Đại sứ Ngô Đức Mạnh: Người Việt tại Nga cần tìm cách chuyển đổi phương thức làm ăn
(Dân trí) - Đại sứ Việt Nam tại Nga Ngô Đức Mạnh, cho rằng người Việt tại Nga cần tính tới việc chuyển đổi phương thức làm ăn để thích ứng với tình hình nước Nga hiện nay, bởi mô hình chợ đã lỗi thời.
Công đồng người Việt Nam ở Liên bang Nga, theo con số thống kê chưa đầy đủ, có khoảng gần 100.000 người. Đây được đánh giá là một cộng đồng rất mạnh, thành đạt và có nhiều đóng góp tích cực đối với quê hương, đất nước. Một điều mong mỏi của cộng đồng người Việt lâu năm là được hợp pháp giấy tờ để có thể định cư lâu dài tại Liên bang Nga.
Theo ông Ngô Đức Mạnh - Đại sứ Việt Nam tại Liên bang Nga, công tác bảo hộ công dân, công tác cộng đồng là một trong những nhiệm vụ hàng đầu của Đại sứ quán. Rất đông người Việt Nam đang sinh sống và làm việc tại Nga, nhiều người đã có thẻ định cư lâu dài, lấy vợ, lấy chồng là người Nga. Thế hệ thứ hai của người Việt tại đây được sinh ra và lớn lên, được học hành bài bản tại Nga và đang tham dự tích cực vào đời sống kinh tế, xã hội ở sở tại.
“Phải khẳng định rằng, chính quyền Nga đã và đang tạo điều kiện thuận lợi cho bà con ta sinh sống và làm việc tại Nga. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn những trường hợp vi phạm kỷ luật, thậm chí pháp luật của sở tại”, Đại sứ Ngô Đức Mạnh cho biết trong cuộc trả lời phỏng vấn về quan hệ Việt - Nga nhân dịp diễn ra Hội nghị Ngoại giao lần thứ 30 vào tuần tới.
Đại sứ Ngô Đức Mạnh cho hay, Đại sứ quán Việt Nam tại Nga thường xuyên nắm bắt thông tin và kịp thời có những biện pháp giúp bà con giải tỏa những khó khăn vướng mắc, hỗ trợ bà con các thủ tục giấy tờ do Việt Nam cấp, giải quyết những vấn đề với chính quyền sở tại vì nhiều người Việt Nam không nắm vững tiếng Nga, cũng như luật pháp sở tại. Một số bà con vì những lý do khác nhau, đã vi phạm luật cư trú của Nga, Đại sứ quán đã tạo điều kiện thuận lợi để bà con hồi hương về nước trật tự.
Chính phủ Nga cho phép những người sang Nga trước 31/5/2014 mà ở lại quá hạn thì được hưởng chế độ cấp visa TP1, được tạo điều kiện về nước không theo dạng trục xuất và như vậy họ có cơ hội quay lại nước Nga với điều kiện họ làm đúng các thủ tục theo quy định của pháp luật hiện hành của Nga.
Hiểu rõ hoàn cảnh phần lớn bà con ta vì lý do kinh tế, gia đình nên ở lại quá hạn, do đó, Đại sứ Việt Nam tại Nga cho biết sẽ cố gắng phối hợp với phía bạn xem xét tạo điều kiện thuận lợi cho họ được quay lại Nga.
Trên thực tế, đối với người Việt tại Nga, vấn đề hợp pháp hóa giấy tờ là điều quan trọng, nhưng quan trọng hơn là việc chuyển đổi phương thức làm ăn để thích ứng với tình hình nước Nga hiện nay, bởi mô hình chợ đã lỗi thời và cần chuyển đổi mô hình làm ăn của bà con.
Về việc này, Đại sứ Ngô Đức Mạnh cho rằng: “Tôi nghĩ là mô hình chợ về tương lai vẫn còn, chỉ có điều là bà con ta làm ăn, buôn bán ở đó có hợp pháp không, có nghĩa là phải tuân thủ các quy định của bạn về lưu trú, thuế, xuất xứ hàng hóa… Cách “làm chui” rõ ràng là không thể chấp nhận được, tạo ra hình ảnh không tốt đẹp về cộng đồng ta tại Nga”.
Bà con người Việt bán hàng tại chợ ở Nga (ảnh: Võ Hoài Nam)
“Các xưởng may của người Việt tại Nga đã có thời kỳ rất phát triển vì lao động Việt Nam khéo léo, chăm chỉ và nhu cầu thị trường Nga đối với hàng may mặc rất lớn. Về hiện tại cũng như trong tương lai, không thể duy trì mãi “các xưởng may đen”.
Tôi mong ngày càng nhiều xưởng may hoạt động một cách hợp pháp, tuân thủ các yêu cầu của sở tại như có giấy phép mở xưởng, tuyển lao động, nộp thuế, tuân thủ quyền sở hữu trí tuệ…, hàng hóa phải có nguồn gốc xuất xứ thì mới đưa vào hệ thống siêu thị của bạn được”, Đại sứ Việt Nam tại Nga cho biết thêm.
Theo Đại sứ Ngô Đức Mạnh, về cơ bản, có nhiều mô hình, cách làm ăn mới có thể tham khảo như mở các quán ăn Việt Nam trong thời điểm ẩm thực Việt Nam đang lên ngôi ở nhiều thành phố Nga theo đúng tinh thần “ngon, bổ, rẻ”, mang đậm phong cách Việt, mở các loại dịch vụ như sửa chữa xe ô tô, xây dựng, làm nail, cắt tóc, du lịch…
Châu Như Quỳnh