Có một “Nhịp cầu Thái Bình” ở Thụy Sĩ

Đó là cây cầu nối Thụy Sĩ gần hơn với Việt Nam bằng việc giảng dạy tiếng Việt cùng những dự án đóng góp nhân đạo tại Việt Nam. Phóng viên TG&VN đã có dịp trò chuyện với TS. Hoàng Văn Khẩn – một trong những người xây dựng nhịp cầu ý nghĩa này.

Có một “Nhịp cầu Thái Bình” ở Thụy Sĩ


TS Hoàng Văn Khẩn du học tại Thụy Sĩ từ trước năm 1975, tốt nghiệp và làm luận án tiến sĩ về sinh hóa học tại Đại học Genève. Sau một thời gian tham gia giảng dạy và nghiên cứu tại Trường Đại học Y khoa Genève, nay ông có hai cửa tiệm về thực phẩm dưỡng sinh tại Genève. TS. Hoàng Văn Khẩn đã từng tham gia Hội Đoàn kết người Việt Nam tại Thụy Sĩ, có nhiều hoạt động hướng về quê hương qua các dự án y tế, xã hội và giáo dục. Ông hiện định cư tại Genève và là Chủ tịch Hội Nhịp cầu Thái Bình tại Thụy Sĩ.

Hội Nhịp cầu Thái Bình ra đời trong hoàn cảnh nào, thưa ông?

Khoảng năm 2005-2006, nhận thấy nhu cầu về tìm hiểu Việt Nam trong thời buổi hội nhập và với sự cổ vũ của Đại sứ Ngô Quang Xuân cùng các cơ quan quốc tế tại Genève lúc bấy giờ, chúng tôi đã mở lớp dạy tiếng Việt trong khuôn viên của Phái đoàn Việt Nam tại Genève. Sau này, vì phòng học giới hạn, các anh chị em nhận thấy phải đi tìm thuê phòng ở ngoài, đồng thời củng cố đội ngũ để thành lập Hội vào đúng ngày Quốc khánh Thụy Sĩ 1/8/2008.

Hoạt động của Hội chúng tôi tập trung vào tổ chức dạy tiếng Việt cho nhiều đối tượng khác nhau như: con em của Việt kiều, dâu rể Việt Nam, con cái, các bạn bè Thụy Sĩ, Pháp... Bên cạnh đó, Hội có một số sinh hoạt văn hóa, xã hội và từ thiện. Mỗi năm, chúng tôi vẫn thường xuyên chuyển một số tiền nhỏ giúp các học sinh tiểu học nghèo ở Việt Nam để hỗ trợ mua sách vở, bút mực. Hội cũng đang vận động hỗ trợ tài chính để tham gia dự án nước uống sạch ở các làng nghèo, vùng hẻo lánh ở miền Trung Việt Nam..

Ông có thể chia sẻ về hoạt động của các lớp học tiếng Việt cùng những thuận lợi và khó khăn trong việc dạy, học tiếng Việt ở Thụy Sĩ hiện nay?

Lần đầu tiên, Hội chúng tôi khai giảng một lớp dạy tiếng Việt cho thiếu nhi, các em từ 6 tuổi đến 11 tuổi. Sau hơn 2 tháng, phản ứng của các em và các bậc cha mẹ làm thầy cô và các thành viên trong Hội an lòng vì không những các em không vắng mặt mà còn chờ mong ngày đến lớp. Với 4 trình độ cho người lớn hiện nay, dự kiến sẽ có 3 trình độ cho các em trong tương lai. Và với nhịp độ phát triển này, Hội sẽ phải tìm kiếm thêm phòng học và tăng số lượng giáo viên. Hội còn ao ước một ngày mời được người từ trong nước dạy đàn, nhạc, múa dân tộc, cũng như ẩm thực Việt.

Về thuận lợi, có lẽ, người Việt ta vẫn còn in sâu trong trí nhớ và tiềm thức của mình hệ quả “tiếng Việt còn là nước Việt còn”, nên vẫn thôi thúc làm việc này cho thế hệ con cháu. Thuận lợi khác là học viên đóng kinh phí tự túc, nên chúng tôi trả lương cho giáo viên dạy theo giờ, còn dư lại hỗ trợ cho các lớp thiếu nhi vì học phí cho các em tương đối thấp. Phương pháp và bài bản thì tôi đã viết với sự hỗ trợ của giáo viên và bạn bè, nên sách thì chúng tôi tự in ấn lấy.

Tuy nhiên, cái yếu kém là thiếu những sinh hoạt văn hóa thuần Việt để tiếng Việt được dùng và được phổ biến trong xã hội. Cái khó thứ hai trong việc dạy và phổ biến tiếng Việt là sự thiếu chuẩn hóa của hệ thống tiếng Việt. Chỉ nội chữ i (ngắn) và y (dài), việc sử dụng càng ngày càng phóng khoáng đã và sẽ gây khó khăn cho việc làm trong sáng và phổ biến tiếng Việt. Chỉ cần một cơ quan có thẩm quyền quyết định mỗi năm một số lượng chữ (20-50 chẳng hạn) bắt buộc dùng trong các văn bản chính thức, thì sau 20 năm chúng ta sẽ phần nào chuẩn hóa được hệ thống chữ tiếng Việt.

Được biết, Hội của ông đang phát triển trang web riêng với mục đích không chỉ phổ biến văn hóa Việt Nam, mà còn giải thích phương pháp khoa học Tomatis, xin ông cho biết về phương pháp này?

Có một “Nhịp cầu Thái Bình” ở Thụy Sĩ


Trường Tiểu học Tân An 1, Hàm Tân, thuộc tỉnh Bình Thuận đã tổ chức Lễ trao học phẩm, quà tặng của Hội Nhịp cầu Thái Bình vào ngày 1/9/2008.

Trang Web của chúng tôi được thiết lập với 3 thứ tiếng nhằm mở rộng các sinh hoạt của Hội. Phương pháp khoa học Tomatis trong việc dạy tiếng Việt là phương pháp học cho người lớn, giúp đạt nhanh hiệu quả, tạo được nhịp cầu hiểu biết với nhau. Đây chính là phương pháp học hỏi từ ông Alfred Angelo Tomatis (1920 – 2001) - một bác sĩ chuyên khoa tai-mũi-họng, người đã tìm ra ngôn ngữ trị liệu và dành phần lớn thời gian của cuộc sống chuyên môn để nghiên cứu các quá trình liên kết giữa hành động "nghe" với "ngôn ngữ".

Với phương pháp này, học viên không những được học nói, học đàm thoại, học hát, học đọc, học viết, mà còn được tìm hiểu về văn hóa, lịch sử, địa lý. Chúng tôi cố gắng chuẩn hóa, tìm những câu chữ ngắn gọn, tượng hình, sửa cách nghe cũng như cách phát âm cho đúng tần số của các dấu, các chữ, phù hợp với cấu trúc tiếng Việt đơn âm. Đi xa hơn, học viên phải phát âm tách từng chữ, hít thở cho đủ sức lên giọng… Phần này, chúng tôi tạm gọi là “sửa tai” - cách phát âm đúng. Sau đó, việc học tiếng Việt có thể giống như học các ngôn ngữ khác. Qua đây, cũng nhận ra ngay cái khó khăn của việc học là đào tạo giáo viên có kinh nghiệm và tìm môi trường thực hành cho học viên. Hiện nay, các sinh hoạt cộng đồng người Việt còn phân tán, nên trong thực tế người học tiếng Việt ít có điều kiện để thực hành.

Qua những hoạt động xã hội ý nghĩa, điều ông mong muốn nhất là gì khi hướng về quê hương?

Cũng như nhiều anh chị em Việt kiều khác, tất cả các sinh hoạt trên đều là "tay trái, ngoài giờ làm việc" vì một nhiệt tâm đồng cảm với những khó khăn của đồng bào và quê hương. Điều mong muốn nhất của chúng tôi là những gì mình làm để hướng về quê hương thật hiệu quả. Chúng tôi tiếp tục mời gọi sự tham gia của người Việt Nam, bạn bè Thụy Sĩ và trên thế giới đến với nhau qua các dự án dài hạn và có giá trị lớn.

Tuấn Lê
Theo TG&VN