Xem robot y tế đưa cơm phục vụ bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam

Minh Khôi

(Dân trí) - Hệ thống robot y tế vận chuyển VIBOT có thể vận chuyển thức ăn, đồ dùng cho bệnh nhân, vật dụng y tế từ ngoài vào khu cách ly điều trị bệnh Covid-19 và ngược lại.

Robot phục vụ suất ăn cho bệnh nhân tại một khu điều trị.

Hướng tới mục tiêu cấp bách và sự cần thiết phải triển khai nghiên cứu các sản phẩm công nghệ cao ứng dụng vào công tác phòng chống dịch bệnh Covid-19, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) đã cho ra mắt hệ thống robot y tế vận chuyển (đặt tên là VIBOT).

Chức năng chính của VIBOT là thay thế các nhân viên y tế trong việc vận chuyển đồ đạc, trang thiết bị, đồ ăn, thuốc men, nhu yếu phẩm... từ khu vực tập kết (ở ngoài khu cách ly) đến các buồng bệnh (trong khu cách ly) để cung cấp cho người bệnh. Ngoài ra, robot cũng có thể di chuyển đến các buồng bệnh để y bác sĩ, người nhà (ở ngoài khu cách ly) có thể giao tiếp từ xa với bệnh nhân.

Xem robot y tế đưa cơm phục vụ bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam - 1

Robot VIBOT-2 đến từng phòng bệnh để hỗ trợ y bác sĩ thăm khám bệnh từ xa cho bệnh nhân F0 trong khu cách ly tại Bệnh viện Đa khoa Bắc Giang, tháng 6/2021.

Được biết, hệ thống robot y tế vận chuyển VIBOT phiên bản đầu (VIBOT-1) gồm có 1 trung tâm giám sát điều khiển và 1 robot di chuyển theo đường dẫn có từ tính. Sau 2 tuần thử nghiệm, hệ thống VIBOT-1 đã được lắp đặt và triển khai tại Bệnh viện Bắc Thăng Long, Hà Nội để phục vụ người nghi nhiễm Covid-19.

Xem robot y tế đưa cơm phục vụ bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam - 2

Chủ nhiệm đề tài giới thiệu robot VIBOT-1 với các bác sĩ bệnh viện Bắc Thăng Long, tháng 4/2020.

Xem robot y tế đưa cơm phục vụ bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam - 3

Người vận hành lập chương trình làm việc, gửi cho robot qua mạng Wifi và theo dõi hoạt động của robot từ Trung tâm giám sát điều khiển ở ngoài khu vực cách ly.

Nối tiếp thành công của phiên bản đầu, Bộ KH&CN tiếp tục cho ra đời hệ thống robot y tế vận chuyển giai đoạn 2 (VIBOT-2) gồm 5 robot và 1 Trung tâm giám sát điều khiển. Phiên bản mới này được thiết kế với nhiều tính năng thông minh hơn, như khả năng tự xây dựng bản đồ, định vị, thiết lập lộ trình hoạt động.

Với các chức này, robot có thể di chuyển an toàn tới các khu vực được chỉ định để thực hiện nhiệm vụ mà không cần sự hỗ trợ nào từ bên ngoài, cũng như phối hợp giữa các robot khi thực hiện cùng một nhiệm vụ.

Qua quá trình thử nghiệm, ứng dụng tại các bệnh viện, cơ sở cách ly điều trị bệnh Covid-19 đã cho thấy Hệ thống robot y tế vận chuyển VIBOT hoạt động ổn định và hiệu quả, góp phần hỗ trợ phòng chống dịch Covid-19.

Từ tháng 4/2021, hệ thống robot y tế vận chuyển VIBOT-2 bắt đầu đã được lắp đặt, vận hành thử nghiệm để đánh giá các tính năng kỹ thuật tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108.

Xem robot y tế đưa cơm phục vụ bệnh nhân Covid-19 tại Việt Nam - 4

Đoàn kiểm tra của Bộ KH&CN kiểm tra, đánh giá các tính năng của hệ thống robot VIBOT-2 tại bệnh viện TWQĐ 108, tháng 4/2021.

Nhận xét về hệ thống robot VIBOT-2 đang triển khai tại Bệnh viện dã chiến số 7 - TPHCM, bác sĩ Trần Minh Tuấn - Bệnh viện Quân y 175 cho biết, trước đây khi chưa có robot hỗ trợ, mỗi ngày một nhóm dân quân tự vệ khoảng 6-7 người sẽ mất gần 2 giờ đồng hồ để phát cơm cho khoảng 10 tầng của bệnh viện.

Tuy nhiên kể từ khi triển khai hệ thống VIBOT, hiện mỗi con robot sẽ phụ trách 4-5 tầng, hoạt động liên tục trong khoảng 1 giờ đồng hồ để phát hết cơm cho các phòng bệnh, từ đó tăng mức độ hiệu quả lên gấp đôi.

Chị Hoàng Ái My, bệnh nhân F0 đang điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 7 chia sẻ, chị đã vào đây được 12 ngày, trước đó thì các anh dân quân phát cơm hàng ngày, nhưng 5 ngày trở lại đây thì được thay thế bằng robot. "Việc phát cơm bằng robot mình thấy rất tiện lợi, giúp y bác sĩ và các anh dân quân đỡ mất sức và tiết kiệm thời gian hơn. Cũng hạn chế được việc tiếp xúc gần F0, giảm nguy cơ lây nhiễm Covid-19", chị My chia sẻ.

Ngày 23/7, Hội đồng KH&CN tư vấn đánh giá, nghiệm thu nhiệm vụ KH&CN cấp Quốc gia đã họp, đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ đạt mức xuất sắc và kiến nghị tiếp tục hoàn thiện công nghệ, đầu tư sản xuất thêm các hệ thống robot VIBOT để phục vụ phòng chống dịch.