Tàu vũ trụ của Liên Xô sắp rơi xuống Trái Đất, có gây nguy hiểm không?
(Dân trí) - Một mảnh vỡ từ con tàu vũ trụ được phóng lên hơn 50 năm trước chuẩn bị rơi tự do xuống Trái Đất ngay trong tuần này, nhưng địa điểm rơi của con tàu vẫn chưa được xác định.
Kosmos 482 (tên gọi ban đầu V71 số 671) là con tàu vũ trụ được chế tạo và phóng lên không gian bởi Liên Xô vào năm 1972. Con tàu này là một phần của chương trình Venera nhằm thu thập dữ liệu từ bề mặt Sao Kim.
Theo kế hoạch ban đầu, Kosmos 482 sẽ tiếp cận Sao Kim, truyền dữ liệu thu thập được từ bề mặt ngôi sao này trong vòng 50 phút trước khi bị thiêu rụi hoàn toàn bởi bầu khí quyển nóng bỏng của hành tinh này.
Tuy nhiên, do sự cố của tên lửa đẩy, Kosmos 482 đã không thể vượt qua được quỹ đạo Trái Đất thấp (độ cao khoảng 800km so với mực nước biển). Sau khi phóng thất bại, Kosmos 482 bị vỡ thành hai mảnh bao gồm thân chính và khoang đổ bộ.

Một phần mảnh vỡ còn sót lại của tàu Kosmos 482 bị rơi xuống New Zealand vào ngày 3/4/1972 (Ảnh: privat).
Mảnh đầu tiên đã đi vào khí quyển và rơi trở lại mặt đất 3 ngày sau vụ phóng thất bại, trong khi khoang đổ bộ vẫn còn lơ lửng trong quỹ đạo suốt 53 năm qua.
Giờ đây, phần còn lại của Kosmos 482 chuẩn bị rơi xuống bề mặt Trái Đất ngay trong tuần này.
Theo đó, Marco Langbroek, giảng viên về khoa học vũ trụ tại Đại học Kỹ thuật Delft, Hà Lan, đã sử dụng kính viễn vọng để quan sát và phát hiện một phần của Kosmos 482 đang rơi trở lại Trái Đất. Langbroek dự đoán bộ phận của Kosmos 482 sẽ va chạm với Trái Đất vào ngày 10/5 hoặc sau đó một vài ngày.
Theo Marco Langbroek, điều đáng lo ngại nhất là Kosmos 482 được thiết kế để tiếp cận Sao Kim, hành tinh có nhiệt độ cao nhất trong hệ Mặt Trời, do vậy nó đủ bền để không bị thiêu rụi khi lao qua khí quyển Trái Đất.
"Vì Kosmos 482 là tàu đổ bộ được thiết kế để tồn tại khi đi qua khí quyển Sao Kim, có khả năng nó vẫn sẽ còn nguyên vẹn khi bay qua khí quyển Trái Đất và gây ra va chạm mạnh", Marco Langbroek chia sẻ. "Các rủi ro liên quan không đặc biệt cao, nhưng không phải không thể xảy ra".
Mảnh vỡ của tàu Kosmos 482 có gây nguy hiểm cho con người hay không?
Khoang đổ bộ của Kosmos 482 nặng 495kg, dài 1m. Marco Langbroek dự đoán nó sẽ di chuyển với tốc độ 242km/h khi rơi xuống Trái Đất và điều này sẽ gây ra một vụ va chạm mạnh, tương tự như thiên thạch rơi xuống mặt đất.

Một tàu thám hiểm Sao Kim được các nhà khoa học Liên Xô phát triển (Ảnh: Getty).
Tuy nhiên, hiện Langbroek vẫn chưa thể xác định được vị trí chính xác con tàu này va chạm với mặt đất.
"Với độ nghiêng của quỹ đạo là 52 độ, tàu đổ bộ Kosmos 482 có thể sẽ hạ cánh ở bất kỳ đâu giữa vĩ độ 52 độ bắc và 52 độ nam. Điều này bao gồm một phần châu Âu, châu Á, châu Mỹ và toàn bộ châu Phi, châu Úc sẽ có nguy cơ xảy ra va chạm", Langbroek nhận xét.
Tuy nhiên, ông cũng cho rằng nhiều khả năng Kosmos 482 sẽ rơi xuống biển.
"Nguy cơ một vật thể từ ngoài không gian rơi trúng con người trên mặt đất là rất nhỏ và không cần phải quá lo ngại. Dĩ nhiên, xác suất vẫn có thể xảy ra", tiến sĩ Jonathan McDowell, nhà vật lý thiên văn tại Trung tâm Vật lý Thiên văn Harvard-Smithsonian (Mỹ), bình luận.
Theo tính toán của Tập đoàn Hàng không Vũ trụ (Mỹ), xác suất để mảnh vỡ tàu Kosmos 482 gây ra tai nạn chết người vào khoảng 1/25.000. Đây là một rủi ro thấp hơn nhiều so với những vụ va chạm gây ra bởi các mảnh vỡ không gian khác.
Khi xác suất không phải bằng 0%, nghĩa là mọi nguy cơ đều có khả năng xảy ra.