Việt Nam đón mưa sao băng và nguyệt thực vào cuối tuần này
(Dân trí) - Cuối tuần này bầu trời Việt Nam xuất hiện nhiều hiện tượng thiên văn thú vị từ mưa sao băng Eta Aquarids, nguyệt thực nửa tối và trăng tròn tháng 5.
Theo timeanddate, trong tháng 5 sẽ xuất hiện mưa sao băng Eta Aquarids, hoạt động từ ngày 19/4 đến ngày 28/5 và sẽ đạt cực đại vào đêm ngày 6 đến sáng sớm ngày 7/5 tới đây.
Eta Aquarids là một trong hai trận mưa sao băng được tạo ra bởi các mảnh vỡ của sao chổi Halley.
Sao chổi Halley mất khoảng 76 năm để thực hiện một vòng quay hoàn chỉnh quanh Mặt Trời và lần tiếp theo nó có thể được quan sát từ Trái Đất là vào năm 2061.
Người dân có thể quan sát sao băng theo hướng của chòm sao Bảo Bình nằm ở Nam Bán Cầu, vĩ độ giữa dương 65⁰ và âm 90⁰.
Cụ thể, nếu chúng ta quan sát khu vực này, mưa sao băng này có thể đạt tần suất lên tới 60 vệt/giờ.
Trong khi ở Bắc bán cầu, con số đó chỉ bằng một nửa.
Tuy nhiên, thời tiết Việt Nam thời điểm mưa sao băng đạt cực đại lại đúng vào đêm trăng gần tròn nên nhiều vệt sao băng sẽ bị ánh trăng sáng làm lu mờ trên bầu trời nước ta.
Nguyệt thực nửa tối
Cũng vào đêm ngày mùng 5 rạng sáng ngày 6/5, người dân Việt Nam có cơ hội quan sát hiện tượng nguyệt thực nửa tối, nó khác với nguyệt thực toàn phần hoặc bán phần.
Nguyệt thực nửa tối xảy ra khi Mặt Trăng chỉ bị tối đi đôi chút, chứ không chuyển sang màu đỏ, chính vì thế đây không phải là hiện tượng thiên văn hấp dẫn đối với những người yêu thích ngắm bầu trời.
Theo hội Thiên văn Hà Nội, khu vực thủ đô nước ta, nguyệt thực nửa tối sẽ bắt đầu lúc 22h14 ngày 5/5, đạt cực đại lúc 00h22 ngày 6/5 và kết thúc lúc 02h31.
Bên cạnh hai sự kiện thiên văn trên, nước ta cũng sẽ xuất hiện trăng tròn diễn ra vào lúc 00h36, ngày 5/5 cùng thời điểm diễn ra nguyệt thực nửa tối.
Trăng tròn tháng Năm được người thổ dân châu Mỹ xưa kia gọi là Trăng hoa bởi đây là thời điểm hoa mùa xuân đang độ mãn khai.
Ngoài ra, trăng tròn lần này cũng còn được gọi là Trăng trồng ngô hoặc Trăng sữa.