Đừng để người Việt "nổi danh" ăn cắp vặt tại Nhật

Đừng để gần 100 triệu người trong nước phải hổ thẹn, vì những thông tin kiểu “người Việt hay ăn cắp” và bản thân người Việt ở nước ngoài không dám nhận mình là người Việt Nam.

Mấy hôm nay thấy mọi người cứ đay đi đay lại việc người VN mình bị mất danh dự tại Nhật vì tội "ăn cắp vặt”.

Thôi thì cố đào bới tìm hiểu xem tại sao nào!

Nhiều người VN được đi ra nước ngoài nhiều chắc cũng đều hiểu rõ điều này, chỉ tội họ chẳng nói ra thôi. Vì họ ngại đụng chạm tới các đường dây làm ăn phi pháp của người Việt trong và ngoài nước, hoặc họ cũng nghĩ đơn giản: Mình chẳng dính thì thôi, người trong nước được tiêu dùng hàng rẻ trong khi thu nhập nước mình thấp. …

Những người công tác hoặc ghé sang Nhật chơi hầu hết sẽ được biết câu chuyện: Là chỉ cần thích thứ gì, loại hàng gì mà các siêu thị đang bày, thì ngày mai sẽ có người mang tới nơi bán với giá bằng một nửa giá bán công khai. Đối với các mặt hàng điện tử dây thường bị cắt nên gọi quen thành hàng “cắt dây”.
Biển cảnh báo bằng tiếng Việt được chụp lại trong một shop thời trang tại Nhật
Biển cảnh báo bằng tiếng Việt được chụp lại trong một shop thời trang tại Nhật

Kể từ khi các đường bay thẳng VN - Nhật Bản mở ra, việc đi lại dễ dàng thì các cửa hàng "xách tay" từ Nhật về cũng mọc lên như nấm. Nếu ai đã đi Nhật rồi thì đều biết rằng, hàng hóa ở Nhật đắt hơn ở trong nước rất nhiều, vậy tại sao lại có những loại hàng Nhật trôi nổi tại VN rẻ bất thường đó?

Tới đây thì mọi người cũng tự biết, đầu ra của những món đồ ăn cắp đó rồi. Cắt đầu ra này ắt hết việc bên kia.

Ngoài những thứ tầm tầm tại Nhật, còn nhiều loại hàng đắt tiền hơn trên thế giới cũng lần lượt về VN.

Các chiếc túi hàng hiệu như LV, DIOR, Salvatore Ferragamo nhan nhản bán công khai tại VN trong khi ngay cả tại nơi sản xuất là TQ cũng bị cấm rất quyết liệt. Các nhà cung cấp lại có cách đưa cho các thương nhân VN sang mua hàng không nhãn mác, khi về tự gắn vào, như vậy họ không chịu trách nhiệm gì hết vì họ có bán hàng hiệu đâu? Chỉ bán hàng vô danh, và người VN đã cố tình tiếp tay cho nhóm làm hàng lậu đó vào VN.

Con tôi học về thời trang ở nước ngoài về kêu lên bất lực: Tại sao ở VN, bản quyền chẳng có ý nghĩa gì hết, mọi người tự do ăn cắp ý tưởng mẫu mã, thương hiệu và bán công khai hàng fake. Như vậy thì bao giờ các nhà thiết kế trong nước mới sống được? Không những chỉ thời trang, còn tranh bị chép, văn bị đạo, nhạc thì thôi rồi, các ca sỹ chưa kịp ra lò thì ngoài chợ băng đĩa, hàng copy đã tràn lan.

Nhưng chẳng ai quan tâm! Người ta vẫn mua đĩa cop, tại sao không khi nó bán nhan nhản và rẻ bằng 1/10 đĩa gốc.

Vài năm trước, một chiếc xe của cầu thủ bóng đá David Beckham đã bị mất ở Tây Ban Nha đã tìm thấy chủ mới là bộ trưởng của một nước thuộc Nam tư cũ. Các phóng viên còn lần ra được cả số khung xe hoàn toàn trùng khớp?

Hóa ra, chiếc xe bị đánh cắp này đã bị đưa vào đất nước láng giềng và bị bán hóa giá cho một quan chức tại đất nước này. Vậy khi tìm ra chủ nhân gốc của chiếc xe, ngài bộ trưởng kia có phải trả lại chiếc xe đã được mua công khai không? Được biết chiếc xe là tang chứng thu được của một vụ buôn lậu vào nước họ? Câu chuyện nọ đã gây tranh cãi nảy lửa trên báo chí châu Âu năm đó.

Tại Mỹ, một công ty chuyên cho thuê xe sang đã gắn định vị toàn cầu vào những chiếc xe cho thuê. Với cái giá hơn 3.000USD/ ngày, họ rất ngạc nhiên khi thấy chiếc xe đã thuê được 01 tuần rồi mà vẫn nằm im tại chỗ. Họ tìm tới nơi chiếc xe đỗ thì hóa ra thiết bị định vị toàn cầu đã bị vứt ở bên cầu cảng. Chiếc xe thì đã theo một chiếc tàu chở hàng hướng thẳng cảng VN. Còn người thuê tất nhiên đang làm thủ tục báo mất.
Biển cảnh báo bằng tiếng Việt được chụp lại trong một shop thời trang tại Nhật
Bản thông báo của Văn phòng Trường Nhật ngữ, Viện Nghiên cứu Tokyo đến sinh viên Việt Nam về việc ăn cắp vặt

Tôi có lần được một cậu cháu làm ở cảng gợi ý rằng: Cô muốn nhập xe xịn về không? Cháu có thể giúp.

Nhìn chung có rất nhiều kịch bản hoàn hảo giúp bạn nhập hàng lậu hoặc trốn thuế hoặc sử dụng hàng hóa ăn cắp cứ… ngon ơ.

Ta đi nước ngoài thì tìm đủ mọi cách đưa họ hàng, bạn bè sang theo, làm hôn thê giả đủ kiểu: Anh em họ cưới nhau, vợ chồng li dị để cưới họ hàng đưa nhau sang... Sang để làm gì? Để 20- 30 năm rồi vẫn tiếng Anh giả cầy, chẳng chịu hội nhập, toàn tìm cách khai linh tinh để ăn tiền thất nghiệp, trong khi vẫn đi làm chui, làm lủi để có thêm tiền lương không đóng thuế.

Thật đáng buồn!

Có lần sang Anh, thấy các anh bên cơ quan chức năng sang họp vì vấn đề trẻ con bị bỏ rơi ở bên Anh. Nghe vô cùng kinh ngạc, hóa ra là các cháu đi từ đường Đông Âu sang làm móng chân móng tay, nhưng lại giả vờ là trẻ con đi du lịch bị bỏ rơi mất hết giấy tờ, cứ khai bừa là mới 15 tuổi, mặc dù đã 18 , 20... Rồi nhờ có người "bảo lãnh" nên các "trẻ em” này được tại ngoại, và lập tức tham gia vào đội ngũ làm móng, bao giờ hòa vốn và lãi khoảng 10.000 bảng thì có thể ra về, dù hầu hết sẽ tìm mọi cách để ở lại bằng cách nọ, cách kia.

Sang tận Đảo Hawaii, vẫn gặp dân ta làm đủ việc, mà khi về VN bốc lên tận trời xanh rằng- ông thì mua cả nửa hòn đảo Hawaii của chúng mày bây giờ!

Thực ra bây giờ cuộc sống của người Việt ở nhiều quốc gia cũng đã rất ổn, đâu có thiếu thốn để phải đi ăn cắp để nuôi thân? Họ làm vì những lý do khác: Quen tay, ngông cuồng, muốn làm anh hùng ngoài pháp luật….

Nghĩ về họ thấy buồn thương lẫn lộn. Nhiều người rất mạnh dạn làm ăn, và thành đạt xứ người, những cũng có không ít vị đi đâu cũng coi trời bằng vung, làm nhiều chuyện rất liều như trồng cỏ, buôn bán, rửa tiền... khiến họ luôn luôn nằm trong black list (sổ đen) của nhiều văn phòng nhập cư.

Họ suy nghĩ rất đơn giản, cái mục tiêu đặt ra nằm ngay trước mắt- làm giàu bằng mọi cách, kể cả cách làm phi pháp!

Quay lại chuyện ăn cắp vặt ở Nhật. Đầu tiên là thông qua các chuyến tàu Vosco chở bằng tàu biển về đủ thứ bà rằn nhặt được ở Nhật, sau thì lấy cắp xe đạp của người Nhật - những chiếc xe chủ yếu cho các bà đi chợ. Có đợt truy quét, CS Nhật bắt được đúng tụ điểm người Việt đang thu gom mấy nghìn chiếc xe chở về VN.

Vì vậy, người viết bài này nghĩ, các cơ quan, các ngành chức năng trong nước phải tìm cách kiểm tra kỹ hàng hóa bán tại các cửa hàng “xách tay” Làm sao, hàng hóa loại này phải có đầy đủ giấy tờ hóa đơn, thuế xuât nhập khẩu của cả nước ngoài như Nhật và VN – việc này hoàn toàn có thể làm được.

Cần có những luật lệ mạnh mẽ hơn ngăn chặn việc buôn bán hàng ăn cắp tại VN

Xin đừng ném đá tôi. Bởi cái danh dự của cả đất nước VN trong đó có mỗi người Việt chúng ta còn to hơn nhiều. Đừng để hơn 04 triệu Việt kiều phải cúi đầu khi sống và làm việc ở nước ngoài. Đừng để gần 100 triệu người trong nước phải hổ thẹn, vì những thông tin kiểu “người Việt hay ăn cắp” và bản thân người Việt ở nước ngoài không dám nhận mình là người VN.

Theo Hương Liên
Vietnamnet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm