Tàu thám hiểm phát hiện dấu tích bờ biển cổ đại trên Sao Hỏa
(Dân trí) - Phát hiện này mở ra một chương mới trong việc tìm hiểu lịch sử Sao Hỏa và khả năng hỗ trợ sự sống trong quá khứ.

Hành tinh Đỏ có thể từng tồn tại các đại dương cổ đại rộng lớn và bãi biển đầy nắng và cát (Ảnh: Scitech Daily).
Sao Hỏa không phải lúc nào cũng là một hành tinh khô cằn và hoang vắng. Một nghiên cứu mới đây từ dữ liệu tàu thám hiểm Chúc Dung (Zhurong) của Trung Quốc đã mang đến bằng chứng rõ ràng về sự tồn tại của các bãi biển cổ đại trên hành tinh Đỏ.
Bãi biển ẩn giấu trên Sao Hỏa
Một nhóm các nhà khoa học quốc tế, bao gồm các nhà nghiên cứu, đã phân tích dữ liệu từ tàu Chúc Dung và phát hiện ra các lớp trầm tích ẩn bên dưới bề mặt Sao Hỏa. Những thành tạo địa chất này cho thấy một đại dương rộng lớn từng bao phủ khu vực phía Bắc hành tinh.
Theo ông Benjamin Cardenas, phó giáo sư địa chất tại Đại học bang Pennsylvania (Mỹ) và là đồng tác giả của nghiên cứu, phát hiện này cung cấp bằng chứng thuyết phục về sự tồn tại của một khối nước lớn, cũng như một môi trường thuận lợi cho sự sống trên Sao Hỏa.
"Chúng tôi tìm thấy những dấu tích của bãi biển cổ đại và đồng bằng châu thổ trên Sao Hỏa. Cùng với đó, những bằng chứng về gió, sóng và trầm tích từ cát cho thấy hành tinh này từng có những điều kiện tương tự Trái Đất", chuyên gia cho biết.
Được biết, tàu thăm dò Chúc Dung hạ cánh xuống Sao Hỏa vào năm 2021 tại đồng bằng Utopia Planitia. Từ đó tới nay, tàu đã thu thập dữ liệu địa chất, với mục tiêu tìm kiếm dấu hiệu của nước và băng trong quá khứ.

Sơ đồ cho thấy một loạt các dấu hiệu về trầm tích bãi biển hình thành tại địa điểm tàu thăm dò Chúc Dung hạ cánh (Ảnh: Đại học Quảng Châu).
Điểm đặc biệt của tàu thăm dò này là hệ thống radar xuyên đất, cho phép quét lớp địa chất bên dưới bề mặt hành tinh và phát hiện ra những lớp đá bị chôn vùi. Bằng cách sử dụng cả radar tần số thấp và cao, các nhà khoa học đã nhận diện được một cấu trúc phân tầng tương tự các bãi biển trên Trái Đất - còn gọi là trầm tích bãi biển.
"Dữ liệu radar cho thấy các lớp trầm tích nghiêng dần về phía đại dương, một đặc điểm chỉ có thể hình thành dưới tác động của thủy triều và sóng biển", PGS Benjamin Cardenas giải thích. "Điều này cung cấp bằng chứng về sự tồn tại của một môi trường nước động, nơi có thể từng hỗ trợ sự sống vi khuẩn".
Sự hình thành và tiến hóa của bờ biển Sao Hỏa
Khi so sánh dữ liệu từ Sao Hỏa với hình ảnh radar của các trầm tích ven biển trên Trái Đất, nhóm nghiên cứu nhận thấy những điểm tương đồng đáng kinh ngạc. Cụ thể, góc nghiêng của các lớp trầm tích trên Sao Hỏa rất giống với những gì được quan sát tại các bãi biển trên Trái Đất.

Hình ảnh giả định về Sao Hỏa cách đây 3,6 tỷ năm, với một đại dương có thể đã bao phủ gần một nửa hành tinh (Ảnh: Scitech Daily).
Các nhà nghiên cứu cũng đã loại trừ các giả thuyết khác, bao gồm sự hình thành do dòng chảy của các dòng sông cổ đại, hay hoạt động núi lửa, gió... trước khi đi tới kết luận rằng, cấu trúc của lớp trầm tích và độ dày của chúng chỉ có nguồn gốc từ một đại dương cổ đại.
"Đường bờ biển này không đứng yên, mà đã thay đổi theo thời gian. Các con sông từng chảy, trầm tích từng di chuyển, và bề mặt hành tinh đã trải qua những quá trình phong hóa và tiến hóa đáng kể", báo cáo từ nghiên cứu cho biết.
"Điều này cho thấy Sao Hỏa từng có một quá khứ với nhiều hoạt động địa chất và liên tục thay đổi, khác xa với hình ảnh một hành tinh lạnh lẽo, khô cằn mà chúng ta thường biết.
Phát hiện này củng cố giả thuyết cho rằng Sao Hỏa từng có một đại dương bao phủ phần lớn vùng cực Bắc của hành tinh. Nghiên cứu này cũng cho thấy giai đoạn ấm áp và độ ẩm cao của Sao Hỏa có thể đã kéo dài hàng chục triệu năm, đủ để hình thành một môi trường có thể hỗ trợ sự sống.