Cảnh sát Nhật Bản học tiếng Việt: Vui hay buồn?

Theo con số thống kê mới nhất, hiện tại số người Việt Nam sinh sống, học tập và làm việc tăng rất nhanh khoảng gần 300% so với 3 năm trước đây.

Nếu như năm 2015 chỉ dừng lại ở mức hơn 100.000 người, đến tháng 5/2018 tăng lên khoảng 270.000 người, trong đó lưu học sinh khoảng 70.000 người, thực tập sinh, lao động khoảng 160.000 người.


Thực tập sinh Việt Nam tại công ty Yamaura.

Thực tập sinh Việt Nam tại công ty Yamaura.

Trong bối cảnh Nhật Bản đang thiếu nguồn nhân lực, đây là tín hiệu đáng mừng bù đắp cho sự thiếu hụt đó, đồng thời cũng giúp nguồn nhân lực Việt Nam được tiếp cận với nền công nghệ tiên tiến trong nhiều lĩnh vực của Nhật Bản. Cả hai bên đều có lợi trong vấn đề này. Tuy nhiên, bên cạnh đó có những yếu tố tiêu cực phát sinh, khiến chất lượng nhân lực bị giảm. Do đó, đòi hỏi hai nước cần có những biện pháp giải quyết vấn đề này.

Lý do học tiếng Việt của cảnh sát Nhật Bản

Thời kỳ đầu, đa phần những du học sinh, thực tập sinh, lao động người Việt Nam đều rất chăm chỉ, tôn trọng kỷ luật của các Công ty, Tập đoàn… nơi mình làm việc, được lãnh đạo, đồng nghiệp, bạn bè Nhật Bản quí mến. Tuy nhiên, cùng với sự tăng trưởng nhanh của số lượng người sang Nhật Bản vượt cả Trung Quốc vốn từ trước đến nay ngự trị ngôi đầu bảng, một số vấn đề như phạm tội, ăn cắp, bỏ trốn… cũng tăng dần.

Theo Cảnh sát tỉnh Miyagi - tỉnh tiếp nhận khá nhiều du học sinh, thực tập sinh của Việt Nam, nếu như năm 2008 tỷ lệ phạm tội người Việt Nam là số không, thì gần đây đã tăng nhanh. Năm 2017, trên địa bàn tỉnh đã có 20 người Việt Nam có nghi ngờ phạm tội, chỉ sau Trung Quốc với 23 người. Do đó, Cảnh sát tỉnh này đã bắt đầu học tiếng Việt.

Cũng theo cảnh sát tỉnh này, trong khi số người Hàn Quốc phạm tội có xu hướng giảm thì số người Việt Nam phạm tội lại tăng lên. Chỉ tính riêng 5 tháng đầu năm 2018, số người nước ngoài phạm tội ở tỉnh này có 28 người, trong đó có tới 8 người Việt Nam.

Tại thời điểm tháng 6 năm 2017, có khoảng 2.548 người Việt Nam sinh sống tại tỉnh Miyagi, con số này trong năm 2018 dự kiến tăng gấp đôi.

Cảnh sát tỉnh này đã được học một số ngoại ngữ trong đó có tiếng Trung Quốc, tiếng Anh. Trong bối cảnh người Việt Nam tại tỉnh gia tăng, cảnh sát địa phương này đã bắt đầu được giảng dạy tiếng Việt. Năm nay, có 5 cảnh sát của tỉnh sẽ được dạy tiếng Việt cơ bản. Hiện tại, đã có hai cảnh sát có thể phiên dịch, làm các thủ tục hình sự bằng tiếng Việt.


Cảnh sát Miyagi. Ảnh: Pinterest

Cảnh sát Miyagi. Ảnh: Pinterest

Tuy nhiên, việc cảnh sát tỉnh Miyagi học tiếng Việt không chỉ để đối phó với tình hình phạm tội đối với người nước ngoài, mà còn có mục đích hướng dẫn người Việt không biết tiếng Nhật khi tham gia giao thông hay trong công việc cần thiết. Một cảnh sát học Tiếng Việt cho rằng học tiếng Việt để giúp người Việt Nam cảm thấy sống yên tâm hơn khi sinh sống tại Nhật Bản.

Xây dựng lại lòng tin

Tất cả những doanh nghiệp, nghiệp đoàn… đang tiếp nhận thực tập sinh, lao động người Việt Nam đều cho rằng người Việt Nam chăm chỉ hơn những nước khác.

Tuy nhiên, chính lý do người Việt Nam phạm tội đang có xu hướng tăng lên khiến suy nghĩ của người Nhật Bản nói chung về thực tập sinh, lao động Việt Nam vốn là người chăm chỉ và thân Nhật Bản cũng có xu hướng bị dao động. Ông Kamada, Chủ tịch Hội giao lưu quốc tế của tỉnh Miyagi cho rằng nhiều người Việt Nam có tính thân Nhật Bản nên dễ làm việc cùng nhau. Văn hóa có khác nhau, nhưng quan trọng là làm thế nào để không xảy ra tình trạng hiểu lầm nhau.

Ông Otani, Tổng thư ký Hội hữu nghị Việt Nam-Nhật Bản cũng đánh giá cao chất lượng nguồn nhân lực phái cử của Việt Nam tại Nhật Bản. Việc người Việt Nam tại Nhật Bản có xu hướng gia tăng cũng phải đánh giá từ nhiều nguyên nhân, trong đó Nhật Bản cũng không phải là đứng ngoài cuộc. Quan trọng là phải minh bạch hóa các công ty, tổ chức phái cử và tiếp nhận thực tập sinh, lao động, du học sinh của cả hai nước. Đây cũng là vấn đề lớn, ảnh hưởng trực tiếp tới chất lượng nhân lực.

Tuy vậy, Việt Nam có câu “Tiên trách kỷ, hậu trách nhân”, mình phải soi lại mình trước trước khi trách người khác. Trên thực tế, sự gia tăng nhanh trong của số lượng cũng khó kiểm soát hết chất lượng. Vẫn còn có những thực tập sinh, lao động người Việt Nam chưa thực sự nắm bắt hết kỹ năng cũng như chuyên môn liên quan đến ngành nghề của mình trước khi tới Nhật Bản. Hơn thế nữa cuộc sống xa nhà, sống trong môi trường văn hóa hoàn toàn khác, hay nói đúng hơn khó hòa nhập với văn hóa đầy tính kỷ luật của Nhật Bản khiến các em lệch lạc trong cách suy nghĩ khiến hành động mất kiểm soát.

Những năm 2000, khi đến Nhật Bản, trên đường phố bạn khó nhìn thấy hình dáng người nước ngoài. Khi người nước ngoài tiếp xúc với người Nhật Bản, bạn có cảm giác vô cùng thân thiện, quí mến và được tôn trọng thực sự. Nếu bạn nói “Tôi là người Việt Nam”, các bạn Nhật sẽ rất vui. Nhưng hiện tại, đã có sự thay đổi tâm lý của một số người Nhật đối với người Việt Nam. Sự thay đổi đó chính là phụ thuộc vào mỗi hành động, hành vi ứng xử của mỗi người Việt Nam chúng ta trên đất nước của họ. Không phải đất nước Nhật Bản giàu có, văn minh hơn Việt Nam, Việt Nam chưa giàu có như Nhật Bản mà chúng ta không văn minh được như họ. Văn minh là khái niệm rộng, có nhiều yếu tố cấu thành, nhưng ngày nay, chính sự ứng xử của mỗi con người Việt Nam chúng ta lại giúp chúng ta văn minh, được sự tôn trọng.

Không chỉ riêng ở Nhật Bản, người Việt Nam ở các quốc gia trên thế giới hãy vì “Tôi là người Việt Nam” mà răn mình và sửa mình. Tự khắc nó sẽ tỏa sáng, và những người cảnh sát Nhật Bản dùng tiếng Việt để nói với chúng ta với những âm thanh ấm áp, hiểu biết lẫn nhau, không phải bằng tiếng Việt dùng trong chuyên môn của pháp luật.

Theo Bùi Hùng

VOV-Tokyo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm