lại, mong ước duy nhất bây giờ của tôi là trong vòng 2 - 3 năm tới tôi có thể nghiên cứu thành công nhân bản vô tính động vật tại Việt Nam. Vì đây là bước quyết định cho thành công hay không của các nghiên cứu tiếp theo về chuyển cấy gène trên động vật ứng dụng cho sản xuất dược phẩm sinh học "Pharming or green biomedical industry”. Tôi đã thành công công việc này khi đến Hàn Quốc và tôi tin rằng mình sẽ thành công bước đầu tiên này tại chính quê hương mình!”

Theo Trung Nguyên
Đại Đoàn Kết

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm