VinFuture 2023: Giới khoa học hội tụ, tìm giải pháp điều trị bệnh tự miễn

Nam Đoàn

(Dân trí) - Bệnh tự miễn trước kia được coi là bệnh hiếm gặp giờ đây trở nên phổ biến trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Việc tìm ra giải pháp phù hợp điều trị căn bệnh này không phải dễ dàng.

VinFuture 2023: Giới khoa học hội tụ, tìm giải pháp điều trị bệnh tự miễn - 1

Các nhà khoa học tại buổi tọa đàm trong Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2023 (Ảnh: BTC).

Đây là vấn đề được TS.BS Nguyễn Văn Đĩnh, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec, giảng viên Trường Đại học VinUni đưa ra trong phiên tọa đàm "Thúc đẩy Miễn dịch học chính xác để điều trị các bệnh Rối loạn tự nhiên", trong khuôn khổ Tuần lễ Khoa học Công nghệ VinFuture 2023 diễn ra chiều 18/2 tại Hà Nội.

Tại buổi tọa đàm, các diễn giả đã tập trung thảo luận các liệu pháp điều trị nhắm đích, bao gồm liệu pháp tế bào sử dụng lympho T điều hòa, các kháng thể đơn dòng để điều trị một số bệnh lý tự miễn như lupus ban đỏ, viêm khớp dạng thấp, xơ cứng bì... 

Những phương pháp điều trị theo hướng miễn dịch học chính xác này hứa hẹn có thể chữa khỏi hoàn toàn các bệnh lý tự miễn.

Bệnh tự miễn là khi hệ tự miễn tấn công tế bào cơ thể gây ra các bệnh như vảy nến, viêm mạch máu. Trước kia, căn bệnh này được coi là hiếm gặp.

Theo Tiến sĩ Nguyễn Văn Đĩnh, tỷ lệ bệnh tự miễn trên thế giới đang ngày càng gia tăng, chiếm 10% cộng đồng dân số. Tại Việt Nam, tỷ lệ mắc bệnh tự nhiễm chiếm 4% tổng dân số, tương ứng với gần 4 triệu người. 

"Để giải quyết vấn đề này, các chuyên ngành cần phối hợp điều trị đồng thời để giúp bệnh nhân tốt nhất. 25% bệnh nhân không chỉ mắc một bệnh lý tự miễn mà nhiều bệnh lý cùng lúc. Ví dụ, bệnh nhân mắc bệnh cả về thể chất và tâm lý thì cần điều trị cả hai.

Liệu pháp tế bào T đang là xu hướng trong điều trị các bệnh tự miễn và ung thư. Các tế bào T như "người gác cổng", có thể nhận biết kháng nguyên bất thường trên cơ thể, ví dụ tế bào ung thư", TS. Nguyễn Văn Đĩnh giải thích. 

Tuy nhiên, vai trò của tế bào này trong việc điều trị các bệnh tự miễn và giá thành là câu chuyện mà giới khoa học y sinh đang tìm câu trả lời.

Hiện tại nước ta, việc chẩn đoán sớm căn bệnh này bằng cách xác định yếu tố dấu ấn sinh học, các kháng thể hay yếu tố bệnh học để áp dụng trong điều trị, chủ yếu bằng cách ức chế tế bào T và B.

Giáo sư Shimon Sakaguchi, nhà miễn dịch học đến từ Trung tâm Nghiên cứu miễn dịch tiên phong, Đại học Osaka (Nhật Bản), chia sẻ tại tọa đàm: "Bệnh tự miễn thường gặp ở nhiều cơ quan trên cơ thể như khớp, tuyến tụy. Đáng chú ý, hầu hết các cơ quan trong cơ thể đều bị bệnh tự miễn".

Shimon Sakaguchi là người tìm ra tế bào T điều hòa (Treg) với hơn 40 năm nghiên cứu về tế bào này đưa ra quan điểm: "Thay vì điều trị bệnh tự miễn theo triệu chứng, tức là phần ngọn, chúng ta cần tìm cách ngăn chặn bệnh từ gốc bằng việc tác động đến tế bào Treg".

Tuy nhiên, đến nay chưa có một phương thức điều trị nào chứng minh được hiệu quả cao trên người. Shimon Sakaguchi bày tỏ, hy vọng các nhà khoa học sẽ sớm có thêm nhiều liệu pháp mới về tế bào T điều hòa để nhanh chóng giúp người bệnh tự miễn trên thế giới.