Việt Nam đang từng bước làm chủ được công nghệ vệ tinh

(Dân trí) - Sáng 23/3, Trung tâm Vệ tinh Quốc gia, Viện Hàn Lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam (HL KH&CN) đã tổ chức Hội nghị sơ kết đánh giá Dự án Trung tâm Quốc gia Việt Nam. GS.TS Châu Văn Minh – Chủ tịch Viện HL KH&CN nhấn mạnh: Qua dự án này, Việt Nam có một hạ tầng công nghệ vũ trụ hiện đại, từng bước làm chủ được công nghệ vệ tinh…


Theo đánh giá của GS.TS Châu Văn Minh - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thì Việt Nam đã dần làm chủ công nghệ vệ tinh

Theo đánh giá của GS.TS Châu Văn Minh - Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam thì Việt Nam đã dần làm chủ công nghệ vệ tinh

Tại Hội nghị sơ kết, PGS.TS Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Trung tâm Vệ tinh quốc gia (TTVTQG) cho hay, Dự án Trung tâm Quốc gia Việt Nam là dự án trọng điểm quốc gia được đầu tư lớn nhất trong lĩnh vực khoa học và công nghệ, dự kiến hoàn thành vào năm 2022. Khởi công xây dựng tại Khu công nghệ cao Hòa Lạc vào tháng 9/2012, sau 5 năm triển khai, dự án đã hoàn thành được nhiều hạng mục.

Chẳng hạn như, về đào tạo nguồn nhân lực, từ tổng số nhân lực 31 cán bộ ban đầu năm 2012, sau 4 năm đã tăng lên 132 cán bộ vào cuối năm 2016 với 13 Tiến sĩ và 47 thạc sĩ, trong đó 87% cán bộ nghiên cứu trẻ dưới 40 tuổi. Theo thiết kế của dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam và lộ trình phát triển của TTVTQG, dự kiến có khoảng 200 cán bộ vào năm 2019 cà 250 cán bộ vào năm 2022. Qua dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam, TTVTQG đã cử 36 kỹ sư đến 5 trường ĐH Nhật Bản theo học thạc sĩ công nghệ vũ trụ, tham gia thiết kế, chế tạo, thử nghiệm vệ tinh MicroDragon 50kg dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các giáo sư Nhật Bản. Hiện nay 22/36 cán bộ TTVTQG đã hoàn thành khóa học và đang công tác tại TTVTQG để chuẩn bị tiếp nhận và vận hành Vệ tinh LOTUsat-1.


Quang cảnh hội nghị sơ kết

Quang cảnh hội nghị sơ kết

TTVTQG đã ký thỏa thuận đào tạo với 3 trường ĐH tại Việt Nam (ĐH Khoa học và Công nghệ HN, ĐH Công nghệ -ĐHQGHN, ĐH Quốc tế - ĐHQGTPHCM) về đào tạo khoa học và công nghệ vũ trụ. Bên cạnh đó, TTVTQG cũng đã ký biên bản ghi nhớ với 5 trường ĐH hàng đầu của Nhật Bản trong việc phối hợp đào tạo thạc sĩ Công nghệ vũ trụ cho Dự án.

TTVTQG đã phát triển thành công vệ tinh PicoDragon (1kg), đang và sẽ triển khai các dự án vệ tinh NanoDragon (4-6kg), MicroDragon (10kg), LOTUsat (600kg) bám sát theo đúng kế hoạch phát triển vệ tinh đặt ra. Theo kế hoạch, năm 2019, vệ tinh LOTUSat-1 sẽ được phóng và đi vào hoạt động. Năm 2022, các hạ tầng kỹ thuật hiện đại dùng cho nghiên cứu, lắp ráp, tích hợp và thử nghiệm vệ tinh cũng sẽ sẵn sàng hoạt động để tiến tới phát triển vệ tinh LOTUSat-2 “Made in Việt Nam”. Với 2 vệ tinh công nghệ cảm biến radar hiện đại nay, Việt Nam có khả năng quan sát toàn bộ lãnh thổ và vùng biển quốc gia trong mọi điều kiện thời tiết với độ phân giải cao góp phần giảm thiểu tác động của biến đổi khí hậu và thiên tai, quản lý nguồn tài nguyên thiên nhiên và giám sát môi trường…

Cũng theo PGS.TS Phạm Anh Tuấn, nhằm tiến tới làm chủ công nghệ vệ tinh, việc đầu tư nghiên cứu ứng dụng của công nghệ vệ tinh cũng được TTVTQG hết sức coi trọng. Mục tiêu của quá trình này chính là đưa các ứng dụng, các lợi ích mà vệ tinh đem lại, nhằm góp phần và thúc đẩy nhanh sự phát triển của đất nước thông qua những đóng góp thiết thực như quản lý rừng, nông nghiệp, đánh giá tác động biển đổi khí hậu, môi trường, phòng chống giảm nhẹ thiên tai và phát triển kinh tế biển.

“Thời gian tới sẽ tiếp tục đưa vào hoạt động các đài quan sát thiên văn tại Nha Trang và Hòa Lạc nhằm thúc đẩy các hoạt động nghiên cứu Khoa học vũ trụ. Đặc biệt, Bảo tàng vũ trụ tại Hòa Lạc kết hợp với Nhà chiếu hình vũ trụ thuộc Dự án Trung tâm Vũ trụ Việt Nam được đưa vào phục vụ cộng đồng vào năm 2018 sẽ góp phần phổ cập kiến thức và khơi gợi, nuôi dưỡng niềm đam mê của những người trẻ, các bạn học sinh sinh viên về công nghệ vũ trụ” – PGS.TS Phạm Anh Tuấn nói.


Nhà thầu tư vấn Nhật Bản sẽ giám sát toàn bộ quá trình triển khai dự án trong thời gian tới

Nhà thầu tư vấn Nhật Bản sẽ giám sát toàn bộ quá trình triển khai dự án trong thời gian tới

Trong khuôn khổ của Hội nghị, đã diễn ra Lễ ký biên bản thương thảo hợp đồng tư vấn giám sát với nhà thầu tư vấn Nhật Bản. Đây là hạng mục rất quan trọng của dự án vì nhà thầu tư vấn sẽ giám sát toàn bộ quá trình triển khai trong thời gian tới của dự án từ việc sản xuất, phóng vệ tinh đến việc xây dựng cơ sở hạ tầng và lắp đặt thiết bị công nghệ tại Khu công nghệ cao Hòa lạc.

Bên cạnh đó, Lễ ký thỏa thuận hợp tác giữa TTVTQG và tập đoàn IMSG-Hoa Kỳ (đơn vị đóng góp tích cực cho chương trình vệ tinh viễn thám của Hoa Kỳ) cũng được tiến hành.

Nguyễn Hùng