Xác nhận có bầu khí quyển bao quanh một ngôi sao “Hải vương Ấm”

(Dân trí) - Các nhà thiên văn đã phát hiện ra một bầu khí quyển nguyên sơ bao quanh một ngoại hành tinh nước ấm áp – một hành tinh giống như sao Hải vương – có quỹ đạo gần với ngôi sao chủ.


Hình ảnh minh họa cảnh cặp kính viễn vọng đang quan sát sao Hải vương Ấm khi nó vượt qua trước ngôi sao chủ.

Hình ảnh minh họa cảnh cặp kính viễn vọng đang quan sát sao Hải vương Ấm khi nó vượt qua trước ngôi sao chủ.

Phát hiện được đăng trên tạp chí Science này có thể giúp các nhà nghiên cứu hiểu rõ hơn về cách hình thành và phát triển của các hành tinh thuộc hệ mặt trời ở xa xôi.

Nhà thiên văn David Sing tới từ Đại học Exeter cho biết: “Sao Hải Vương ấm” này là một hành tinh nhỏ hơn nhiều so với những hành tinh mà chúng ta có thể mô tả chi tiết, vì vậy phát hiện mới về bầu khí quyển của nó giống như một bước đột phá lớn trong nỗ lực tìm hiểu về cách hình thành một hệ mặt trời và so sánh nó với hệ mặt trời của chúng ta”.

Các nhà nghiên cứu có thể quan sát bầu khí quyển của hành tinh này khi nó vượt qua phía trước ngôi sao chủ. Ngôi sao ở cách Trái Đất khoảng 430 năm ánh sáng.

Dựa trên các bước sóng mà bầu khí quyển của ngoại hành tinh này hấp thu, các nhà nghiên cứu cho rằng hành tinh nước có tên HAT P 26b này được bao quanh bởi hỗn hợp khí hy-đrô và hê-li. Các dữ liệu được thu thập bởi cả Kính viễn vọng không gian Hubble và Kính viễn vọng không gian Spitzer của NASA cho thấy, bầu khí quyển này không có mây và thể hiện các dấu hiệu mạnh mẽ về sự tồn tại của hơi nước.

Bầu khí quyển của sao Hải vương Ấm được hình thành cùng lúc với ngôi sao chủ của nó hoặc sau đó khi phát triển đĩa tiền hành tinh của ngôi sao – hoặc là cả hai điều trên.

Những hành tinh khí khổng lồ giống như sao Thiên Vương hoặc sao Hải Vương trong hệ mặt trời của chúng ta có thành phần kim loại cao hơn vì chúng được hình thành dọc theo ngoại vi đĩa tiền hành tinh của mặt trời. Ngay từ đầu, chúng đã bị bắn phá bởi các mảnh băng giàu nguyên tố nặng. Tuy nhiên, mặc dù HAT P 26b có kích thước tương tự sao Hải Vương, nó lại có thành phần kim loại giống với sao Mộc hơn và được hình thành gần ngôi sao chủ của nó hơn – đây là một điều hết sức bất thường.

Nhà thiên văn học của NASA – Hannah Wakeford – cho biết “các nhà thiên văn học mới chỉ bắt đầu tìm hiểu bầu khí quyển của những hành tinh xa xôi có khối lượng tương đương sao Hải Vương, và gần như ngay lập tức, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy một ví dụ đi ngược lại xu thế trong hệ mặt trời của chúng ta. Kết quả đáng kinh ngạc này chính là lý do tại sao tôi thực sự thích tìm hiểu bầu khí quyển của các ngoại hành tinh”.

Anh Thư (Theo Upi)