Virus là gì, lây lan như thế nào? Vì sao virus làm chúng ta bị ốm?

(Dân trí) - Virus là những thực thể sinh học phổ biến nhất trên Trái Đất. Các chuyên gia ước tính có khoảng 10.000.000.000.000.000.000.000.000.000.000 virus.

Bạn có thể ví chúng như là công nghệ nano của tự nhiên: những cỗ máy phân tử có kích thước tính bằng nanomet, có thể xâm nhập vào tế bào của các sinh vật khác và cướp lấy sức sống của sinh vật đó để tự sinh sản. Phần lớn các virus đều vô hại đối với con người, nhưng một số khác có thể làm bạn bị ốm thậm chí gây chết người.

Virus có sống không?

Virus dựa vào tế bào của các sinh vật khác để tồn tại và sinh sôi vì chúng không có năng lượng và cũng không tự tích trữ được năng lượng. Nói cách khác, chúng không thể hoạt động bên ngoài một vật chủ, vì thế chúng thường được coi là không phải sinh vật sống.

Khi ở ngoài một tế bào, virus bọc mình trong một lớp vỏ, trở thành một hạt độc lập được gọi là hạt virus (virion). Hạt virus có thể sống sót trong môi trường trong một thời gian nhất định, tức là cấu trúc của nó còn nguyên vẹn và nó có thể nhiễm vào một sinh vật phù hợp nếu sinh vật đó tiếp xúc với nó.

Khi một hạt virus bám vào một tế bào vật chủ phù hợp – việc này tùy thuộc vào các phân tử protein trên bề mặt của hạt virus và tế bào đó – nó có thể xâm nhập vào tế bào. Một khi đã xâm nhập vào trong tế bào, virus “cướp” lấy tế bào để sinh sản thêm nhiều hạt virus mới. Các hạt virus này tìm cách vượt ra ngoài tế bào, và thường phá hủy tế bào trong quá trình thoát ra này, sau đó lại lây nhiễm sang tế bào khác.

Vòng đời đó có làm cho virus sinh sống không? Đây là một câu hỏi mang tính triết lí sống, nhưng chúng ta có thể đồng ý với nhau rằng dù sống hay không thì chúng có thể ảnh hưởng vô cùng lớn đến các cơ thể sống.

Virus là gì, lây lan như thế nào? Vì sao virus làm chúng ta bị ốm? - 1

Hình minh họa hình dáng của một hạt virus corona.

Cấu tạo của virus là gì?

Trong nhân của một hạt virus là bộ gen, là một phân tử dài gồm DNA hoặc RNA có chứa các chỉ dẫn di truyền để virus sinh sản. Nhân này được bọc trong một lớp vỏ gồm các phân tử protein, lớp vỏ này bảo vệ cho nhân vật liệu di truyền.

Một số virus còn có thêm lớp vỏ ngoài cùng là các phân tử chất béo hữu cơ. Virus corona mới gây bệnh Covid-19 hiện nay chính là loại virus này. Xà phòng có thể làm tan lớp vỏ chất béo này, làm cho toàn bộ hạt virus bị phá hủy. Đây là một lý do chúng ta cần rửa tay đúng cách bằng xà phòng.

Virus tấn công những sinh vật nào?

Virus giống như những loài ăn thịt nhằm vào những con mồi cụ thể mà chúng nhận biết được và tấn công. Những virus không nhận ra tế bào con người là virus vô hại, một số khác có nhiễm vào người nhưng không gây hậu quả gì cho sức khỏe của chúng ta.

Nhiều loài động vật và thực vật mang trong mình những virus riêng. Mèo có virus suy giảm miễn dịch mèo (FIV), là một dạng virus HIV ở mèo (HIV gây bệnh AIDS ở người). Dơi là vật chủ của nhiều loại virus corona, một trong số đó là virus corona mới gây bệnh Covid-19 hiện nay.

Vi khuẩn cũng có những virus riêng của chúng, được gọi là thể thực khuẩn, trong một số trường hợp các thể thực khuẩn này có thể được sử dụng để chống lại lây nhiễm vi khuẩn.

Virus có thể đột biến và kết hợp với nhau. Đôi khi chúng kết hợp với nhau biến thành loài khác, điển hình là virus gây bệnh Covid-19.

Vì sao một số virus nguy hiểm chết người?

Những virus quan trọng nhất đối với con người chính là những virus xâm nhập được vào cơ thể chúng ta. Một số họ virus, như là họ virus herpes, có thể ngủ đông trong cơ thể người trong thời gian dài mà không gây tác hại gì.

Mức độ gây hại của một virus hay một mầm bệnh được gọi là độc tính của virus hay của mầm bệnh đó. Độc tính này tùy thuộc không chỉ ở mức độ nó làm hại cơ thể mà nó đã xâm nhập, mà còn ở khả năng trốn tránh được sự chống đỡ của cơ thể, rồi tự sinh sôi và lây lan sang cơ thể khác.

Về mặt tiến hóa, đôi khi virus phải đánh đổi giữa việc sinh sôi và việc làm hại vật chủ. Một virus sinh sôi mạnh mẽ và giết chết vật chủ rất nhanh thì sẽ không có cơ hội lây lan sang vật chủ mới. Mặt khác, một virus sinh sôi chậm và gây bệnh nhẹ lại có thể có nhiều thời gian để lây lan.

Virus lây lan bằng cách nào?

Một người khi bị nhiễm virus thì cơ thể trở thành nguồn chứa các hạt virus, các hạt này có thể thoát ra khỏi người đó dưới dạng các chất dịch của cơ thể (như việc ho và hắt hơi), hoặc tế bào da chết hoặc thậm chí trong một số trường hợp là qua việc sờ mó các bề mặt.

Sau đó các hạt virus một là bám vào vật chủ mới, hai là bám vào một vật thể vô tri vô giác. Những vật thể nhiễm virus này được gọi là đồ vật truyền bệnh, và có thể giữ một vai trò quan trọng trong việc lây truyền căn bệnh.

Virus là gì, lây lan như thế nào? Vì sao virus làm chúng ta bị ốm? - 2
Virus corona mới gây ra Covid-19 (màu vàng) trên bề mặt các tế bào (màu xanh/ hồng) cấy trong phòng thí nghiệm

Virus corona là gì?

Virus corona gây bệnh Covid-19 là một thành viên trong gia đình virus corona. Tên của nó xuất phát từ hình dáng của hạt virus khi nhìn dưới kính hiển vi, những gai protein nhô ra khỏi bề mặt khiến nó trông giống như chiếc vương miện.

Một virus corona khác đã từng gây ra đợt bùng phát SARS chết người ở Trung Quốc vào năm 2003 và MERS ở Trung Đông vào năm 2012. Chúng có cách đột biến thường xuyên để có thể lây từ người sang người.

Phạm Hường

Theo The Conversation