Chuyện về một người "không quốc tịch"

Có thực mục sở thị cuộc sống nhàn tản, giản dị của Tiến sĩ Vũ Tất Thắng trong căn biệt thự rộng rãi, yên tĩnh của gia đình ông ở đường Tây Hồ mới thực sự tin rằng, ông là một trong những Việt kiều hồi hương hết sức thành công sau 27 năm sống xa quê hương...

TS. Vũ Tất Thắng (giữa) trong chuyến thăm Thủy điện Hòa Bình, năm 1993.


TS. Vũ Tất Thắng (giữa) trong chuyến thăm Thủy điện Hòa Bình, năm 1993.

Một ngày đẹp trời năm 1961, chàng trai Vũ Tất Thắng - một trong 5 thanh niên Việt Nam đạt học bổng du học Nhật Bản lên đường tới Tokyo học tập. Tuổi 20 đầy hào sảng, nhiệt huyết và thấm đẫm tinh thần dân tộc đã đẩy đưa chàng thanh niên Công giáo này đến với những thăng trầm không ngờ của cuộc đời...

Người không quốc tịch

Trong những năm 1965-1967, Đế quốc Mỹ tiến hành chiến lược Chiến tranh cục bộ tại Việt Nam nhằm đè đẹp quân Giải phóng tại miền Nam và không quân oanh kích miền Bắc. Hằng ngày dõi theo tin tức về cuộc chiến tranh phi nghĩa của Đế quốc Mỹ tại quê hương qua các phương tiện truyền thông tại Nhật Bản, Vũ Tất Thắng vô cùng đau lòng khi chứng kiến quân Mỹ ném bom, khiến làng Việt Nam cháy, người Việt Nam chết... Ông cùng những du học sinh Việt Nam tại Nhật thời kỳ đó lập ra một hội có tên viết tắt từ tiếng Nhật là Beheiren (tạm dịch là Liên hiệp Nhật Bản vì hoà bình cho Việt Nam).

Beheiren đã tổ chức nhiều cuộc biểu tình tại Nhật Bản nhằm phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam, trong đó - với vốn tiếng Nhật khá tốt - Vũ Tất Thắng từng nhiều lần đứng lên đọc các thông điệp của cuộc biểu tình. Việc làm này đã khiến anh lọt vào "danh sách đen" của Chính phủ Việt Nam Cộng hoà - nơi cấp hộ chiếu cho anh đi du học.

Ngay lập tức, phía Việt Nam Cộng hoà cắt hộ chiếu của Vũ Tất Thắng và gửi công hàm yêu cầu Chính phủ Nhật Bản trục xuất về nước. Tuy nhiên, nhờ sự đấu tranh của các bạn bè Nhật Bản với 200 ngàn chữ ký của Hội những người ủng hộ Vũ Tất Thắng trên toàn nước Nhật, Chính phủ Nhật đã đồng ý để anh tiếp tục học tập tại Nhật Bản với tình trạng "không quốc tịch".

Sau khi nước nhà hoàn toàn thống nhất, Tất Thắng được Đại Sứ quán Việt Nam tại Nhật Bản cấp quốc tịch trở lại. Lúc này, Tất Thắng đã lập gia đình và có công việc ổn định tại Nhật Bản, nên để thuận tiện, anh xin nhập quốc tịch Nhật Bản. Trong những năm 80 của thế kỷ trước, Tất Thắng rời Đất nước mặt trời mọc tới châu Âu làm Đại diện cho hãng Isuzu.

Gia đình ở quê hương

Năm 1988, với hộ chiếu Nhật Bản, Tất Thắng đăng ký một tour du lịch 5 ngày tham quan Sài Gòn - Vũng Tàu ở Bangkok để có cơ hội về thăm nhà. Sau 27 năm trở lại ngã ba Ông Tạ (Sài Gòn), nơi ông đã lớn lên - mẹ ông lặng đi vì không ngờ có ngày bà được gặp lại đứa con trai cả của gia đình sau gần 30 năm bặt tin tức... Sau đó, năm nào Tất Thắng cũng xin nghỉ phép để về thăm nhà và thấy thủ tục nhập cảnh ngày càng thuận tiện hơn.

Là một người có học hàm Tiến sĩ Kinh tế tại Nhật Bản, Vũ Tất Thắng theo dõi rất kỹ chính sách Đổi mới của Chính phủ Việt Nam và trong những lần về thăm nhà, chứng kiến cuộc sống nhộn nhịp kẻ mua người bán, ông cảm thấy Việt Nam đang thực sự muốn đổi mới. Tháng 7/1992, sau khi hoàn thành nhiệm kỳ đại diện tại châu Âu, ông trở về Tokyo và bàn với lãnh đạo Isuzu để chuyển sang Itochu - một Tập đoàn có chung vốn với Isuzu và trở thành Đại diện của Itochu tại Hà Nội.

Ông chia sẻ: "Tôi thấy kinh tế Việt Nam năm 1992 có nhiều điểm tương đồng với kinh tế Nhật Bản đầu thập niên 60 của thế kỷ trước - khi tôi sang Tokyo du học, và có cảm tưởng như mình vượt ngược thời gian trở về tuổi thanh xuân của mình. Tôi làm việc không biết mệt, thành lập hàng loạt các công ty liên doanh Việt-Nhật như Inax, Vinakyoei, Kao... trong đó có Isuzu Việt Nam và trở thành Phó Tổng Giám đốc Isuzu Việt Nam được thành lập tại TP. Hồ Chí Minh.

Nhờ những kinh nghiệm sắc bén trong việc đánh giá thị trường cũng như cơ hội phát triển ở Việt Nam, Vũ Tất Thắng quyết định hồi hương. Ông khuyên các con về Việt Nam lập nghiệp vì kinh tế Việt Nam mới phát triển, cơ hội khởi nghiệp rất nhiều. Từ năm 1998, các con ông đã lần lượt xin thôi việc tại các công ty ở Nhật Bản để trở về lập nghiệp tại Việt Nam và hiện đều rất thành đạt.

Chậm rãi nâng ly trà xanh ấm nóng trong buổi sáng mùa Thu se lạnh, Tiến sĩ Vũ Tất Thắng xúc động chia sẻ: "Có thể nói, gia đình tôi là một trong những Việt kiều đầu tiên được mang 2 quốc tịch từ năm 2000 - quốc tịch nước đang cư ngụ và quốc tịch Việt Nam. Hiện nay, Luật Quốc tịch mới của Việt Nam đã cho phép kiều bào có hai quốc tịch, điều này đã tạo điều kiện thuận lợi rất nhiều cho các kiều bào. Sự thành công của các con chúng tôi chứng tỏ Việt Nam sẵn sàng chào đón thế hệ thứ hai về lập nghiệp".

Theo Khánh Nguyễn
TG&VN