Đường về Xứ Quảng
(Dân trí) - Tôi lại rong ruổi trên con tàu Bắc – Nam để về với Quảng Nam quê nội. Thành phố Vinh thân thương từ từ lùi dần phía sau lưng khi tôi vừa alô vừa vẫy vẫy tay tạm biệt anh trai qua cửa sổ kính được đóng kín dọc hành lang.
Bên “sông Hàn vang tiếng hát”
Tàu qua sông Lam thơ mộng, một vài chiếc thuyền lặng lẽ lướt trên sông. Đây là giang sơn của Hà Tĩnh, quê hương của Tiên-điền, của “Truyện Kiều” và là của đại thi hào Nguyễn Du. Núi non làng mạc ẩn hiện trong bóng đêm. Thấp thoáng xa xa là những bóng đèn pin của vài người dân đi trên đồng, họ soi ếch chăng, nhưng trời đâu có mưa? Hay bắt cá? Cuối cùng thì tôi cũng chập chờn trong giấc ngủ theo nhịp rung lắc như đánh võng và tiếng xình xịch đều đều của con tàu…
Bỗng dưng con tàu giật mạnh làm cả toa thức giấc. Tàu dừng. Đợi tránh tàu cả mấy chục phút đồng hồ. Đèo Ngang đây rồi! Mảnh đất mà xưa kia đã làm Bà Huyện Thanh Quan lúc dừng chân ở chốn này phải thốt lên những vần thơ để đời cho hậu thế: “…Bước đến đèo Ngang nắng xế tà / cỏ cây chen lá đá chen hoa…” tự dưng trong lòng tôi không khỏi ngậm ngùi. Quảng Bình đã hiện ra trước mắt tôi, cái mảnh đất có bề ngang (khoảng 50 km) hẹp nhất Tổ quốc Việt Nam mang hình chữ S. Rồi tới ga Đồng hới. Tiếng rao hàng rong lanh lảnh nằng nặng của xứ quê: “…Chang chang cồn cát nắng trưa Quảng Bình…” (Mẹ Suốt – Thơ Tố Hữu) Cũng là nơi mà một thời khói lửa chống Mĩ của những năm 60, 70…các chú lính trẻ người Bắc trên đường vào Nam chiến đấu đã trìu mến gọi đùa Quảng Bình là quê hương: “hai bọ” - bởi ba mạ đều cắt tóc giống như nhau!
Đây rồi, Quảng Trị - nơi có bao dấu tích oai hùng mà cũng bi tráng của cái năm ác liệt 1972 bên thành cổ. Giá như đừng có chiến tranh thì những vẻ đẹp của lịch sử, của thiên nhiên vẫn còn sống mãi với con người.
Trời đã sang canh mấy rồi? Một chị quê tận Nha Trang nằm ở giường trên cùng sát trần ngay lúc tàu chuyển bánh được vài chục phút đã kêu lên oai oái vì không nằm nổi, chị kêu là tàu cứ lúc la lúc lắc như đánh võng, nên buồn nôn. Chị lật đật trèo xuống và trải nilon nệm chăn xuống nền, miệng cằn nhằn: “…tui thà ngủ chỗ ni chứ có các vàng cũng không nằm nơi cái nóc trần võng đưa đến buồn nôn đó…”
Huế! Tôi ngồi bật dậy. Bởi đó là quê ngoại của tôi, bụng thầm nghĩ: Sẽ quay lại với Huế lúc trở ra Bắc. Bỗng dưng bên khóe môi của tôi có cái gì mằn mặn, tôi lặng lẽ khóc thầm trong bóng đêm. “…Huế ơi, quê mẹ của ta ơi / nhớ tự ngày xưa thuở chín mười / mây núi hiu hiu chiều lặng lặng / mưa nguồn gió biển nắng xa khơi…” (thơ Tố Hữu)
Làng Lăng-cô lướt qua với một vùng sóng nước mênh mang và bóng dừa trong đêm như xạc xào.... Tàu lại giật, lại đứng, dừng chân dưới chân đèo Hải Vân, phải mất cả tiếng đồng hồ bởi để tránh tàu. Thật là mất thì giờ! Giá như có hai đường tàu xuôi ngược để trong Nam ra ngoài Bắc vào thì đâu phải trải qua cái cảnh tránh tàu bất đắc dĩ này nhỉ? Không hiểu các anh chị ở ngành đường sắt Việt Nam có suy nghĩ gì không? Ban đêm nên không thể ngắm nhìn mây trời quyện lẫn vào nhau. Dưới kia là biển. Sóng vỗ ì oạp tung bọt trắng xóa vào bờ suốt ngày đêm. Biển thân thương, biển Việt Nam ta đó.
Trời đã sáng hẳn. Đà Nẵng, Quảng Nam kia rồi! Sắp về tới quê nội của tôi. Tôi đã không còn ngủ từ lúc tàu vào đến Huế, có lẽ chỉ chợp mắt được khoảng 3, 4 tiếng đồng hồ gì đó trong suốt cả đêm dài của cuộc hành trình? Ga Đà Nẵng. Cái cảm giác khó nói cứ nao nao trong lòng. Nhớ ngày nào tôi vẫn thường một mình đi đi về về thăm ba mẹ tôi ở mảnh đất này. Và bây giờ, cũng một mình đi về nhưng chẳng còn ba còn mẹ để mà thăm mà chăm sóc Người nữa. Một nỗi buồn xâm chiếm. Nhớ mấy hôm vừa rồi, anh trai, chị gái và tôi đã cùng vào thắp hương cho ba tôi ở vùng ngoại ô thành phố Vinh. Lăng mộ của ba tôi đã được các anh chị xây cất rất là chu tất. Mộ được đặt ở ven sườn núi cao, bóng cây phượng vĩ như trùm bóng mát cho ba. Dưới cơn mưa phùn mùa đông xứ Nghệ hơi lành lạnh, cả ba anh chị em tôi cùng kính cẩn bên Người mà nước mắt nghẹn ngào…Ngày ba mất khi tôi còn ở trong quân ngũ, anh chị tôi bảo: Ba cứ nhìn ra hướng cửa bệnh viện thành phố Vinh như chờ đợi em…Trời ơi, con thật là bất hiếu ba ơi! Và 21 năm nay bôn ba nơi xa xứ, tôi mới lại được trở về để tạ tội với Người, hãy thứ tha cho con trai nghe ba. Tôi cũng thầm nói với ba trong nước mắt: “Ba ơi, cháu nội của ba là Vitali Namovich Võ cũng đã về bên ông nội đó! Có điều cháu nội của ông phải nằm lại ở tận nước Nga xa xôi cả mấy chục ngàn cây số ba ơi!” Cả cuộc đời vất vả với đồng lương công chức của ba cũng chỉ vì đàn con mà Người phải chịu bao cực khổ của một thời đạn bom và vô cùng thiếu thốn.
Ga Đà Nẵng đây rồi. Thằng em trai ra đón. Anh em tay bắt mặt mừng. Nó có vẻ già dặn chín chắn hơn trước. Và đây là lần đầu tiên trong đời tôi đội mũ bảo hiểm để ngồi xe máy. Nó chở tôi vòng vèo qua những con phố lạ hoắc. Chợ Cồn của Đà Nẵng không như ngày nào khoảng 37, 38 năm về trước mà tôi vẫn thường lượn lờ mua những đĩa ca nhạc cải lương, tân cổ giao duyên, hay nhạc vàng, tiền chiến... Phố phường Đà Nẵng bây giờ rộng đẹp phồn vinh hơn nhiều. Tôi thực sự ngỡ ngàng trước cảnh quan thay đổi chóng mặt đến “dễ sợ” (cái cụm từ mà hồi xưa còn ở nhà chúng tôi hay dùng để ca ngợi ví von) Đúng là ông Nguyễn Bá Thanh có thể ví như một “thầy phù thủy cao tay ấn”? Chả trách dân Đà Nẵng có cả những người thân của tôi trong đó luôn ca tụng ông. Làm lãnh đạo như ông mà để dân tin dân mến ở thời buổi này quả là của hiếm. Khi tôi viết những dòng này cũng là khi dân Đà Nẵng đang vô cùng luyến tiếc ông vì ông phải ra trung ương làm việc khác. Dừng chân bên quán “Bê thui” mà ngay trước cửa tiệm có cả một con bê vàng đang được quay giòn tan nằm tỏa mùi thơm đến quyến rũ trên bếp than to đỏ rực với chiều dài cỡ 2,5 mét, rộng 1 mét. Hai anh em làm hai tô bún bò giò heo lót dạ ở tiệm mà cảm thấy nóng bừng cả người mặc dù quạt máy chạy vù vù, bởi thời tiết của Đà Nẵng nóng chứ không se lạnh như ngoài Vinh.
Cho xe tấp vào nhà hàng “Bê thui Mười” nổi tiếng dọc đường, đây là địa điểm khá đông khách từ ngoài Bắc vào, trong Nam ra. Mấy anh em làm những tô bún bò ngầy ngậy lót dạ mà cảm thấy xứ Quảng quê tôi còn ẩn chứa nhiều điều thú vị về ẩm thực.
Huyện Tam Kì có thị xã Tam Kì ngày trước là vùng quê tôi nay là thành phố Tam Kì thủ phủ của tỉnh Quảng Nam! Còn huyện của tôi nay là Phú Ninh, tự nhiên tôi cứ thấy buồn buồn sao sao ấy. Tam Kì hôm nay đẹp và rộng hơn nhiều. Tôi nhớ ngày xưa khi tôi về thăm thì thị xã hãy còn bé, nằm trải dài theo quốc lộ 1A. Nay mở rộng đường ngang ngõ dọc như bàn cờ. Siêu thị, cửa hàng, quán xá…mọc như nấm. Nhưng tuyệt nhiên không ồn ào mà trái lại rất yên tĩnh. Đường phố cũng phong quang, sạch sẽ. Thanh An bạn tôi tỏ ra là thằng bạn hết sức chu đáo. Cho xe đưa tôi về tận nhà. Đưa ông bạn cũ tham quan hết Tam Kì, tìm nơi có món ăn đặc sản dân dã của quê hương đãi bạn cũ.
Những con đường làng ở quê tôi bây giờ khác hẳn, nó được bê-tông hóa. Khá là sạch sẽ chỉ lác đác vài ba cọng rác. Mái ngói lô xô nhiều hơn và đã thay thế cho nhà tranh mái tôn xưa kia. Công trình vệ sinh khép kín trong nhà, khác gì ở phố? Việc dùng nước nóng hay lạnh qua bình điện để tắm táp cũng được sử dụng rộng rãi. Bếp ga là phương tiện thay thế bếp củi có vẻ nhiều hơn, tuy nhiên nhiều nhà vẫn sử dụng đồng thời cả hai nhằm tiết kiệm ga. Điện về thôn giăng kín. Tủ lạnh, xe máy, tivi, internet...không còn là thứ hàng xa xỉ. Rõ ràng mức sinh hoạt đã thay đổi rõ rệt. Chợ quê tôi cũng đầy đủ các mặt hàng dân dã. Tôi cứ mải ngắm nhìn và thích đi lạc trong những quầy tôm, cá, lươn cua ốc ếch hến ngao sò, mực, thịt lợn, bò, gà, vịt ngan ngỗng, rau quả, bánh trái…và cứ hít hà cái vị thơm đặc trưng của chợ quê.
Gặp lại những anh chị của tôi ở quê mà không cầm được những giọt nước mắt chân tình – bởi các anh chị đã già yếu lắm. Trước bàn thờ trong nhà từ đường của dòng tộc họ Võ mang dáng dấp cổ xưa, tôi thắp những nén hương thành tâm với tổ tiên ông bà, ba má, bác chú, cô gì, anh chị đã khuất…Tôi lại được trở về, được đứng trên mảnh đất vườn xưa, thửa ruộng cũ mà tổ tiên ông bà khai khẩn tự bao đời nay, trong lòng có cái gì đó xốn xang khó diễn tả thành lời?
Đêm nằm ngủ ở quê nghe tiếng mưa rơi tí tách trên mái ngói, mái tôn, ngọn tre…mà tôi cảm thấy như càng yêu thêm mảnh đất quê hương đến ngần nào. Tôi cứ miên man trong suy nghĩ, cứ mong trời mưa mãi đừng dứt. Bởi đã gần 30 năm rồi bôn ba nơi xứ người – lòng chỉ khát khao nghe một tiếng mưa rơi nơi quê nhà, bởi tôi chưa một lần nghe lại cái âm thanh rả rích, gợi nhớ gợi thương và cũng hết sức lãng mạn tràn ngập tuổi thơ xưa…Tiếng gà gáy sáng đầu hồi nhà, tiếng lợn kêu đòi ăn trong chuồng, tiếng chổi tre loẹt xoẹt ngoài sân, đầu ngõ, tiếng trâu ọ ọ ngoài đường cho buổi cày, tiếng trẻ í ới gọi nhau đi học…làm tôi như muốn trở về với cái ngày xưa đã lâu lắm rồi.
Vinh – Phú Ninh (Quảng Nam), những ngày mưa cuối năm 2012.
Võ Hoài Nam